Khách 'quay xe' khi giá vé máy bay đắt

Kỳ nghỉ lễ 5 ngày liên tục là cơ hội kinh doanh vô cùng thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị lữ hành, hàng không, dịch vụ ăn uống... Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách chớp cơ hội.

"Quay xe" vì giá vé máy bay đắt

Khi biết sẽ được nghỉ lễ 5 ngày, chưa vướng bận con cái, vợ chồng chị Dương Thùy Vân (TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) lên kế hoạch đi du lịch Quy Nhơn từ ngày 27 – 30/4. Trước lịch đi khoảng 3 tuần, chị Vân check giá vé trên Website của Vietjet thì nhận được con số dao động từ 7,9 – 8,5 triệu đồng cho 2 người, vé khứ hồi. "Giá vé máy bay Vietnam Airlines còn cao hơn nên tôi chỉ xem một lần rồi thôi", chị Vân nhớ lại.

Cho rằng giá vé máy bay đắt, vợ chồng chị Thùy Vân quyết định hủy chuyến đi Quy Nhơn và chọn đi du lịch Sapa (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chần chừ không đặt vé ngay, 2 ngày sau chị Vân quyết định đặt vé cho chuyến đi nhưng khi vào check lại thì giá vé đã lên đến 10,2 triệu đồng. "Hãng rẻ nhất mà giá vé còn cao như vậy, chưa kể đi trong khoảng từ 28/4 – 1/5 còn đắt hơn nên vợ chồng tôi quyết định… không đi nữa, chuyển hướng đi Sapa bằng đường bộ", chị Vân chia sẻ và cho biết, tổng chi phí chuyến đi Sapa trong 3 ngày 3 đêm của vợ chồng chị, cả đi Fansipan là 7,6 triệu đồng.

"Tôi thấy nhiều bạn bè, đồng nghiệp của mình cũng chọn nghỉ lễ về quê hoặc đi du lịch chặng ngắn bằng đường bộ hoặc tàu hỏa", chị Dương Thùy Vân cho biết thêm.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, chị Vân Anh, phụ trách đại lý bán vé máy bay T.H có trụ sở tại Hà Nội cho biết, từ trước đến nay, lễ, tết rồi mùa cao điểm hè là giai đoạn đặc biệt và giá vé máy bay luôn cao nhưng năm nay thì cao hơn hẳn, nhất là các đường bay hot như Côn Đảo, Phú Quốc, dù các hãng đều đã có thông báo đến các đại lý.

"Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn như hiện nay, trừ những người bắt buộc phải đi công tác, làm việc, việc đưa cả gia đình đi du lịch bằng máy bay buộc nhiều người phải cân nhắc. Như mọi năm tầm này đại lý của chúng tôi đã bán vé đoàn và khách du lịch rất nhiều rồi, nhưng năm nay chắc phải giảm một nửa. Nhiều người chỉ hỏi giá vé song không chốt", chị Vân Anh cho hay.

"Tháng 5 rồi mà chẳng có đoàn mấy. Làm trong ngành nhiều năm, tôi khẳng định, kể cả cao điểm hè sắp tới, những tour du lịch đi bằng máy bay chắc chắn sẽ giảm sút nhiều, bởi như mọi năm, khi có kế hoạch, nhiều cơ quan, đơn vị đã đặt vé ngay từ bây giờ rồi", chị Vân Anh nói và cho biết, giá vé máy bay đắt nên các đại lý cũng không dám đặt trước vé đoàn của các hãng để bán combo, bởi đặt rồi mà giá đắt quá không bán được cho khách thì đại lý lỗ nặng (vé đoàn không hoàn, hủy).

Chọn ngày 29/4 để di chuyển từ Nha Trang ra Hà Nội họp lớp cấp 3, anh Nguyễn Văn Được (Nha Trang, Khánh Hòa) cũng tham khảo giá vé máy bay của một số hãng, sau đó chốt lại chỉ canh giá vé của Vietjet vì "cứ rẻ là đi, miễn sao ra được Hà Nội". Khoảng 15 ngày trước chuyến đi, anh Được check giá vé thì nhận thấy ở mức 4,6 triệu/người/khứ hồi. Tiếp tục chờ thêm một số ngày sau, giá vé có giảm 3 – 4 đợt và cuối cùng anh chốt ở mức giá 3.083.000đồng/vé khứ hồi.

"Chiều từ Nha Trang ra Hà Nội ngày 29/4, máy bay chỉ lấp đầy khoảng 50% số chỗ, khi tôi bay vào ngày 1/5 thì cơ bản kín chỗ", anh Được cho hay.

Nghịch lý du lịch – hàng không

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Thanh Hóa giữ vị trí số 1 cả về doanh thu và lượng khách khi phục vụ hơn 1,5 triệu lượt trong 5 ngày nghỉ lễ, tăng hơn 27% (Trong ảnh: Bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa ngày 27/4). Ảnh: Nguyệt Minh

Hôm 1/5, Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công bố Thanh Hóa có tổng thu du lịch cao nhất nước trong 5 ngày nghỉ lễ (27/4-1/5) với 3.805 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng thứ hai là TP. HCM với doanh thu đạt 3.235 tỷ đồng, tăng 2%. Hà Nội đứng thứ ba khi thu về 2.500 tỷ đồng, tăng gần 10%. Quảng Ninh đạt 2.210 tỷ đồng, tăng 53%. Nghệ An đạt 1.700 tỷ đồng, tăng hơn 10%. Đà Nẵng thu về 1.336 tỷ đồng, tăng gần 13%. Khánh Hòa có doanh thu du lịch 1.306 tỷ đồng, tăng 53%...

Cũng theo Cục Du lịch Quốc gia, số lượng các tỉnh, thành phố đạt doanh thu nghìn tỷ dịp nghỉ lễ năm nay cũng nhiều hơn (năm 2023, cả nước chỉ có 5 tỉnh, thành phố đạt doanh thu nghìn tỷ gồm: Đà Nẵng, Hà Nội, TP. HCM, Nghệ An, Thanh Hóa). Tính chung, ngành du lịch cả nước phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách dịp này, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm nay, Thanh Hóa giữ vị trí số 1 cả về doanh thu và lượng khách khi phục vụ hơn 1,5 triệu lượt trong 5 ngày nghỉ lễ, tăng hơn 27%. Quảng Ninh đứng thứ hai khi phục vụ hơn 1 triệu lượt; tiếp theo là Khánh Hòa với 970.000 lượt, TP. HCM với 967.000 lượt; Nghệ An gần 950.000 lượt, Hà Nội hơn 738.000 lượt; Bà Rịa -Vũng Tàu gần 626.000 lượt; Hà Tĩnh hơn 600.000 lượt (là địa phương có tỷ lệ khách tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái cao nhất nước, gần 70%)...

Đây rõ ràng là những tín hiệu rất tích cực từ hoạt động du lịch và cho thấy nhiều địa phương đã chủ động kế hoạch phục vụ du khách trong dịp nghỉ lễ, đặc biệt là sự xuất hiện của những "điểm đến mới" như Hà Tĩnh, Nghệ An.

Trong giai đoạn phục vụ cao điểm Lễ 30/4 và 01/5 vừa qua, các cảng hàng không trực thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã đón gần 1,8 triệu hành khách. Ảnh: NIA

Trong khi đó, theo đại diện Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tính từ ngày 26/4 đến 1/5, Cảng phục vụ 3.961 chuyến bay, trung bình 660 chuyến/ngày. Đáng chú ý, tổng số lượt khách đơn vị này phục vụ trong giai đoạn nghỉ lễ vừa qua là gần 653.000 hành khách. Trung bình mỗi ngày, sân bay Tân Sơn Nhất đón gần 109.000 lượt khách. Ngày cao điểm nhất của dịp lễ là 26/4 với 121.000 khách. So với cùng kỳ năm 2023 và năm 2019, số lượt khách qua cảng đã giảm lần lượt 9% và 10%, tương đương mức giảm ròng 10.000 - 20.000 lượt khách mỗi ngày.

Với Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, trong 5 ngày nghỉ lễ, Cảng phục vụ an toàn tuyệt đối hơn 400 ngàn lượt khách và hơn 2.500 lượt chuyến bay đi/đến qua Cảng. Sản lượng cao điểm 30/4 và 1/5 tăng 12% so với ngày thường nhưng giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Điểm sáng" ghi nhận trong giai đoạn nghỉ lễ vừa qua với hàng không là sản lượng khách quốc tế tăng. Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), trong giai đoạn phục vụ cao điểm nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, trên toàn mạng cảng hàng không trực thuộc ACV ghi nhận sản lượng khai thác quốc tế đạt 4.118 lượt, tăng 17,19% so với cùng kỳ 2023. Trong tổng sản lượng gần 1,8 triệu hành khách có 667.631 khách quốc tế, tăng 31,16% so với cùng kỳ năm 2023.

Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không cũng ghi nhận sự tăng trưởng ở cả nội địa và quốc tế, lần lượt đạt 7.331 tấn, tăng 18,81% và 13.964 tấn, tăng 7,61% so với cùng kỳ năm 2023.

Hôm qua (3/5), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng ký văn bản yêu cầu Cục Hàng không và Vụ Vận tải khẩn trương tiến hành rà soát, kiểm tra giá vé máy bay. Việc này nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm soát chặt giá vé máy bay, góp phần bình ổn giá, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Theo Bộ GTVT, thời gian vừa qua, tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm như kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao Cục Hàng không khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng hàng không. Trường hợp phát hiện bất thường, kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý ngay vi phạm theo thẩm quyền (nếu có).

Đồng thời, Cục Hàng không được yêu cầu tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá của các hãng hàng không, tuyệt đối không để tình trạng tăng giá vé trái quy định.

Bộ GTVT giao Vụ Vận tải chủ động theo dõi, kịp thời tham mưu cho Bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách, tăng cường các giải pháp phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, bình ổn giá vé; Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng các hãng tăng giá vé trái quy định, đặc biệt là dịp cao điểm hè sắp tới, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, quyền lợi của doanh nghiệp và nhu cầu của người dân.

Trước đó, theo quy định tại Thông tư số 34 (có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2024) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 3/5/2019 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, đối với đường bay dưới 500 km, mức giá vé tối đa quy định là 1.600.000đồng/vé một chiều (với nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội); 1.700.000 đồng/vé một chiều (với nhóm đường bay khác dưới 500 km). Mức giá dịch vụ vận chuyển này được giữ nguyên theo Thông tư 17/2019.

Ngày 19/6/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giá, với 92,91% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, trong đó, Quốc hội thông qua quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không nội địa. Theo đó, với dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, Bộ GTVT quyết định giá tối đa, hãng hàng không quyết định giá cụ thể.

Trong khi đó, đường bay từ 500 km đến dưới 850 km, mức giá vé tối đa là 2.250.000 đồng/vé một chiều (quy định tại Thông tư 17/2019 là 2.200.000đồng/vé); từ 850 km đến dưới 1.000 km là 2.890.000đồng/vé một chiều (cao hơn 100.000 đồng so với quy định tại Thông tư 17/2019); từ 1.000 km đến dưới 1.280 km là 3.400.000đồng/vé một chiều; từ 1.280 km trở lên là 4.000.000đồng/vé một chiều.

Như vậy, với đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km, mức giá vé tối đa theo quy định mới (3,4 triệu đồng/vé một chiều), cao hơn 200 nghìn đồng so với quy định tại Thông tư 17/2019. Đây cũng là khoảng cách đường bay Hà Nội – Sài Gòn hiện nay (tổng chiều dài đường bay từ Sài Gòn đi Hà Nội khoảng 1.190km đến 1.276km, tùy hãng hàng không lựa chọn lộ trình bay qua không phận Campuchia và Lào hay chỉ bay trên không phận Việt Nam). Đây không chỉ là đường bay bận rộn nhất Việt Nam mà còn được tất cả các hãng hàng không nội địa khai thác.

Trong khi đó, với đường bay từ 1.280km trở lên, mức giá vé theo quy định mới (4 triệu đồng/vé một chiều) cao hơn quy định tại Thông tư 17/2019 250 nghìn đồng.

Vận tải đường sắt lãi đậm

Báo cáo tài chính mới đây cho thấy, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (HRT) đạt doanh thu quý I hơn 710 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2023. Chỉ tiêu này đạt mức cao nhất gần 9 năm qua. Doanh nghiệp báo lãi hơn 34 tỷ đồng sau thuế, tăng 87%. Mức trên cải thiện đáng kể so với khoản lỗ gần 84 tỷ đồng quý cuối năm ngoái.

Tương tự, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT) ghi nhận doanh thu 3 tháng đầu năm tăng hơn 13% lên khoảng 556 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu cao nhất gần 5 năm qua. Lợi nhuận sau thuế tích lũy thêm 25%, đạt gần 33 tỷ đồng, cải thiện hơn hẳn mức lỗ gần 70 tỷ cuối năm 2023.

Bình Minh

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/khach-quay-xe-khi-gia-ve-may-bay-dat-183240504112415401.htm