Khắc phục khó khăn trước mắt để phát triển giáo dục Quảng Bình

Ngành Giáo dục Quảng Bình đã có bước chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục mũi nhọn từng bước được nâng cao rõ rệt.

Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ đến giữa học kì 2.

Chiều 28/3, Sở GD&ĐT Quảng Bình tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ đến giữa học kì 2, triển khai nhiệm vụ trọng tâm đến hết năm học 2023 - 2024.

Chất lượng mũi nhọn được nâng cao

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Quảng Bình, từ đầu năm học đến nay, Ngành Giáo dục Quảng Bình đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 theo đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ đề ra và đạt được nhiều kết quả.

Theo đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, chức danh nghề nghiệp cho được chú trọng. Đến nay, 100% viên chức ngành GD&ĐT đã được bồi dưỡng theo hạng chức danh 1 và 2.

Quảng Bình có 1 dự án đoạt giải Nhì, 1 dự án đạt giải Tư tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học.

Công tác triển khai Chương trình GDPT 2018 được thực hiện đồng bộ. Triển khai thực hiện biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, ban hành kế hoạch và triển khai chương trình, sách giáo khoa GDPT 2018 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12 đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh.

Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục, đăng ký các chỉ tiêu, xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian cuối năm học 2023 - 2024 để xây dựng các giải pháp triển khai thực hiện. Tổ chức thành công Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp THPT năm học 2023 - 2024 với 43 giáo viên đến từ các trường phổ thông trực thuộc Sở tham gia.

Nhờ những nỗ lực không ngừng, Ngành Giáo dục Quảng Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023 - 2024, Quảng Bình có 47/67 HS dự thi đoạt giải.

Đây là một trong những thành tích tốt nhất của đội tuyển HSG quốc gia những năm gần đây. Tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, Quảng Bình tham gia cuộc thi với 2 dự án, 1 dự án đoạt giải Nhì, 1 dự án đạt giải Tư.

Toàn ngành đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu của ngành trong công tác dân tộc: tỉ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đến trường là 100%; học sinh trong độ tuổi học TH 99,9%, học THCS 97,7%, học THPT 65,2%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông 99,13%.

Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình ghi nhận những thành tích mà Ngành Giáo dục tỉnh Quảng Bình đạt được trong thời gian qua.

“Ngành Giáo dục của tỉnh Quảng Bình đang đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc. Hội nghị hôm nay là cơ hội để thảo luận, thẳng thắn đóng góp ý kiến về kết quả đạt được, các hạn chế, khó khăn, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm đã áp dụng trong thực tiễn quản lý giáo dục”, ông Đặng Ngọc Tuấn khẳng định.

Khắc phục khó khăn để nâng cao chất lượng

Tại hội nghị, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất giáo dục thời gian tới.

Ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuyên Hóa chia sẻ: “Chất lượng giáo huyện Tuyên Hóa từng bước được cải thiện những rào cản hiện tại nằm ở cơ sở vật chất, tuy nhiên về nhân lực vẫn còn nhiều hạn chế”.

Theo Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học, Sở GD&ĐT Quảng Bình, ông Lê Viết Cảm: “Các cấp, nhất là cấp tiểu học nên đổi mới hình thức dạy học, kiểm tra để giúp trẻ phát triển toàn diện mọi mặt. Nội dung giáo dục địa phương nên được tập trung biên soạn và đưa vào giảng dạy phù hợp”.

Ban lãnh đạo Sở GD&ĐT tại Hội nghị.

Bà Mai Thị Liên Giang, Phó Giám đốc sở GD&ĐT Quảng Bình cho rằng, giải pháp trọng tâm thời điểm hiện tại là đẩy mạnh truyền thông, tạo sự đồng thuận giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh vì đây là động lực xây dựng trường học hạnh phúc, đổi mới chương trình giáo dục.

Phát biểu kết luận, Giám đốc sở GD&ĐT Đặng Ngọc Tuấn nhấn mạnh những thách thức, khó khăn mà Ngành Giáo dục Quảng Bình phải đối mặt trong thời gian tới.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học một số nhà trường chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là ở các huyện miền núi đã tạo ra rào cản rất lớn trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 trong thời gian tới.

Tỷ lệ trường đạt CQG thấp hơn so với chỉ tiêu, nhiều trường quá thời hạn công nhận đạt CQG nhưng chưa được đầu tư để được đánh giá công nhận lại.

Do áp lực về tinh giản biên chế nên một số trường học tại các địa phương có số lượng học sinh/lớp vượt quá quy định. Nhiều trường không tuyển chọn được một số vị trí việc làm theo nhu cầu, nên các đơn vị gặp khó khăn trong việc bố trí giáo viên giảng dạy, đặc biệt là môn tiếng Anh, Tin học.

Triển khai chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn: tỷ lệ nộp các khoản thu không dùng tiền mặt chưa đạt chỉ tiêu tỉnh giao. Một số trường học ở vùng sâu, vùng xa tốc độ đường truyền internet còn chậm.

Tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học

Ông Đặng Ngọc Tuấn đề nghị các đơn vị tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ cuối năm học theo kế hoạch, đảm bảo tiến độ, chất lượng, trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm.

Lãnh đạo các đơn vị, phòng GD đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Các phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác nâng cao chất lượng giáo dục để tăng tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS, THPT, nâng điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT so với năm 2023.

Chỉ đạo, hướng dẫn công tác bàn giao chất lượng HS lớp 5 cho các trường THCS, bàn giao HS về sinh hoạt tại địa phương, đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn, đuối nước cho HS trong dịp hè.

Đối với các thuộc Sở GD&ĐT cần triển khai hoàn thiện việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 5, lớp 9 và lớp 12 đúng tiến độ; tổ chức tốt kỳ thi chọn HS giỏi lớp 11 năm học 2023-2024 và chọn đội dự tuyển dự thi chọn HS giỏi quốc gia năm học 2024-2025.

Huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư xây dựng trường đạt CQG; tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong lĩnh vực GD&ĐT.

Lan Nhi

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khac-phuc-kho-khan-truoc-mat-de-phat-trien-giao-duc-quang-binh-post677158.html