Khai thác phải gắn với bảo tồn và phát triển

Những ngày nghỉ hè, học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh thường tổ chức những chuyến tham quan, du lịch để giải trí, thư giãn sau thời gian lao động, học tập vất vả. Ngoài các bãi biển, khu du lịch sinh thái, nhiều người lựa chọn điểm đến là những di tích lịch sử-văn hóa để bồi đắp lý tưởng, truyền thống cách mạng.

Song, việc phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa ở một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa được quan tâm đúng mức. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để khai thác hiệu quả tiềm năng của di tích, góp phần giáo dục truyền thống, phát triển du lịch tại các địa phương?

Vẫn còn di tích bị xuống cấp, xâm hại

Kiên Giang là một trong những tỉnh ĐBSCL có khá nhiều di tích lịch sử. Ngoài những di tích đã được tu bổ, nâng cấp, thu hút đông đảo khách tham quan thì di tích lịch sử núi Mo So (thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương), đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nơi đây từng là căn cứ cách mạng với hơn 20 hang lớn nhỏ, mỗi hang gắn với tên của một đơn vị cách mạng trong kháng chiến như: Hang Quân y, hang Kinh tài, hang Huyện đội… Những hang đá ngầm Mo So còn là một tuyệt tác thiên nhiên, có tiềm năng để phát triển du lịch. Thế nhưng, ngay từ dưới chân núi dẫn vào các hang động là những dãy nhà ọp ẹp, hàng quán bày bán nhếch nhác, ô nhiễm. Bên trong hang, nhiều người tự tiện cất nhà để ở và mở các dịch vụ thu tiền. Theo thống kê của chính quyền địa phương, có tới 72 hộ dân đã và đang tự ý sinh sống trong khu di tích. Nguy hại hơn, người hướng dẫn tham quan di tích không hề căn cứ vào tài liệu lịch sử để thuyết minh mà chỉ nói về sự thần thánh và những câu chuyện đầy mộng mị của những bức tượng, hình vẽ do chính họ thêu dệt nên… Anh Trần Quang Hà, du khách từ TP Hồ Chí Minh tới tham quan chia sẻ: “Tôi nghe nói nhiều về vẻ đẹp và giá trị lịch sử cách mạng của thắng cảnh Mo So nên hè này cho các con đi tham quan. Vậy mà khi đến đây chứng kiến sự hoang tàn của khu di tích, tôi thật sự thất vọng”.

Tuổi trẻ Hậu Giang tham quan kết hợp làm sạch môi trường tại Khu di tích chiến thắng Chương Thiện (Ảnh: ĐOÀN TỈNH).

Khu căn cứ cách mạng núi Mo So đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia từ năm 1995. Thế nhưng, mọi hoạt động ở đây đều tự phát, thiếu sự quản lý của chính quyền và ngành chức năng. Thừa nhận tình trạng này, ông Lê Văn Em, Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang), cho biết: “Chúng tôi đã kiểm tra và báo cáo cấp trên. UBND tỉnh đã chỉ đạo sở phối hợp với UBND huyện Kiên Lương có biện pháp khắc phục tình trạng xâm hại di tích, tăng cường quản lý, tu bổ; đồng thời ưu tiên kinh phí triển khai nâng cấp di tích trong năm 2017”.

Ở xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, di tích lịch sử đình Tân Đông bị bao phủ bởi cây bồ đề nằm ngay góc đình. Bộ rễ của cây bồ đề bám kín làm cho các bức tường bong tróc, nứt vỡ nhưng cũng giữ cho ngôi đình không bị sập bởi nó đã xuống cấp từ lâu. Ông Phan Văn Đời, Trưởng ban Phụng sự di tích lịch sử-văn hóa đình Tân Đông, kể: "Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đình là nơi hội họp, ẩn náu của các chiến sĩ cách mạng. Nhưng sau đó đình bị biến thành nơi giam giữ các gia đình có con em tham gia kháng chiến. Do thiếu kinh phí nên ngôi đình chưa một lần được tu bổ suốt hơn 110 năm tồn tại".

Một di tích lịch sử khác là chùa cổ Snayđonkum (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), cũng đang mỏi mòn chờ tu bổ. Ngôi chùa từng là nơi trú ẩn của bộ đội, cất giấu tài liệu, tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho cán bộ cách mạng suốt những năm kháng chiến, nay rêu phong, hư hại theo thời gian…

Gắn bảo tồn di tích với phát triển du lịch

Các di sản, di tích lịch sử-văn hóa đang đứng trước nhiều thách thức, cần phân biệt rõ mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giải quyết hợp lý vấn đề đầu tư, phân bổ ngân sách bảo tồn, nâng cấp. Bên cạnh những hạn chế cần khắc phục thì nhiều địa phương ở ĐBSCL đã quan tâm toàn diện, phát huy tốt vai trò của di tích lịch sử-văn hóa để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và phát triển du lịch.

Nhiều du khách chọn di tích lịch sử căn cứ Vườn Mận để tham quan trong dịp nghỉ hè.

Có mặt tại khu di tích lịch sử-văn hóa căn cứ Vườn Mận (TP Cần Thơ), chúng tôi chứng kiến nhiều đoàn du khách tới tham quan, tìm hiểu những thông tin về “vùng lõm” của lực lượng cách mạng và trận chiến hào hùng suốt 6 ngày đêm Tết Mậu Thân 1968. Đây chỉ là một trong số khá nhiều di tích cách mạng trên địa bàn thành phố thu hút đông đảo du khách tham quan. Bà Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng ban Quản lý di tích TP Cần Thơ cho biết: "Nhằm thu hút du khách, tuyên truyền giá trị lịch sử văn hóa của di tích đến với quần chúng nhân dân, cùng với việc bảo tồn, tôn tạo, Ban quản lý thường xuyên sưu tầm, bổ sung hiện vật, tư liệu cho các khu di tích; đồng thời, các ban, ngành, đoàn thể TP Cần Thơ chủ động phối hợp tổ chức lễ hội, cuộc thi, triển lãm hình ảnh gắn với di tích, nhân vật lịch sử, địa danh cách mạng. Việc làm này vừa phát huy tốt giá trị của di tích, vừa góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch, làm lợi cho địa phương".

Để tạo được điểm nhấn cho di tích không chỉ là trách nhiệm, sự nỗ lực của đội ngũ làm công tác bảo tồn mà còn cần sự quan tâm đầu tư của chính quyền và ngành văn hóa, du lịch. Đây được coi là nét nổi bật ở tỉnh Hậu Giang. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều dự án xây dựng, sửa chữa, trùng tu, tôn tạo các khu di tích, nhất là di tích cách mạng, như: Di tích chiến thắng Chương Thiện, Di tích địa điểm thành lập Tiểu đoàn Tây Đô, Di tích chiến thắng Tầm Vu… Hằng năm, tỉnh luôn dành nguồn kinh phí nhất định để tôn tạo, sửa chữa góp phần làm di tích lịch sử thêm cuốn hút du khách.

Bên cạnh đó, các địa phương như: Vĩnh Long, Cà Mau, TP Cần Thơ đã nghiên cứu để tạo ra dấu ấn riêng cho các di tích lịch sử thông qua những sản phẩm du lịch mang ý nghĩa đặc trưng vùng sông nước với mục tiêu trong tương lai những khu di tích đó không chỉ là điểm tham quan, tìm hiểu lịch sử, mà còn là nơi để mọi người tìm được sự thư thái trong tâm hồn bằng nhiều sản phẩm du lịch ấn tượng. Theo ông Nguyễn Duy Tân, Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, muốn phát huy giá trị và gắn kết di tích lịch sử với du lịch cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác tôn tạo, khuyến khích các hoạt động lễ hội, văn hóa dân gian và mở rộng các sản phẩm du lịch đặc trưng; đồng thời xây dựng tủ sách lịch sử để giới thiệu, quảng bá rộng rãi di tích đến mọi du khách tham quan…

HOÀNG THÀNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/khai-thac-phai-gan-voi-bao-ton-va-phat-trien-513379