Khắc phục bất lợi do thuốc trị bệnh COPD

Tôi bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nên thường xuyên phải dùng các thuốc chống viêm nhóm corticoid để điều trị.

Tôi bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nên thường xuyên phải dùng các thuốc chống viêm nhóm corticoid để điều trị. Ví dụ như uống methylprednisolon, rồi phun - hít beclomethasone... Nghe nói thuốc nhóm này gây nhiều tác dụng phụ nhất là khi phải dùng kéo dài như bệnh của tôi. Vậy các tác dụng phụ đó là gì? Có cách nào khắc phục hoặc hạn chế các bất lợi này?

Ngô Thu Hường(Lạng Sơn)

COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) là một bệnh có tiến triển mạn tính, phải dùng thuốc thành đợt dài, thậm chí là suốt cả cuộc đời... nên việc gặp phải các bất lợi do thuốc điều trị là khó tránh khỏi.

Dùng các thuốc corticoid nhằm hạn chế tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính của các bệnh nhân, do đó làm giảm chít hẹp đường thở. Thuốc corticoid có thể dùng đường uống (toàn thân) cho những bệnh nhân có đợt cấp của COPD. Dạng phun, hít được sử dụng khi bệnh đã được kiểm soát.

Tác dụng phụ thường gặp của corticoid bao gồm: kích ứng niêm mạc dạ dày (đây là biểu hiện thường gặp khi dùng corticoid đường toàn thân với các biểu hiện ợ hơi, ợ chua, đầy và trướng bụng, thậm chí loét dạ dày - tá tràng); tăng đường máu; loãng xương (đây là biểu hiện thường thấy khi dùng corticoid đường toàn thân kéo dài); tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhất là đường hô hấp (do thuốc gây ức chế miễn dịch); hội chứng Cushing (các biểu hiện này gặp khi người bệnh dùng thường xuyên corticoid đường uống kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm); nấm họng; suy thượng thận: (gặp khi bệnh nhân đang dùng corticoid đường toàn thân, sau đó dừng đột ngột với các biểu hiện như mệt mỏi, chóng mặt, tụt huyết áp...).

Khi gặp các bất lợi trên, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết để được xử lý thích hợp, kịp thời. Tuy nhiên, để tránh hoặc hạn chế các tác dụng phụ trên, người bệnh cần:

Uống thuốc sau khi ăn no để tránh kích ứng dạ dày. Có thể dùng thêm thuốc ức chế tiết acid dạ dày như omeprazol... (để chống loét dạ dày - tá tràng).

Cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, không được tự ý thêm, bớt liều dùng. Khi dùng thuốc trong thời gian dài không được tự ý ngưng thuốc đột ngột mà phải ngừng từ từ theo liệu trình (chỉ định của bác sĩ) để tránh hội chứng suy tuyến thượng thận.

Hạn chế dùng corticoid đường toàn thân. Nếu bệnh ổn định có thể chuyển sang dùng corticoid dạng phun - hít. Do thuốc được đưa trực tiếp tới niêm mạc đường thở, do vậy sẽ có nồng độ cao nhất ở niêm mạc đường hô hấp, trong khi nồng độ thuốc vào máu rất thấp (hạn chế gây hại toàn thân).

Trong khi dùng thuốc kéo dài, người bệnh cần liên hệ chặt chẽ với bác sĩ để phát hiện kịp thời tác dụng phụ của thuốc (nếu có), vì có những tác dụng phụ người bệnh không thể nhận biết ngay được... mà phải qua làm các xét nghiệm lâm sàng mới phát hiện được.

Đối với dạng phun - hít, cần súc miệng sau khi dùng thuốc. Việc súc miệng sau hít thuốc giúp loại bỏ gần như hoàn toàn các thuốc thừa đọng lại ở miệng và họng bệnh nhân sau dùng thuốc, tránh mắc nấm miệng, họng.

Tiêm vắc-xin phòng cúm hàng năm giúp tránh nhiễm cúm và do đó làm giảm đáng kể tần xuất các đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

BS. Đinh Ngọc San

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/khac-phuc-bat-loi-do-thuoc-tri-benh-copd-n130729.html