Khai thác hiệu quả “mỏ vàng” VNREDSat-1

Được phóng lên quỹ đạo từ ngày 7-5-2013 tại Guyana (thuộc Pháp), gần 3 năm qua vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam (VNREDSat - 1), dù phải trải qua một số lần điều chỉnh quỹ đạo trong vũ trụ nhưng vẫn thường xuyên chụp ảnh và truyền về mặt đất.

Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (HLKH&CNVN) đã và đang phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường quản lý và khai thác có hiệu quả vệ tinh VNREDSat - 1.

Sau hơn ba tháng được phóng vào vũ trụ, vệ tinh VNREDSat – 1, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Pháp đã tiến hành một loạt phép chụp và căn chỉnh thông số để xác định năng lực cũng như tối ưu hóa khả năng chụp ảnh của vệ tinh. Phía Pháp đã bàn giao toàn bộ hệ thống vệ tinh VNREDSat – 1 cho Việt Nam (trực tiếp là Viện HLKH&CNVN quản lý, vận hành và khai thác).

Các kĩ sư, chuyên gia đang giám sát và điều khiển hoạt động của vệ tinh VNREDSat – 1.

Công nghệ vũ trụ (CNVT) được tích hợp từ nhiều ngành công nghệ khác nhau là lĩnh vực còn mới mẻ ở nước ta nhưng nhờ có sự chuẩn bị của Viện HLKH&CNVN, đưa 15 kỹ sư mà nòng cốt là Viện CNVT sang Pháp đào tạo trước đó, nên khi Pháp bàn giao hệ thống, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Việt Nam đã chủ động đảm đương công tác vận hành, điều khiển vệ tinh VNREDSat – 1.

Từ đó đến nay, như Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Điều khiển và Khai thác vệ tinh nhỏ (Viện HLKH&CNVN) cho biết: Đến ngày 20-1-2016, VNREDSat – 1 đã chụp được hơn 43.640 cảnh ảnh, kích thước 17,5km x17,5km.

Trong đó hơn 60% cảnh ảnh chụp được các vị trí khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam. Những cảnh ảnh chụp được từ các vùng đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến địa bàn rừng núi xa xôi Lũng Cú, Tây Nguyên, Cà Mau hay vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa… là những tư liệu quý phục vụ các bộ, ngành và địa phương trong việc giám sát tài nguyên và thiên tai, phát triển kinh tế-xã hội.

Vệ tinh VNREDSat – 1 là một khối tài sản lớn của đất nước (55,8 triệu euro và 65 tỉ đồng đối ứng của Việt Nam), thuộc lĩnh vực công nghệ cao, tinh xảo nên 26 cán bộ (nòng cốt là số được đi đào tạo ở Pháp về) phải thường xuyên “canh giữ”, điều khiển và lập lịch chụp ảnh cho vệ tinh.

Để đảm bảo cho vệ tinh VNREDSat–1 hoạt động ổn định trên quỹ đạo, chụp và truyền ảnh về mặt đất có chất lượng, các cán bộ, kỹ sư ở đây đã trải qua 8 lần điều chỉnh quỹ đạo nhằm duy trì vệ tinh ở độ cao 680km. Đặc biệt trong năm 2014, vệ tinh VNREDSat – 1 đã hai lần phải điều chỉnh quỹ đạo khẩn cấp để tránh va chạm với một vật thể bay trong vũ trụ.

Theo Thạc sĩ Ngô Duy Tân, đáng chú ý là lần điều chỉnh quỹ đạo của vệ tinh vào ngày 15-8-2014. Nhận được thông báo của Trung tâm Phối hợp các nhiệm vụ vũ trụ (JSPOC) của Mỹ, cảnh báo khả năng va chạm giữ vệ tinh VNREDSat – 1 với một vật thể bay trong vũ trụ vào lúc 20h26’ (giờ Việt Nam) cùng ngày, với xác suất dự báo là 0,279%, Trung tâm Điều khiển và Khai thác vệ tinh nhỏ đã tập trung phân tích, đánh giá tình huống. Kết hợp tham vấn ý kiến của chuyên gia Công ty Astrium (Pháp) và Trung tâm Điều khiển vệ tinh của Thái Lan để kịp thời điều chỉnh quỹ đạo an toàn cho vệ tinh VNREDSat – 1.

Việc tính toán quỹ đạo cần điều chỉnh nhanh chóng được triển khai, và thực hiện chính xác nhằm tránh va chạm vừa tiết kiệm nhiên liệu cho vệ tinh, mặt khác bảo đảm tính liên tục trong thực hiện kế hoạch chụp ảnh. Lệnh điều khiển điều chỉnh quỹ đạo phải được tải lên vệ tinh ít nhất 30 phút trước thời điểm dự báo sẽ có nguy cơ va chạm. Trong khi phiên liên lạc sớm nhất với vệ tinh của Trạm thu phát tín hiệu điều khiển vệ tinh đặt tại Hòa Lạc là vào lúc 21h, Viện HLKH &CNVN đã khẩn trương lập đường kết nối với vệ tinh VNREDSat – 1 thông qua trạm thu phát tín hiệu ở Kiruna (Thụy Điển).

Nhờ vậy đến 19h ngày 15-8, vệ tinh VNREDSat – 1 đã thực hiện các thao tác điều chỉnh quỹ đạo và vào lúc 21h cùng ngày, các số liệu từ vệ tinh được tải xuống trạm Hòa Lạc, xác nhận sự thành công của quá trình “bẻ lái” quỹ đạo khẩn cấp, bảo đảm cho vệ tinh VNREDSat – 1 hoạt động ổn định, chụp và gửi ảnh đều đặn về mặt đất theo đúng kế hoạch.

Vệ tinh VNREDSat – 1, theo thiết kế chỉ có tuổi thọ khoảng 5 năm. Trong khi nguồn nhân lực vẫn thiếu, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ không đồng đều. Cho nên, thực hiện phương châm vừa làm vừa học, ngành CNVT nước ta mà trực tiếp là Trung tâm Điều khiển và Khai thác vệ tinh nhỏ đang mở rộng hợp tác với các tổ chức, cơ quan của Pháp, Bỉ, Thụy Điển, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan… để học hỏi kinh nghiệm trong quản lý, vận hành và khai thác vệ tinh. Hoặc hỗ trợ nhau trong các tình huống khẩn cấp như giám sát các khu vực xảy ra thiên tai, động đất, chụp ảnh để tìm kiếm máy bay mất tích MH-370 của Malaysia…

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cục Viễn thám quốc gia và các đơn vị chức năng khác xử lý và cung cấp ảnh có chất lượng từ vệ tinh VNREDSat – 1 (hạn chế dần việc mua ảnh đắt tiền của nước ngoài); góp phần phục vụ có hiệu quả công tác giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai, giữ vững an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nguyễn Khôi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-so/khai-thac-hieu-qua-mo-vang-vnredsat-1-381930/