Khám phá Bảo tàng gốm sứ cổ độc nhất vô nhị ở Hà Nội

Hơn 300 hiện vật đang được trưng bày tại 'Bảo tàng gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan' (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, Việt Nam) sẽ giúp du khách trong nước và quốc tế hiểu thêm nhiều điều về nghề gốm sứ truyền thống của Thủ đô hơn ngàn năm văn hiến, từ những dấu tích cư trú của làng đến sự hưng thịnh hôm nay.

Công trình sưu tầm các cổ vật và xây bảo tàng gốm cổ cho làng Kim Lan, Gia Lâm, Hà Nội do các cụ cao tuổi trong nhóm Tìm về nguồn cội của làng gốm cổ Kim Lan và TS. Nishimura Masanari, người Nhật Bản thực hiện.

Công trình sưu tầm các cổ vật và xây bảo tàng gốm cổ cho làng Kim Lan, Gia Lâm, Hà Nội do các cụ cao tuổi trong nhóm Tìm về nguồn cội của làng gốm cổ Kim Lan và TS. Nishimura Masanari, người Nhật Bản thực hiện.

Nhà trưng bày gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan (Gia Lâm- Hà Nội) chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2013. Đây là bảo tàng cấp xã đầu tiên trong cả nước, đồng thời sự ra đời của bảo tàng cũng đánh dấu sự thành công đầu tiên của khảo cổ học cộng đồng ở Việt Nam.

Bảo tàng Kim Lan nằm liền kề với Miếu bản và UBND xã Kim Lan, mở cửa vào các ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Bảo tàng rộng khoảng 200m vuông, có phần mái được thiết kế cách điệu theo kiểu lò bầu và lò đứng - các kiểu lò nung gốm của người dân Kim Lan từ xưa đến nay.

Bảo tàng Kim Lan hiện nay trưng bày khoảng 300 hiện vật (kể cả các sản phẩm, hiện vật mới của làng gốm). Dù không gian không rộng, hiện vật không nhiều nhưng khá đa dạng loại hình, chất liệu, niên đại và được bày biện rất khoa học, hiện đại.

Các hiện vật rất phong phú bao gồm nhiều vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, tiền đồng và đặc biệt đồ gốm sứ, gạch Giang Tây Quân - loại gạch dùng để xây thành Đại La. Tại đây cũng trưng bày các sản phẩm mới của làng và các mô hình các lò gốm như: lò bầu và lò đứng.

Sau những trận lụt, bờ sông Hồng sụt lở. Người dân Kim Lan nhặt được nhiều mảnh gốm cổ, thậm chí có cả những món đồ gần như nguyên lành và những chiếc lọ đầy ắp tiền cổ. iện rất khoa học, hiện đại.

Tháng 4/2000, một đoàn cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã về Kim Lan và những di vật do nhóm Tìm về nguồn cội của làng cung cấp đã khiến các nhà sử học sửng sốt. Liên tục từ năm 2001 - 2003, đã có 3 đợt khai quật được Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành trên bãi Hàm Rồng.

Đợt khai quật đã thu được sưu tập hiện vật có số lượng lên tới con số hàng nghìn, trải dài suốt 10 thế kỷ, từ thế kỷ 7 - 17. Trong đó đáng kể hơn cả là những đồ gốm sứ thời Trần với nhiều tiêu bản nguyên vẹn hoặc có thể phục nguyên... Những đợt khảo cổ ấy cũng tìm thấy rất nhiều gạch Giang Tây Quân (sau này cũng phát hiện được loại gạch tương tự tại Hoàng thành Thăng Long).

Các nhà khảo cổ học kết luận: Kim Lan là một làng cổ, khai quật cả cột móng nhà, nền nhà cũ; Ở đây có dấu tích sản xuất gốm sứ từ xưa và có hàng xuất khẩu từ thế kỷ 13-14; người dân Kim Lan xưa rất giàu có. Sau này, các cụ cao niên trong làng còn chung sức hoàn thành cuốn sách Kim Lan xưa và nay để làm rõ cội nguồn của làng.

Đến Kim Lan lần đầu tiên vào tháng 4/2000 cùng với đoàn khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, bằng tình yêu với gốm cổ, Tiến sĩ Nishimura Masanari đã tình nguyện gắn bó với đất và người Kim Lan hơn 10 năm.

Các cụ cao niên đã cung cấp nhiều tư liệu cho TSNishimura để ông hoàn thành luận án Tiến sĩ của mình về văn hóa Việt Nam. Còn TS Nishimura tận tình hướng dẫn nhóm của ông Hồng phân loại các hiện vật đã sưu tập được, tham gia khai quật ở bãi Hàm Rồng, cho đến việc quyên góp hơn 30.000 USD để xây dựng bảo tàng, hay thiết kế, sắp đặt, viết lời bình trong bảo tàng… đều do ông thực hiện. Ông còn hiến tặng một số gốm cổ châu Á từ bộ sưu tập cá nhân để người xem dễ bề so sánh với Kim Lan.

Điều tâm niệm của T.S Nishimura và các cụ trong nhóm Tìm về cội nguồn của làng Kim Lan khi chung sức xây dựng Bảo tàng gốm cổ của làng là nhằm giúp các thế hệ sau yêu làng, yêu nghề hơn và có quyết tâm làm giàu từ nghề gốm. Sau khi đột ngột qua đời trong một tai nạn giao thông trên Quốc lộ 5, T.S Nishimura đã được đưa về yên nghỉ ở đất làng Kim Lan.

Sau 4 năm hoạt động, nhiều người dân Kim Lan đến thăm, học tập kinh nghiệm của cha ông để áp dụng cho công việc sản xuất của địa phương. Các đoàn khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, học sinh, sinh viên... cũng đã thường xuyên đến thăm, nghiên cứu Bảo tàng vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Tuy nhiên, số lượng du khách chưa đông vì họ mới biết tiếng làng gốm Bát Tràng, chứ chưa biết đến làng gốm cổ Kim Lan.

Cạnh Bảo tàng gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan là Miếu Bản, tới nay chưa xác định được chính xác công trình này được xây dựng từ năm nào. Tuy nhiên, căn cứ vào khối kiến trúc vật chất cùng dòng chữ ghi trên câu đầu thì di tích được trùng tu lớn vào năm Bảo Đại (1933). himura đã được đưa về yên nghỉ ở đất làng Kim Lan.

Miếu bản thờ Huyết Thực Phúc Thần Thạch Việt, người có công dẹp giặc Hán ở Châu Quốc Oai cướp bóc làng Thanh Oai và bọn Phạm Du ở Nghệ An làm phản, Năm Mậu Thìn (1208).

Hiện, Miếu Bản còn bảo lưu được những mảng chạm khắc đẹp mang đậm phong cách thời Nguyễn. Đặc biệt là các di vật tiêu biểu về thể loại và chất liệu như đồ gốm sứ, đồ đồng, đồ gỗ mang phong cách nghệ thuật tiêu biểu thời Nguyễn và phong cách nghệ thuật thế kỷ XX.

Tất cả đều tạo cho di tích một vẻ đẹp vừa trang trọng, vừa linh thiêng nhưng vẫn gần gũi với đời thường.

Minh Phúc (Theo Hanoitimes.com.vn)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/kham-pha-bao-tang-gom-su-co-doc-nhat-vo-nhi-o-ha-noi-286425.html