Khai mạc kỳ họp thứ 6, quốc hội khóa XII: Sớm ngăn chặn được đà suy giảm

Một nội dung quan trọng được cử tri quan tâm trong kỳ họp này là báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Sáng ngày 20/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt ủy ban Thường vụ Quốc hội đọc lời khai mạc kỳ họp thứ 6, QH khóa XII. Kỳ họp này diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế có nhiều biến động. Khủng hoảng tài chính thế giới vẫn tác động tiêu cực đến nước ta, tuy nhiên, đà suy giảm kinh tế trong nước đã có dấu hiệu được ngăn chặn. Vượt thời điểm khó khăn nhất, đối mặt với 5 thách thức Sau bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo tình hình KTXH năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010. Theo báo cáo của Chính phủ, nhờ thực hiện những giải pháp cấp bách, đồng bộ, nền kinh tế trong nước đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Trong 9 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô được đảm bảo, lạm phát được kiềm chế. Các doanh nghiệp được hỗ trợ vay lãi suất thấp, các chương trình kích cầu tiêu dùng được triển khai khiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội vẫn đạt hơn 700 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2008. 76 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập thu hút 1,5 triệu chỗ làm mới. Dự kiến tổng thu ngân sách cả năm đạt khoảng 390,65 nghìn tỷ, bằng 100,2% kế hoạch dự toán, bội chi ngân sách được khống chế ở mức 6,9%GDP. Tỷ lệ dư nợ quốc gia so với GDP khoảng 29,7%. Do thực hiện tốt các biện pháp hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu…, tỷ lệ nhập siêu giảm còn khoảng 16,5% so với 28,8% năm 2008, các nhu cầu cơ bản về ngoại tệ được đảm bảo với tỷ giá tương đối ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước vẫn duy trì ở mức đảm bảo. Tổng phương tiện thanh toán cả năm ước tính tăng 25%, tổng dư nợ tín dụng tăng trên 30%. Chỉ số tiêu dùng 9 tháng tăng 4,11% so với tháng 12/2008, cả năm ước tính tăng khoảng 7%. Chỉ số an sinh xã hội ước đạt khoảng 22.479 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2008. Đi đôi với các giải pháp hạn chế suy giảm kinh tế, chăm lo phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, tình hình chính trị xã hội được giữ vững, an ninh được tăng cường, vị thế của đất nước tiếp tục được khẳng định trên trường quốc tế. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nghiêm túc nhìn nhận 5 hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Đó là tăng trưởng GDP năm 2009 thấp nhất trong 10 năm gần đây, nền kinh tế chưa thực sự vững chắc, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế thị trường chưa có bước cải thiện đáng kể, đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn nhiều khó khăn, cải cách hành chính đạt kết quả thấp. Năm 2010 đặt chỉ tiêu GDP tăng 6,5% Dựa trên tình hình thực tế và kinh nghiệm điều hành thời gian qua, Chính phủ đề ra mục tiêu phát triển KT- XH năm 2010: GDP tăng 6,5% so với năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội bằng 41%GDP, tổng thu ngân sách khoảng 456,4 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8 nghìn tỷ đồng, tổng chi ngân sách 581,9 nghìn tỷ đồng, bội chi ngân sách nhà nước 125,5 nghìn tỉ đồng, chỉ số tiêu dùng khoảng 7%… Để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ đề ra 5 giải pháp lớn nhằm phát triển nền kinh tế đất nước. Đầu tiên là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh sản xuất, phát triển dịch vụ; khẩn trương xây dựng đề án và thực hiện một bước tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Thứ hai là điều hành linh hoạt, thận trọng chính sách tài chính, tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô; ngăn ngừa lạm phát cao và bảo đảm mục tiêu tăng trưởng. Thứ ba, bảo đảm tốt an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường. Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thứ năm, tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước. Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ họp trong 32 ngày với 45 phiên toàn thể, 17 buổi thảo luận tại tổ. Dự kiến thông qua 8 luật và cho ý kiến về 10 dự án luật khác. Qua thăm dò ý kiến của cử tri, trong các luật được Quốc hội thông qua hoặc cho ý kiến tại kỳ họp lần này, Luật Khám bệnh, chữa bệnh được quan tâm nhất (78,2%), kế đến là Luật Giáo dục sửa đổi (72,5%), Luật Thuế Nhà đất (63,7%)… . Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2009, quyết định kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước và phương án bổ sung ngân sách TƯ năm 2010; các báo cáo công tác của ửy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao… về tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, công tác thi hành án, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Một số dự án lớn sẽ được lấy ý kiến về chủ trương đầu tư như dự án nhà máy thủy điện Lai Châu và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đồng thời Quốc hội cũng nghe báo cáo tình hình thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia như: Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự án Đường Hồ Chí Minh, dự án Thủy điện Sơn La và dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Trong ngày làm việc đầu tiên 20/10, Quốc hội cũng đã nghe báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri, báo cáo thẩm tra và kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2009 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2010, báo cáo thực hiện dự toán NSNN năm 2009 và dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách năm 2010…

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/News/kinh-te-xa-hoi/Khai_mac_ky_hop_thu_6_quoc_hoi_khoa_XII_Som_ngan_chan_duoc_da_suy_giam/