Khách hàng bị 'hớ' khi mua hàng online như thế nào?

Mua sắm trực tuyến mang đến nhiều lợi ích nhưng đây cũng là nơi để hàng giả, hàng nhái xuất hiện cùng hàng loạt 'chiêu trò' của người bán khiến cho khách hàng chịu thiệt hại.

Ảnh minh họa.

Thương mại điện tử tại Việt Nam trong những năm gần đây liên tục có sự phát triển. Khách hàng có thể mua mọi sản phẩm trên các trang web với mức giá hấp dẫn hơn nhiều khi mua tại cửa hàng. Nhưng chính vì không phải cửa hàng và không được tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm trước khi mua nên không ít trường hợp khách hàng sau khi thanh toán đã nhận được sản phẩm không đúng ý hoặc gặp rắc rối khi trả lại, bảo hành sản phẩm.

Hàng đặt và hàng giao khác nhau hoàn toàn

Đây là tình trạng hay xảy ra ở các trang web nhỏ hay các facebook bán hàng. Đối với sản phẩm thời trang, khác biệt giữa quảng cáo và hàng được giao đến tay khách hàng có thể nằm ở chất liệu, màu sắc hoặc các chi tiết trang trí.

Còn với mặt hàng điện tử chuyện này xảy ra thường xuyên hơn. Có thể sạc, cáp tai nghe và các phụ kiện điện thoại được người bán quảng cáo là hàng chính hãng Apple hay còn được giới thiệu như hàng “zin” hay “bóc máy”. Nhưng trên thực tế tất đều là sản phẩm được nhập khẩu từ các nhà máy gia công tại Trung Quốc.

Theo anh Tiến, một người bán hàng phụ kiện điện thoại trên Facebook chia sẻ: “nhiều người bán hàng trên mạng chấp nhận bảo hành cho khách hàng 1 đổi 1 trong 1 tháng vì mỗi sản phẩm bán được họ đã lãi gấp đôi hoặc gấp 3 giá nhập vào. Dù thế nào khi bán được hàng họ cũng có lãi”.

Trong năm 2016, người dùng trong nước đã phát hiện sạc dự phòng của hàng loạt các thương hiệu lớn khi bán tại Việt Nam như Samsung hay Xiaomi có công suất sạc chỉ bằng 1 phần 4 thông số công bố.

Tháo các sạc này ra bên trong chỉ có 1 lõi pin sắp hỏng và 3 lõi còn lại là cát. Cáp Lightning được quảng cáo chính hãng Apple với giá hơn 300.000 đồng nhưng chỉ sử dụng được vài lần. Một thời gian sau khi sạc iPhone báo phụ kiện không được chấp nhận.

Cùng một loại sạc được bán trên Lazada nhưng lại có 4 mức giá khác nhau

Cùng một loại sạc được bán trên Lazada nhưng lại có 4 mức giá khác nhau

Khi bảo hành các phụ kiện này, bên bán thường chấp nhận đổi mới cho khách hàng nhưng yêu cầu khách hàng tự mang hoặc gửi tới địa chỉ bán. Điều này làm khách hàng gặp không ít bực mình, có thể vì giá trị hàng quá nhỏ mà mất công gửi đi xa khiến cho họ chấp nhận vứt món hàng mình đã mua.

Siêu giảm giá nhưng hết hàng hoặc đắt hơn mua ngoài

Đăng lên các khuyến mại giảm giá nhưng khi bấm mua thì giá không đổi hay quảng cáo là giảm giá nhưng thực tế giá sau khi giảm lại bằng giá bình thường ở các hệ thống thương mại điện tử khác là một chiêu “đánh lừa” khách hàng khá phổ biến.

Trước đây, thời điểm hay xảy ra tình trạng này là vào các dịp những hệ thống thương mại điện tử lớn tung chương trình khuyến mại để hút khách hàng.

Một hình thức khác phổ biến hơn là sản phẩm được giảm giá ở mức thấp hơn nhiều so với thị trường để thu hút khách hàng. Nhưng sau khi bấm mua và thanh toán trực tuyến, đơn hàng bất ngờ bị hủy với lý do hết hàng hoặc không có lý do gì.

Đây là chuyện diễn ra khá phổ biến trên các website thương mại điện tử lớn. Khi khách hàng bị hủy đơn hàng, không một thông báo nào được chuyển tới khách hàng. Chỉ khi khách hàng có phản ánh đến bộ phận chăm sóc khách hàng của hệ thống, hệ thống mới tiến hành ghi nhận thông tin.

Khách hàng khi đó sẽ được đề nghị đổi sang mua một sản phẩm khác có mức giá tương đương hoặc chờ với lý do thủ tục hoàn tiền mất nhiều thời gian để làm việc với ngân hàng.

Khi có nhu cầu mua sắm trực tuyến, người mua nên chủ động so sánh sản phẩm mà mình lựa chọn giữa các hệ thống khác nhau để có mức giá tốt nhất, ngoài ra cũng nên đọc các phản hồi, đánh giá từ các khách hàng khác về sản phẩm cũng như dịch vụ, chính sách của bên bán trước khi trả tiền để tránh gặp tình trạng mua phải hàng kém chất lượng hay gặp khuyến mại ảo.

TÙNG LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/cong-nghe/khach-hang-bi-ho-khi-mua-hang-online-nhu-the-nao-2702880.html