Khai thác không gian ngầm: Phải có đột phá về cơ chế, chính sách

Trước thực trạng quỹ đất quá eo hẹp, quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập, hạn chế; khai thác không gian ngầm được coi là hướng đi chiến lược để phát triển hạ tầng giao thông tĩnh của Hà Nội.

Vấn đề đặt ra là phải có những cơ chế đặc thù, hấp dẫn được nhà đầu tư; bởi các hạng mục hạ tầng ngầm bao giờ cũng đòi hỏi nguồn lực rất lớn trong khi quá trình thu hồi vốn lại kéo dài, có khi lên tới hàng trăm năm.

Lối thoát cho giao thông tĩnh nhưng khó hút đầu tư

Với hơn 5,5 triệu xe máy và khoảng 500.000 ô tô cá nhân, cùng với hàng triệu phương tiện của người dân các tỉnh, TP khác về học tập, làm ăn, sinh sống nên Hà Nội không chỉ thiếu đường lưu thông mà còn thiếu nghiêm trọng cả diện tích dành cho giao thông tĩnh. Nhiều chuyên gia cho rằng, với quỹ đất đô thị eo hẹp hiện có, xu thế tất yếu và tối ưu là Hà Nội cần tận dụng và phát triển được các không gian ngầm hoặc trên cao, đặc biệt là dành cho giao thông tĩnh. Thế nhưng, thời gian qua, ý tưởng này vẫn chưa thể hiện thực hóa do thiếu nhà đầu tư và đặc biệt thiếu cơ chế đặc thù để thu hút nguồn lực.

Bãi đỗ xe Ngọc Khánh, đường Kim Mã, quận Ba Đình. Ảnh: Công Hùng

Bãi đỗ xe Ngọc Khánh, đường Kim Mã, quận Ba Đình. Ảnh: Công Hùng

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược GTVT Lê Đỗ Mười cho rằng, việc lập quy hoạch gara ngầm với Hà Nội là hết sức cần thiết nhưng cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Hà Nội đang phải đối diện với thực trạng không chỉ thiếu quỹ đất mà còn thiếu quy hoạch cụ thể không gian ngầm. Mà đối với các nhà đầu tư, thiếu quy hoạch cũng đồng nghĩa với sự thiếu ổn định lâu dài, tiềm ẩn rủi ro với những khoản đầu tư họ bỏ ra.

Đại diện Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cũng cho rằng, suất đầu tư bãi đỗ xe ngầm rất lớn, gấp 3 - 4 lần so với đầu tư bãi đỗ xe nổi. Bởi vậy, thời gian hoàn vốn là rất dài, tùy từng dự án nhưng trung bình phải mất 100 năm, nếu không có quy hoạch cụ thể, DN đầu tư được ít lâu lại phải phá bỏ để phục vụ quy hoạch, công trình khác thì thiệt hại không thể tính đếm được.

Mặt khác, các DN cũng mong muốn khi đầu tư làm bãi đỗ xe ngầm có thể được mở rộng ra cả lĩnh vực kinh doanh dịch vụ. Các chuyên gia cho rằng, mong muốn này là hợp lý, bởi các bãi đỗ ngầm nếu có thêm các khu dịch vụ bổ trợ như sửa chữa, rửa xe hay bán nhu yếu phẩm… sẽ nâng cao khả năng đáp ứng cho khách hàng, hơn nữa còn hạn chế được không ít lượng phương tiện di chuyển trên đường phố để tìm đến dịch vụ này ở nơi khác. Ngoài ra, khi đầu tư khoản tài chính quá lớn vào gara ngầm, nếu không thể thu hồi ngay một phần vốn sẽ hạn chế khả năng quay vòng, tái đầu tư của DN. Do đó nếu được thực hiện dự án gara ngầm, hầu hết DN đều mong có thể được bán đi một phần vị trí đỗ xe để sớm thu về phần nào khoản đầu tư ban đầu. Ths Thạch Minh Quân - Đại học GTVT nhìn nhận: “Đây là những lý do vì sao nhiều năm qua Hà Nội vẫn chưa thể thu hút được đầu tư xã hội hóa vào lĩnh vực trông giữ xe, xây dựng bãi đỗ xe ngầm hiện đại để đáp ứng nhu cầu của người dân trong bối cảnh đất đai hạn hẹp”.

Xây dựng cơ chế đặc thù

Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế đặc thù được cho phép TP chỉ định nhà thầu tư vấn lập quy hoạch bãi đỗ xe ngầm tại 4 quận nội đô lịch sử. UBND TP Hà Nội cũng quyết định xã hội hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm để từng bước giải quyết nhu cầu gửi xe của người dân. Một loạt các dự án gara ngầm đã được phê duyệt để triển khai như bãi đỗ xe ngầm tại Nhà thi đấu Quần Ngựa (Ba Đình); bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Thống Nhất (Hai Bà Trưng); bãi đỗ xe ngầm trước quảng trường cách mạng 19/8 và vườn hoa Cổ Tân; bãi đỗ xe ngầm tại 295 Lê Duẩn… Để đẩy nhanh tiến độ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Sở QH - KT khẩn trương thẩm định phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc các bãi đỗ xe ngầm tại Nhà thi đấu Quần Ngựa, Công viên Nhân Chính theo quy định hiện hành, phấn đấu khởi công trong tháng 6 tới đây.

Đại diện Sở QH - KT cho biết, đang hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm hoàn chỉnh hồ sơ để cấp phép quy hoạch theo quy định. Trước khi cấp phép, Sở sẽ lấy ý kiến các ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư có liên quan về hồ sơ, làm cơ sở để nhà đầu tư hoàn thiện bản vẽ tổng thể mặt bằng, triển khai lập dự án đầu tư.

Tại cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Cục Thuế Hà Nội nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm. Cụ thể, các chi tiết: giá trông giữ xe; tiền sử dụng đất; nghiên cứu phương án cho phép nhà đầu tư bán tối đa 30% số lượng đỗ xe; mô hình kết hợp bãi đỗ xe với trung tâm thương mại… được xem xét theo hướng mở để tạo động lực thu hút đầu tư. Đây là tín hiệu tích cực mà các nhà đầu tư mong đợi từ lâu, nếu có thể hiện thực hóa những tiêu chí này sẽ tạo nên sức hấp dẫn vô cùng lớn cho hạng mục xây dựng, khai thác bãi đỗ xe ngầm của Hà Nội.

Ngày 22/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chấp thuận cho Hà Nội được áp dụng phương thức chỉ định thầu tư vấn thực hiện quy hoạch gara ngầm trên địa bàn 4 quận nội đô: Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa.

Bãi đỗ xe ngầm là phù hợp với xu hướng của thế giới, đáp ứng nhu cầu đỗ xe của Thủ đô. Tuy nhiên, hàng loạt dự án bãi đỗ xe nổi, ngầm vẫn đang giậm chân tại chỗ đợi cơ chế đặc thù và các tiêu chí rõ ràng trong xây dựng khai thác.

KTS Phạm Thanh Tùng
Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Đặng Sơn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khai-thac-khong-gian-ngam-phai-co-dot-pha-ve-co-che-chinh-sach-283802.html