Khai mạc Hội nghị SOM 3 APEC và các cuộc họp liên quan

Hơn 2.400 đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 3 các quan chức cao cấp (SOM 3) Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) khai mạc ngày 18-8 tại TP Hồ Chí Minh.

Hội nghị lần này kéo dài gần 2 tuần, quy tụ 75 cuộc họp, hội thảo, đối thoại... của các ủy ban, các nhóm công tác APEC trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, y tế đến các cải cách cơ cấu, nâng cao năng lực để hội nhập quốc tế.

Theo tin từ Ủy ban Quốc gia APEC, đến nay, công tác chuẩn bị cho Hội nghị SOM 3 APEC đã hoàn tất. Số lượng phóng viên báo chí đăng ký đưa tin về các hội nghị là trên 330 người, trong đó có khoảng 30 phóng viên nước ngoài.

Đây là đợt hội nghị lớn thứ ba của Năm APEC 2017 tại Việt Nam. Trong dịp này, các đại biểu tiếp tục thúc đẩy triển khai các chương trình, kế hoạch hợp tác dài hạn trên các lĩnh vực then chốt hướng tới triển khai ngày càng cụ thể ưu tiên của Năm APEC 2017 cũng như mục tiêu dài hạn của APEC về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực. Các Ủy ban, Nhóm công tác của APEC cũng sẽ thảo luận hướng các văn kiện trình các Bộ trưởng APEC thông qua, tạo cơ sở để chuẩn bị nội dung và chương trình của Tuần lễ Cấp cao vào tháng 11 tại TP Đà Nẵng.

Tại Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp, Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao sẽ chủ trì Hội nghị các quan chức cao cấp; cuộc họp Nhóm Ban của Chủ tịch về kết nối; Hội thảo về phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội…

Đại diện của Ủy ban Quốc gia APEC cho biết, trọng tâm của SOM 3 về y tế lần này là cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về y tế và kinh tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì, diễn ra trong 2 ngày (23 và 24-8).

Biểu ngữ chào mừng Hội nghị trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: TTXVN

Mục tiêu cuộc họp trên nhằm thông qua các chiến lược, chính sách về y tế trong khu vực APEC; phê duyệt kế hoạch hoạt động của các nhóm công tác chuyên ngành; thảo luận và giải quyết các vấn đề y tế nổi bật của khu vực APEC; tăng cường hợp tác song phương về y tế với các đối tác chủ chốt và các đối tác phát triển với mục tiêu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong khu vực.

Với chủ đề “Cải cách tài chính y tế vì sức khỏe cộng đồng hướng tới phát triển bền vững”, Cuộc họp cao cấp lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế tập trung thảo luận các nội dung gồm Khái niệm “đầu tư xã hội” - Đo lường lợi ích đầu tư cho y tế; cách tiếp cận trong thu thập dữ liệu để đo lường hiệu quả đầu tư công trong lĩnh vực y tế; tạo các cơ chế tài chính y tế bổ sung trong khu vực APEC; rà soát tình hình triển khai “Lộ trình vì Một châu Á-Thái Bình Dương khỏe mạnh đến năm 2020”; kết quả các Đối thoại chính sách tăng cường sức khỏe người cao tuổi và phòng chống các bệnh không lây nhiễm; lao và lao đa kháng thuốc; hài hòa quy định về dược…

Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn chủ trì 6 cuộc họp liên quan về y tế: Diễn đàn đa phương về đầu tư cho tuổi già năng động và khỏe mạnh hướng tới phát triển bền vững; đối thoại cao cấp về đổi mới hệ thống quản lý và hài hòa quy định; cuộc họp nhóm công tác về y tế; đối thoại chính sách về tăng cường sức khỏe người cao tuổi và phòng chống các bệnh không lây nhiễm; đối thoại chính sách về tăng cường phòng chống lao và lao đa kháng thuốc; đối thoại chính sách về phòng chống ung thư cổ tử cung và họp nhóm chuyên trách về phòng chống ung thư...

Cũng trong dịp này, từ ngày 21 đến 25-8, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì tổ chức Tuần lễ An ninh lương thực, trong đó điểm nhấn là Đối thoại chính sách cao cấp về An ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các sự kiện diễn ra trong Tuần lễ An ninh lương thực này bao gồm: Cuộc họp thường niên của nhóm Công tác APEC; các hội thảo kỹ thuật chuyên đề; diễn đàn nông nghiệp APEC về khởi nghiệp và sáng tạo; triển lãm APEC về nông nghiệp trong nước và quốc tế; tham quan thực địa sẽ được tổ chức tại 3 địa điểm (Vườn trái cây Vàm Xáng, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ; Mô hình nuôi trồng và chế biến thủy sản của Công ty Vĩnh Hoàn, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; Trung tâm Khảo nghiệm sản xuất lúa và nghiên cứu phân bón của Viện Nghiên cứu Lúa Đồng bằng sông Cửu Long và Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ).

Nhân dịp này, 8 bộ, ngành của Việt Nam sẽ trực tiếp chủ trì hoặc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch các ủy ban, nhóm công tác của APEC như: Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Chính phủ.

Huyền Chi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/khai-mac-hoi-nghi-som-3-apec-va-cac-cuoc-hop-lien-quan-454415/