Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh khá trong khu vực

Trong những ngày này, lập thành tích chào mừng kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng Tuyên Quang diễn ra sôi nổi và rộng khắp. Hình ảnh vị Cha già dân tộc vẫn luôn hiển hiện trong lòng mỗi người dân nơi đây. Học và làm theo Bác là động lực, là ý chí của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, huyện Chiêm Hóa là An toàn khu với những sự kiện lịch sử như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II của Đảng (tại Kim Bình), đại hội duy nhất đến nay được tổ chức ở một địa phương ngoài Hà Nội; Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ nhất,... Ngày nay, Đảng bộ và nhân dân huyện Chiêm Hóa đang phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng từng bước vượt qua khó khăn, xây dựng huyện ngày càng phát triển; nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu trở thành huyện phát triển khá của tỉnh.

Xã Yên Nguyên là một trong những điển hình của các phong trào thi đua không chỉ của huyện Chiêm Hóa mà cả của tỉnh Tuyên Quang. Phong trào thi đua gắn liền với những công việc thiết thực, cụ thể cho nên luôn tạo được đồng thuận cao và sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Chủ tịch UBND xã Yên Nguyên Cầm Anh Dũng cho biết, năm 2011, khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Yên Nguyên mới đạt sáu trong số 19 tiêu chí; đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 8,97%, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 10,4 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, lâm nghiệp với quy mô nhỏ, lẻ; kết cấu hạ tầng còn kém đồng bộ và chưa hoàn chỉnh; việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế của người dân còn hạn chế. Công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển. Bên cạnh đó, do đội ngũ cán bộ, công chức xã và lãnh đạo thôn còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn về xây dựng nông thôn mới, chính vì vậy, khi triển khai thực hiện các tiêu chí còn lúng túng, chưa xác định được hết những khó khăn do yêu cầu của thực tiễn đặt ra.

Xác định rõ những thuận lợi và khó khăn, Yên Nguyên đã kiện toàn Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã. Các thôn đều thành lập các ban phát triển, trong đó trưởng thôn làm trưởng ban, các thành viên là phó trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, bí thư chi đoàn, chi hội trưởng các Đoàn thể thôn, đại diện nhân dân có uy tín, trách nhiệm tại thôn. Chủ trương đúng, hợp lòng dân đã tạo được sự đồng thuận cao. Cùng sự đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, nhân dân trong xã đã xây dựng được 66,4 km đường nhựa và bê-tông các loại... đến nay, tuyến đường giao thông trên địa bàn xã đã cơ bản được đổ nhựa hóa, bê-tông; tất cả các thôn có đường ô-tô đến tận khu dân cư, nhóm hộ tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện cả trong mùa khô và mùa mưa. Sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, tổng chiều dài kênh, mương được kiên cố là 41.012,8 km trong số 55.054km, đạt 74%, bảo đảm tưới chắc cho 100% đất hai vụ lúa, 90% đất ba vụ. Tất cả các hộ dân được sử dụng điện lưới; thu nhập bình quân đạt 24 triệu đồng/người/năm. Đây cũng là xã đầu tiên của huyện Chiêm Hóa có hệ số sử dụng đất đạt 2,95 lần/năm... Do vậy, đến năm 2015 xã Yên Nguyên đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Huyện ủy Ma Phúc Hà và Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa Nguyễn Việt Lâm cho biết, Đảng bộ huyện Chiêm Hóa đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn 2015-2020, phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng hằng năm hơn 6%; giá trị sản xuất công nghiệp hơn 980 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt hơn 2.500 tỷ đồng; thu hút hơn 110 nghìn lượt khách du lịch; thu cân đối ngân sách hằng năm tăng bình quân 8%, nâng mức thu nhập trung bình đầu người lên 32 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 17.500 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hơn 4% năm. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu này, huyện đã tiến hành quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với diện tích lớn, trong đó vùng mía hơn 4.000 ha, vùng lạc hơn 3.000 ha và phát triển cây nguyên liệu giấy theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Hiện nay, huyện đang tiến hành thí điểm các mô hình như đưa năng suất mía lên 120 tấn/ha, rải vụ cho cây lạc để nâng hệ số sử dụng đất, thử nghiệm cây keo cấy mô cho năng suất cao và giảm thời gian cho thu hoạch từ bảy đến tám năm như hiện nay xuống còn 5 năm mỗi chu kỳ.

Khai thác lợi thế về sản xuất nông nghiệp hàng hóa là thế mạnh được huyện Hàm Yên phát huy hiệu quả. Đảng bộ huyện xác định an ninh lương thực làm tiền đề, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa làm khâu đột phá. Quá trình triển khai thực hiện luôn bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường. Huyện xác định bốn nội dung trọng tâm trong sản xuất hàng hóa là: Tuyển chọn giống, sản xuất an toàn sinh học, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong thu hoạch và chế biến sản phẩm, liên kết trong tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị sản phẩm. Trong đó, nổi bật là cây cam sành - cây hàng hóa trọng điểm của huyện được đầu tư, mở rộng diện tích trồng tập trung ở 13 xã, trong đó có chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp. Cơ sở sản xuất giống cam sành của huyện bảo đảm đủ giống và cung cấp cây giống sạch bệnh để bố trí vào diện tích trồng mới, trồng lại ở chu kỳ hai.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thổi luồng sinh khí mới cho huyện Sơn Dương. Là địa phương đi đầu trong chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, huyện Sơn Dương đã tập trung các giải pháp nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân; ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng ở vùng nông thôn. Triển khai nhanh những cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại và chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng vật nuôi với số hộ, số trang trại được vay vốn lớn. Đến nay, trên địa bàn huyện có 140 hộ dân được vay vốn phát triển kinh tế trang trại, phát triển chăn nuôi trâu và thủy sản. Từ đó, đã tạo động lực để kinh tế trang trại của huyện phát triển mạnh mẽ. Nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại đã được hình thành. Trong năm 2016, huyện đã kết nối với các doanh nghiệp triển khai nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hướng dẫn, khuyến khích người dân đưa các giống lúa, ngô mới nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Đối với cây mía, vốn là cây trồng thế mạnh của huyện, nhiều mô hình được triển khai rộng khắp, chính quyền xã tích cực vận động người dân thâm canh tăng năng suất, cải tạo và thay thế các giống mía cũ đã thoái hóa, năng suất, chất lượng thấp. Đặc biệt, huyện chú trọng củng cố, kiện toàn hoạt động của các hợp tác xã theo hướng phát huy vai trò liên kết, làm cầu nối giữa người dân với doanh nghiệp. Hiện nay, huyện thí điểm một số hợp tác xã ký hợp đồng liên kết phát triển vùng nguyên liệu mía trên diện tích lớn, tiến tới nhân rộng ra nhiều xã. Qua đó, từng bước thay đổi phương thức sản xuất của người dân và phát huy hiệu quả của hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới.

Với phương châm "Đoàn kết thống nhất, tập trung đột phá, khai thác tiềm năng, phát triển bền vững", Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tập trung thực hiện có hiệu quả ba khâu đột phá. Đó là, phát triển mạnh công nghiệp, tập trung vào một số ngành có tiềm năng, lợi thế; phát triển công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu (chè, đường kính, giấy và bột giấy...); đẩy mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng, sản xuất điện; thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ, da giày, may mặc, cơ khí, điện tử, dự án sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, nâng cao hiệu quả các nhà máy chế biến khoáng sản theo hướng chế biến sâu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và hạn chế tác động tới môi trường.

Thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, lâm sản hàng hóa, tập trung đối với một số cây trồng chủ lực như nguyên liệu giấy, mía, chè, cam, lạc. Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, tạo chuyển biến mạnh về năng suất, chất lượng sản phẩm. Trồng và khai thác rừng hợp lý phục vụ công nghiệp chế biến. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hóa với quy mô phù hợp. Khuyến khích tích tụ đất đai, liên kết để sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Phát huy tiềm năng, khai thác tốt loại hình du lịch lịch sử, văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh. Phát huy giá trị các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa truyền thống, các lễ hội. Tăng cường liên kết, hợp tác, kết nối tua, tuyến du lịch. Huy động nguồn lực để xây dựng hệ thống hạ tầng du lịch, phát triển các dịch vụ du lịch; thu hút nhà đầu tư có năng lực xây dựng các khu, điểm du lịch.

Đầu năm 2017, khi triển khai chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự suy thoái, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên tập trung thực hiện tốt các nội dung của Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 81 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành hoạt động thường xuyên, tự giác trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội; nghiên cứu, cụ thể hóa tài liệu của Trung ương, của tỉnh, gắn với tính chất, đặc điểm của từng ngành, địa phương, đơn vị, sao cho việc học tập và làm theo Bác mang tính thiết thực, dễ nhớ, dễ làm. Đồng thời, chú trọng vai trò nêu gương trong học tập và làm theo Bác, nhất là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp, ngành; thường xuyên chỉ đạo, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện; biểu dương, nhân rộng các gương điển hình, cách làm hay ở các địa phương, cơ quan, đơn vị... Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao đời sống nhân dân. Đó là tiền đề để Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/32922402-khai-thac-tiem-nang-the-manh-de-xay-dung-tuyen-quang-tro-thanh-tinh-kha-trong-khu-vuc.html