Khắc phục hạn chế trong công tác cán bộ ở Bộ Công thương

Bộ Công thương có nhiều đầu mối trực thuộc, gồm 30 đơn vị quản lý nhà nước, 50 đơn vị sự nghiệp công lập và 20 doanh nghiệp. Trong thời gian vừa qua, công tác tổ chức, cán bộ của Bộ Công thương có một số thiếu sót, khuyết điểm. Ðây là vấn đề được lãnh đạo Ðảng và Nhà nước quan tâm, tập trung chỉ đạo.

Bộ Công thương có nhiều đầu mối trực thuộc, gồm 30 đơn vị quản lý nhà nước, 50 đơn vị sự nghiệp công lập và 20 doanh nghiệp. Trong thời gian vừa qua, công tác tổ chức, cán bộ của Bộ Công thương có một số thiếu sót, khuyết điểm. Ðây là vấn đề được lãnh đạo Ðảng và Nhà nước quan tâm, tập trung chỉ đạo.

Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và có kết luận về một số khuyết điểm trong công tác cán bộ của Bộ Công thương. Những hạn chế và thiếu sót này, nếu chậm khắc phục sẽ làm mất lòng tin của nhân dân đối với Bộ, ảnh hưởng không chỉ tới uy tín của ngành công thương mà còn tới công tác quản lý nhà nước của Bộ nói chung.

Trước tình hình nêu trên, Ban cán sự đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2016-2020 đã rà soát toàn diện công tác tổ chức, cán bộ của Bộ để xác định rõ các bất cập, hạn chế, chỉ ra các nguyên nhân và triển khai các giải pháp nhằm chấn chỉnh và từng bước kiện toàn công tác tổ chức, cán bộ.

Những bất cập, hạn chế chính về công tác cán bộ của Bộ Công thương trong thời gian vừa qua là:

Hệ thống văn bản về công tác tổ chức, cán bộ của Bộ chưa thật sự hoàn thiện. Cơ cấu tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, một số chỗ bất hợp lý, ảnh hưởng tới hoạt động của Bộ. Tiêu chí và quy trình để nhận xét, đánh giá, tiếp nhận, bố trí, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ tuy có nhưng chưa đầy đủ, dẫn đến khó khăn cho việc đánh giá và bố trí chính xác cán bộ.

Mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân cũng như cơ chế phân công trách nhiệm giữa tập thể và cá nhân trong công tác cán bộ chưa được làm rõ, cho nên những nguyên tắc cơ bản của công tác cán bộ như tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách còn mang tính hình thức.

Cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ hạn chế về năng lực, nhất là trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm những cán bộ thật sự có tài, có đức, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công việc. Còn thiếu sót và khuyết điểm trong việc tham mưu, thực hiện trình tự, thủ tục thẩm tra, xác minh lý lịch nhân sự và trình tự, thủ tục tiếp nhận nhân sự từ nơi khác về Bộ.

Một số trường hợp tiếp nhận, điều động, luân chuyển cán bộ chưa thật sự khách quan, công tâm dẫn đến bố trí cán bộ không đúng năng lực, sở trường; một số trường hợp nhân sự tiếp nhận từ nơi khác về Bộ đã cho thấy sự hạn chế về năng lực, trình độ cũng như kinh nghiệm công tác phù hợp với vị trí lãnh đạo, quản lý được giao; một số trường hợp được bổ nhiệm nhiều chức danh lãnh đạo trong một thời gian ngắn… đã gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến uy tín của Bộ.

Những bất cập, hạn chế nêu trên xảy ra do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về khách quan, một số quy định của Ðảng, Nhà nước về công tác cán bộ chưa được hướng dẫn cụ thể, chi tiết, dẫn đến khi triển khai tại cơ sở có sự lúng túng nhất định. Bên cạnh đó, mặc dù được tin tưởng và tạo môi trường làm việc tốt, nhưng do có sự phân biệt lớn về đãi ngộ giữa khu vực quản lý nhà nước và khu vực sản xuất, kinh doanh, cho nên nhiều cán bộ giỏi, có năng lực xin chuyển công tác khiến nguồn cán bộ có chất lượng ngày càng thiếu.

Tuy nhiên, Ban Cán sự đảng Bộ Công thương đã xác định việc để xảy ra các sai phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan, bao gồm:

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống còn hình thức, chưa có sức thuyết phục để động viên việc tự giác thường xuyên nâng cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Việc đánh giá, quy hoạch, bố trí và sử dụng cán bộ còn mang nặng tính chủ quan, cảm tính, trong một số trường hợp còn có biểu hiện hình thức, dễ dãi.

Nguyên tắc tập trung dân chủ chưa được triệt để tôn trọng và phát huy trong công tác cán bộ. Có trường hợp do nể nang, ngại va chạm, cho nên không đưa ra ý kiến trước các đề xuất cán bộ không hợp lý, không kiên quyết thay thế những cán bộ có năng lực yếu kém hoặc uy tín giảm sút.

Chưa chú trọng xây dựng một cơ chế khách quan để phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng người tài; chưa có cơ chế thật sự hiệu quả để công khai hóa và tiếp thu ý kiến phản ánh của công chức, viên chức và người lao động về công tác nhân sự trước khi bố trí, bổ nhiệm cán bộ.

Triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, kiên quyết khắc phục những hạn chế, thiếu sót đã xảy ra trong thời gian qua; từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc, Bộ Công thương đã xây dựng và triển khai các giải pháp cụ thể như sau:

Ban Cán sự đảng Bộ Công thương đã phối hợp với Ðảng ủy Bộ, Công đoàn Công thương Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên và người lao động của ngành công thương; ban hành Quy chế dân chủ cơ sở để cán bộ, đảng viên và người lao động có thể phát huy tối đa dân chủ cơ sở và nâng cao vai trò giám sát của quần chúng, cán bộ đối với công tác tổ chức, cán bộ. Triển khai xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản về công tác tổ chức, cán bộ. Bộ Công thương đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng gọn, nhẹ, hiệu quả. Dự kiến, số đơn vị đầu mối được quy định trong Nghị định sẽ giảm từ 35 đầu mối hiện nay xuống còn 30 đầu mối.

Ban Cán sự đảng Bộ Công thương đã xây dựng lại Quy chế làm việc của Ban Cán sự để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Ðảng trong công tác cán bộ theo hướng cụ thể hóa các nguyên tắc như tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao trách nhiệm cá nhân ở tất cả các khâu, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Ban Cán sự đảng Bộ Công thương đã nghiêm túc triển khai các văn bản mới về công tác cán bộ như Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW ngày 24-2-2017 về sửa đổi, bổ sung một số nội dung về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nêu tại Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 5-11-2012 của Ban Tổ chức Trung ương và Kết luận số 12-KL/TW ngày 22-3-2017 của Bộ Chính trị về sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ.

Bộ Công thương đã ban hành quy định mới về tiêu chuẩn chức danh và quy trình thực hiện công tác cán bộ, theo đó bổ sung hợp lý các tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý và hoàn thiện các quy trình của công tác cán bộ theo hướng công khai, minh bạch, về trách nhiệm và cơ chế bảo đảm sự kiểm tra, giám sát thực hiện. Ðồng thời kiện toàn cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ, thường xuyên cập nhật các quy định của Ðảng và Nhà nước về công tác cán bộ, bảo đảm các đề xuất về công tác cán bộ phù hợp với các quy định. Vai trò, trách nhiệm cá nhân của những người tham mưu, đề xuất nhân sự, nhất là vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo phụ trách được xác định rõ, bảo đảm công tâm, khách quan, trung thực trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và tham mưu quy hoạch, luân chuyển, điều động và bổ nhiệm cán bộ. Việc thu thập thông tin, tìm hiểu về nhân sự dự kiến quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm được đặc biệt chú ý, nhất là nhân sự tiếp nhận từ nơi khác về Bộ.

Ban Cán sự đảng Bộ Công thương đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác quy hoạch cán bộ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch theo đúng các quy định của Ðảng và Nhà nước. Việc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển; giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào quy hoạch cán bộ. Coi trọng tính ổn định của bộ máy lãnh đạo, nhưng chủ động luân chuyển giữa các đơn vị trong Bộ nhằm khắc phục tình trạng trì trệ, khép kín và cục bộ trong công tác cán bộ.

Bộ Công thương đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chủ động tìm hiểu, nắm bắt thực hiện đúng các quy định về công tác cán bộ từ cấp cơ sở. Ðồng thời, trên cơ sở các quy định của Bộ, khuyến khích các cơ quan, đơn vị tự xây dựng quy chế, quy trình của cơ quan, đơn vị về công tác cán bộ, trong đó đặc biệt lưu ý cơ chế phối hợp giữa chính quyền với cấp ủy, công đoàn cùng cấp về công tác cán bộ.

Với các giải pháp đồng bộ nêu trên, những hạn chế trong công tác cán bộ của Bộ Công thương đang từng bước được khắc phục, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của ngành công thương có năng lực, bước đầu lấy lại tín nhiệm, niềm tin của Ðảng, Nhà nước và nhân dân.

TRẦN TUẤN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33569402-khac-phuc-han-che-trong-cong-tac-can-bo-o-bo-cong-thuong.html