Khai trương phố đi bộ quanh Hồ Gươm: 'Đặc sản' văn hóa Thủ đô

TP - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện việc cải tạo cho phù hợp mỹ quan, duy trì không gian đi bộ Hồ Gươm như một “đặc sản” văn hóa của Thủ đô.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục trong ngày khai trương phố đi bộ quanh Hồ Gươm (ảnh lớn); Thoải mái đi bộ dưới lòng đường (ảnh nhỏ). Ảnh: Hồng Vĩnh.

“Chạy đua” trước giờ mở cửa phố đi bộ

Trong ngày khai trương phố đi bộ Hồ Gươm, tối 1/9 đã có một số loại hình dịch vụ được đưa vào phục vụ du khách như hệ thống bán nước tự động đặt tại đầu phố Bảo Khánh và Bưu điện Bờ Hồ. Để thuận lợi cho du khách lựa chọn, đơn vị cung ứng dịch vụ phân bổ đồng loạt giá nước suối là 5.000 đồng và nước ngọt là 10.000 đồng/chai. Muốn mua nước, khách sẽ nhập mã sản phẩm niêm yết trên giá, tên sản phẩm là nhận được sản phẩm.

Tuy nhiên, du khách phải chuẩn bị đúng mệnh giá tiền mua nước cho vào máy, vì máy bán tự động chưa có chức năng trả lại tiền thừa. Đến chiều 1/9, VNPT Hà Nội đã hoàn thành việc lắp đặt trạm phát wifi giai đoạn 1 xung quanh Hồ Gươm, nhưng trong ngày đầu đưa vào hoạt động tốc độ internet còn chậm, dù lượng người truy cập chưa nhiều.

Phục vụ cho ngày khai trương phố đi bộ Hồ Gươm, Cty Môi trường Đô thị đã tiến hành điều chỉnh ca làm chiều sớm hơn 1 giờ, thời gian làm việc chỉ kết thúc khi xung quanh Hồ Gươm hết rác. Trao đổi với PV Tiền Phong, một nhân viên Cty Môi trường và Đô thị 2 cho biết: “Chuẩn bị cho ngày khai trương phố đi bộ, lãnh đạo Cty đều quán triệt nhân viên làm việc với tốc độ và nỗ lực cao hơn, giờ làm việc ca chiều được đẩy lên sớm và sẽ kết thúc muộn, nhưng chúng tôi thấy vui khi được làm nhiệm vụ giữ gìn cảnh quan cho Hồ Gươm...”.

Người dân thoải mái tản bộ giữa lòng đường. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Không gian đi bộ Hồ Gươm sẽ trở thành “đặc sản”

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: “Việc tổ chức thí điểm phố đi bộ quanh Hồ Gươm sẽ giúp phát huy được tối đa lợi thế không gian văn hóa Hồ Gươm. Trong thời gian này, thành phố cũng cho phép các khách sạn 3 sao trở lên, quán bar tại khu vực được mở cửa phục vụ du khách đến 2h sáng. Tại không gian văn hóa bờ hồ sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống và hiện đại nhằm phục vụ nhân dân và du khách tham quan. Đồng thời tổ chức một số dịch vụ được coi là một nét độc đáo của Thủ đô. Việc tổ chức không gian đi bộ sẽ duy trì không gian mang tính cộng đồng, cải thiện môi trường sống, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần bảo tồn tôn vinh và giới thiệu lịch sử, văn hóa, con người Thủ đô…”.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo, các sở, ban ngành liên quan cần chủ động tuyên truyền, vận động để người dân thấy được lợi ích của phố đi bộ. Kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp trông giữ xe trái phép, thu vượt giá quy định. Đặc biệt, cần quản lý để các hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh. Khi triển khai thí điểm, các đơn vị cần thường xuyên khảo sát lắng nghe và tiếp thu mọi ý kiến của người dân và du khách để rút kinh nghiệm, dần dần hoàn thiện không gian đi bộ.

Ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, thời gian từ khi chuẩn bị cho đến lễ khai trương không có nhiều, nên vẫn còn những khó khăn phát sinh cần phải tiếp tục rút kinh nghiệm. “Trong thời gian thử nghiệm, quận Hoàn Kiếm và các cơ quan chuyên môn sẽ tổ chức rà soát, rút kinh nghiệm, ghi nhận ý kiến người dân để tiếp tục hoàn thiện việc chỉnh trang, để báo cáo thành phố cho triển khai tiếp vào năm 2017 và những năm tiếp theo. Mục tiêu hướng tới là duy trì phố đi bộ như một đặc sản văn hóa, từ đó phát huy tối đa giá trị văn hóa của Hồ Gươm, di tích văn hóa cấp Quốc gia đặc biệt…”, ông Dương Đức Tuấn phát biểu.

Ghi nhận tại phố đi bộ Hồ Gươm trong ngày khai trương cho thấy, người dân, khách du lịch trong và ngoài nước đều tỏ ra hào hứng khi được thoải mái thả bước trong không gian Hồ Gươm, đồng thời có cơ hội khám phá các di tích văn hóa, các loại hình văn hóa được bố trí xung quanh Hồ Gươm.

Bên cạnh sự hào hứng, vẫn còn có những băn khoăn được người dân đặt ra đối với thành phố và UBND Hoàn Kiếm về công tác quản lý, cùng chiến lược giữ chân du khách. Ông Nguyễn Văn Vượng, Bí thư chi bộ 8 phường Tràng Tiền cho biết: “Việc mở rộng phố đi bộ sẽ tạo môi trường, cảnh quan thuận lợi cho nhân dân và du khách thưởng thức không gian văn hóa. Ghi nhận ý kiến của khu dân cư cho thấy, bước đầu người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ băn khoăn một điều, thành phố và các cơ quan sẽ có biện pháp gì để quản lý, duy trì cảnh quan không gian đi bộ trong một thời gian dài? Giá trị văn hóa của Hồ Gươm là rất đặc sắc, nhưng để giữ chân và thu hút thêm du khách, thành phố cần nghiên cứu tạo ra nhiều sân chơi, các loại hình giải trí, các dịch vụ đi kèm…”.

Quận Hoàn Kiếm ra “quy chuẩn” kinh doanh đến 2h sáng

Thực hiện việc thí điểm nới “giờ giới nghiêm” kinh doanh đến 2h sáng trên địa bàn trong 3 ngày cuối tuần, UBND quận Hoàn Kiếm đã xây dựng bảng “quy chuẩn” tạm thời để quản lý các quán bar, nhà hàng, khách sạn trong thời gian thử nghiệm.

Theo đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ (nhà hàng, quán bar, khách sạn, cửa hàng, cửa hiệu…) có địa điểm kinh doanh trong nhà, cam kết không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường được đăng ký kinh doanh đến 2h sáng; Đăng ký với UBND phường sở tại việc kinh doanh đến 2h sáng để chính quyền quản lý; Chủ cơ sở kinh doanh phải có đủ giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và đảm bảo các điều kiện trong suốt quá trình kinh doanh; Cam kết đảm bảo các yêu cầu về văn minh thương mại, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, PCCC; Phân công người có trách nhiệm quản lý của cơ sở kinh doanh trực tại điểm kinh doanh; Tổ chức phát wifi miễn phí cho du khách; Cam kết không bán rượu, bia, thuốc lá cho người dưới 18 tuổi.

Ngọc Cương - Trần Hoàng

TPHCM: Phố đi bộ Nguyễn Huệ lộ nhiều bất cập

Tại TPHCM sau hơn một năm đưa vào sử dụng, công trình phố đi bộ Nguyễn Huệ (rộng 64m, dài 670m) bộc lộ nhiều bất cập. Mỗi dịp cuối tuần, lễ, tết, phố đi bộ tập trung hàng nghìn người. Khách tham quan phải xếp hàng dài chờ sử dụng nhà vệ sinh công cộng. TPHCM cấm ăn uống, xả rác trong khu vực phố đi bộ nhưng nhiều người vô tư bày biện thức ăn. Rác vứt bừa bãi, các loại đồ ăn, thức uống đổ tràn lan, vương vãi dù nơi đây có trang bị nhiều thùng rác. Đặc biệt, với số lượng người tập trung quá đông xem pháo hoa, trình diễn nghệ thuật vào các dịp lễ tết, rác lại ngập ngụa trong sự bất lực của lực lượng Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ giữ trật tự.

Cấm xe lưu thông phố đi bộ nhưng các bãi giữ xe bố trí cho khách tham quan nằm ở những vị trí khá xa và không đáp ứng đủ nhu cầu nên cứ vào cuối tuần, đường Lê Thánh Tôn, đoạn qua trụ sở UBND TPHCM lại ùn tắc bởi người dân dừng đỗ xe tràn lan để tham quan phố đi bộ. Tình trạng một số người thiếu ý thức phóng xe máy vun vút băng qua đường, chiếm lối đi và gây nguy hiểm cho người đi bộ vẫn diễn ra thường xuyên nhưng cơ quan chức năng vẫn không có biện pháp xử lý triệt để.

Huy Thịnh

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/nhip-song-thu-do/khai-truong-pho-di-bo-quanh-ho-guom-dac-san-van-hoa-thu-do-1045461.tpo