Khắc phục bất cập trong quản lý tài sản công

“Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thời gian vừa qua cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế”- Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh khi báo cáo Quốc hội dự án Luật Quản lý tài sản công trong phiên họp sáng 31-10.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng báo cáo Quốc hội về Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Lãng phí trong sử dụng tài sản công

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, sáng 31-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ đọc Tờ trình về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Hơn 7 năm thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thời gian qua đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế.

Đó là, cơ chế quản lý tài sản nhà nước còn phân tán, được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau, chưa có luật chung để quy định những nguyên tắc thống nhất trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản. Mặt khác, quy trình đầu tư, mua sắm, xử lý tài sản nhà nước bị phân tán do nhiều cơ quan, đơn vị cùng làm, tính chuyên nghiệp thấp, còn nặng về hành chính, bao cấp; hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao; vai trò điều tiết của các cơ quan quản lý tài sản công hạn chế nên còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu tài sản.

Đáng chú ý việc sử dụng tài sản sai công năng, sai mục đích gây lãng phí, thất thoát vẫn diễn ra...

Theo đánh giá của Chính phủ, tài sản nhà nước có phạm vi rất rộng, công tác quản lý bị buông lỏng trong thời gian dài, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chưa theo kịp với yêu cầu quản lý; ý thức trách nhiệm của nhiều cấp, ngành, nhiều cơ quan, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản chưa cao; công nghệ quản lý còn lạc hậu; chế tài xử lý vi phạm còn thiếu và thực hiện chưa nghiêm là những nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, bất cập thời gian qua.

Đổi mới quản lý

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, để khắc phục các bất cập trong quản lý, sử dụng tài sản công, và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính thành lập Ban soạn thảo dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng ban. Dự thảo Luật gồm 10 Chương, 137 Điều.

Một trong những mục tiêu quan trọng trong dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công là xây dựng những nguyên tắc chung nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng bao quát đầy đủ phạm vi, đối tượng, nội dung liên quan; đổi mới phương thức quản lý, sử dụng phù hợp với từng loại tài sản theo hướng nắm chắc, hạch toán, thống kê đầy đủ tài sản công về giá trị và hiện vật, coi tài sản công là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu ngân sách nhà nước... Dự thảo Luật cũng tạo lập cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công.

Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (được sửa tên thành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công-PV) nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật trong thời gian vừa qua.

Đồng thời, thể chế hóa Điều 53 của Hiến pháp năm 2013 về tài sản công, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm quản lý chặt chẽ tài sản công, góp phần khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực từ tài sản công phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, “một số ý kiến cho rằng, phạm vi của tài sản công là rất rộng và ở nhiều hình thái khác nhau, trong đó, nhiều loại tài sản không hoặc chưa xác định được giá trị, nên việc quy định tất cả các loại tài sản vào quản lý chung trong Luật là quá rộng, sẽ dẫn đến tình trạng luật khung, thiếu tính khả thi. Vì vậy, đề nghị căn cứ vào tính chất, đặc điểm, nguồn hình thành của từng loại tài sản công, các nhóm tài sản công để xây dựng các luật cụ thể cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn”- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách nhấn mạnh.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý tài sản công nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình cần thiết phải ban hành Luật để quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công phục vụ phát triển kinh tế.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/khac-phuc-bat-cap-trong-quan-ly-tai-san-cong.aspx