Khai mạc Đại hội đồng lần thứ X Hiệp hội Luật các nước ASEAN

ND - Hôm qua, 15-10, tại Hà Nội đã khai mạc Đại hội đồng lần thứ X Hiệp hội Luật các nước ASEAN (ALA). Tới dự có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Ngài Surin Pitsuwan, Tổng Thư ký ASEAN; các đồng chí Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Tư pháp, Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại T.Ư; đại diện các Đại sứ quán nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Hà Nội và hơn 300 đại biểu đến từ các nước: Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái-lan, Lào, Singapore và Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Đại hội, Ngài Atthaniti Disatha Amnarj, Chánh án Tòa án tối cao Vương quốc Thái-lan, Chủ tịch ALA nhấn mạnh, Hiến chương ASEAN ra đời đã đưa ALA bước sang kỷ nguyên mới, đó là mong muốn hợp tác trong quá trình thực hiện Hiến chương ASEAN, giải quyết những thử thách mới mà bản Hiến chương đặt ra. Và đó chính là lý do Đại hội lần này chọn chủ đề: Hiến chương ASEAN - Đưa ASEAN lên tầm cao mới. Phát biểu ý kiến chào mừng Đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu rõ, chúng ta vui mừng nhận thấy rằng, sau 40 năm thành lập ASEAN, ngày 20-11-2007 tại Singapore, một bản Hiến chương ASEAN đã ra đời, sau đó đã được Quốc hội của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN phê chuẩn và có hiệu lực thi hành. Hiến chương là văn bản chính trị -pháp lý cực kỳ quan trọng được đúc kết bởi ý thức về lợi ích chung, sự tùy thuộc lẫn nhau giữa nhân dân và các quốc gia thành viên; gắn bó với nhau bởi vị trí địa lý, các mục tiêu chung; đoàn kết với nhau bởi một Tầm nhìn, một Cộng đồng đùm bọc và chia sẻ. Hiến chương tạo ra khuôn khổ thể chế pháp lý cho các quốc gia ASEAN chúng ta vươn tới các mục tiêu cao cả và thiết thân là Hòa bình, An ninh, Ổn định lâu dài, kinh tế tăng trưởng bền vững, tiến bộ xã hội và thịnh vượng chung, vì tương lai và hạnh phúc của nhân dân mỗi nước trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ các nguyên tắc: thân thiện và hợp tác, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; không can thiệp, bảo đảm tôn trọng pháp quyền và quản trị tốt, tôn trọng và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, theo phương châm đồng thuận và thống nhất trong đa dạng. Chủ tịch cũng vui mừng nhận thấy, kể từ khi Hiến chương ASEAN ra đời chưa đầy hai năm, đây là lần đầu tiên Hiệp hội Luật các nước thành viên ASEAN và các vị khách quý hội tụ để cùng bàn thảo về những vấn đề pháp luật được đặt ra bởi bản Hiến chương lịch sử này. Chủ tịch tin tưởng, Đại hội lần này sẽ là cơ hội tốt để các nước tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần xây dựng ASEAN thành một "cộng đồng đùm bọc và chia sẻ, tôn trọng ý nghĩa to lớn của sự thân thiện và hợp tác" như đã ghi trong Hiến chương ASEAN. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng thông báo với các đại biểu về quá trình thực hiện chính sách đổi mới, hệ thống pháp luật, hệ thống tư pháp của Việt Nam đã có những đổi mới căn bản. Ngay từ buổi đầu thành lập, ngày 2-9-1945 và trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Nhà nước Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho việc thực thi và phát triển dân chủ, thực hiện công bằng và bình đẳng xã hội song song với sự phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân được xác định ở Việt Nam như một xu thế tất yếu khách quan và đã được đưa lên thành một quy tắc Hiến định, thể hiện sự kết hợp tính phổ biến của Nhà nước pháp quyền với những giá trị độc đáo của nó ở Việt Nam. Những thành tựu và cố gắng trong các nỗ lực cải cách chỉ mới là bước đầu trên con đường dài của sự hoàn thiện chế độ pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong tầm nhìn trung tâm của Việt Nam vẫn là những đòi hỏi bức xúc về sự cố gắng và phát triển nền dân chủ chân chính của nhân dân, xây dựng một bộ máy nhà nước trong sạch, có hiệu lực và hiệu quả, có trách nhiệm trước nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Cùng với việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì việc bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm công ăn, việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường sống và chăm lo sức khỏe của nhân dân, phòng chống các tệ nạn xã hội, thiên tai, dịch bệnh, v.v. là những vấn đề luôn luôn nằm trên bàn nghị sự của các nhà hoạch định chính sách và pháp luật. Trong thời gian ba ngày làm việc, Đại hội thảo luận về sáu nội dung quan trọng, gồm: Tác động của Hiến chương ASEAN tới hệ thống giáo dục pháp luật các nước ASEAN, giải quyết những vấn đề pháp luật còn tồn tại theo Hiến chương ASEAN, những phát triển mới trong hệ thống pháp luật các nước thành viên ALA, đánh giá pháp luật đầu tư trong nội bộ các nước ASEAN, thực trạng cải cách tư pháp trong các nước ASEAN - những bài học và kinh nghiệm, cải thiện việc thi hành quyết định của trọng tài thương mại quốc tế ở các nước ASEAN. * Cuối ngày 15-10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN, Chủ tịch và Tổng Thư ký ALA cùng các trưởng đoàn các nước thành viên ALA.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=159278&sub=130&top=37