Khách và HDV du lịch 'chui' từ Trung Quốc: Chấn chỉnh nhưng không làm mất lòng

Lượng khách du lịch Trung Quốc tới Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung thời gian qua tăng trưởng nóng, đặc biệt là các hướng dẫn viên (HDV) du lịch người Trung Quốc hoạt động “chui” đã ảnh hưởng lớn tới điểm đến, môi trường du lịch nơi đây. Làm sao chấn chỉnh tình trạng này mà vừa không làm mất lòng du khách là bài toán đau đầu cho các cơ quan quản lý?

Du khách tham quan bãi biển Đà Nẵng. Ảnh: Đức Hoàng

Phạt HDV du lịch “chui” người Trung Quốc

Liên quan đến sự việc các HDV du lịch người Trung Quốc “núp bóng” dưới dạng khách du lịch qua Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng hoạt động “chui” (Báo GĐ&XH đã phản ánh tại số báo 80, ra ngày 4/7), Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ vừa ký 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 người có quốc tịch Trung Quốc. Sáu người đó gồm: Ông Huang Wei (SN 1990), ông Yang Chuan (SN 1972), bà Xu Zhenghua (SN 1979), bà Wu MengXing (SN 1992), ông Yang Chuan (SN 1990) và bà Li GuangPing (SN 1979, cùng tạm trú tại số 81 Ngô Thì Sĩ, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Sáu người này bị phạt mỗi người 20 triệu đồng về hành vi vi phạm hành chính “Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam”. Riêng bà Wu MengXing và bà Li GuangPing bị xử phạt thêm mỗi người 1.250.000 đồng về hành vi vi phạm hành chính “Người nước ngoài không khai báo tạm trú theo quy định hoặc sử dụng chứng nhận tạm trú, thẻ tạm trú, thẻ thường trú ở Việt Nam quá thời hạn từ 15 ngày trở xuống mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép”.

Được biết, để chấn chỉnh tình trạng này, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị tập trung kiểm tra, rà soát hoạt động du lịch trên địa bàn, nhất là hoạt động HDV tiếng Trung không phép. Yêu cầu các cơ quan liên quan tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp cụ thể, sớm chấn chỉnh hoạt động này với tinh thần kiên quyết, không phân biệt quốc tịch của du khách, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch của TP Đà Nẵng, nhằm bảo đảm môi trường du lịch lành mạnh, văn minh; góp phần thực hiện tốt chủ trương của thành phố “4 an”.

Đặc biệt, xử lý nghiêm các đơn vị lữ hành, khách sạn, HDV Việt Nam có hành vi tiếp tay cho người nước ngoài hoạt động lữ hành quốc tế trái phép. Tiếp tục theo dõi các trường hợp người nước ngoài hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế trái phép đã xử lý, nhắc nhở; nếu phát hiện tái phạm thì đề nghị với Cục Quản lý xuất nhập cảnh tiến hành các biện pháp trục xuất, cấm nhập cảnh…

Tạo điều kiện để du khách chi tiêu, mua sắm

Với một góc nhìn khác về khách du lịch Trung Quốc khi tới Việt Nam thời gian qua, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Furama Resort (Đà Nẵng) cho rằng, chính quyền các tỉnh phải có cơ chế, chính sách riêng để vừa thu hút được khách, vừa đảm bảo họ tuân thủ pháp luật. Ông Quỳnh đưa ra ví dụ, chỉ riêng hai thành phố biển lớn nhất Việt Nam là Đà Nẵng và Nha Trang, khách Trung Quốc bằng cả lượng khách quốc tế khác cộng lại. Đặc biệt, Nha Trang, 6 tháng đầu năm 2016, lượng khách Trung Quốc đã tăng đến 5 lần so với cùng kỳ năm 2015.

“Nếu nói về tăng trưởng, số khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng khách Trung Quốc tới Việt Nam tăng đến 48%, khách Hong Kong tăng đến 228% và khách Đài Loan tăng đến 15%. Vậy có thể nói, nếu không có sự tăng trưởng của thị trường nói tiếng Trung Quốc này, khách du lịch đến Việt Nam không hề có sự tăng trưởng. Để phản ánh về đối tượng khách du lịch tới các tỉnh, thành miền Trung có thể nói nôm na một câu: “Ở đâu cũng có khách du lịch Trung Quốc”, ông Nguyễn Đức Quỳnh cho biết.

Trong lúc đó, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, lượng khách du lịch Trung Quốc không chỉ đến Việt Nam đông mà họ đến các nước trong khu vực châu Á cũng đông không kém. Ông Cường phân tích, tại Thái Lan năm 2015 nước này đón tới 7.934.700 khách Trung Quốc, tăng trưởng đến 91,62%, chiếm tới khoảng 27% so với tổng số khách du lịch trong năm 2015. Còn Nhật Bản đã đón tới 2.494.200 khách Trung Quốc chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng tới 46,30%, chiếm hơn 26% so với tổng số khách đến.

“Qua số liệu trên cho thấy, chúng ta có nên để chừng đó khách du lịch Trung Quốc đi các nước khác? Câu trả lời là không nên”, ông Cường cho biết.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh cho rằng, điểm yếu của chúng ta là chưa chuẩn bị sẵn sàng một chiến lược, một kế hoạch hành động để đón và khai thác lượng khách này.

“Chúng ta cần tạo mọi điều kiện để cho khách du lịch Trung Quốc chi tiêu, mua sắm thật nhiều khi đi du lịch Việt Nam, chứ không phải chỉ khoảng 790 USD/người cho cả chuyến đi, chỉ bằng 40% so với mức chi tiêu trung bình của họ trên thế giới. Bên cạnh đó, chúng ta hãy học Nhật Bản, họ có cả một nghiên cứu về hành vi tiêu dùng của khách du lịch Trung Quốc để tăng doanh thu. Mỗi khách Trung Quốc tiêu trung bình 2.750 USD, cao hơn rất nhiều so với mức chi tiêu trung bình của khách du lịch khác tới Nhật Bản. Còn hàng xóm của chúng ta, Thái Lan đã khiến mỗi du khách Trung Quốc tiêu đến 1.300 USD/chuyến đi. Chúng ta hãy chiến thắng ở trên chính đất nước mình”, ông Quỳnh nói.

Đức Hoàng

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chan-chinh-nhung-khong-lam-mat-long-du-khach-20160708085536384.htm