Khám phá chùa Ấn Quang nổi tiếng Sài Gòn

Hình thành từ năm 1948, chùa Ấn Quang có vai trò khá đặc biệt trong lịch sử Phật giáo miền Nam nói riêng và phật giáo Việt Nam thời hiện đại nói chung.

Tọa lạc tại số 243 đường Sư Vạn Hạnh, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, chùa Ấn Quang là một ngôi chùa có vai trò khá đặc biệt trong lịch sử Phật giáo ở miền Nam nói riêng và phật giáo Việt Nam thời hiện đại nói chung.

Chùa được Hòa thượng Thích Trí Hữu đến từ chùa Linh Ứng ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng lập năm 1948. Lúc đầu đây chỉ là một chùa nhỏ bằng cây lợp lá, mang tên là Ứng Quang. Sau khi làm được một chính điện và một tăng xá, tất cả đều bằng tranh và tre, Hòa thượng cho mở một lớp giảng kinh cho tăng sinh tại các chùa lân cận. Chùa Ứng Quang trở thành một Phật học đường nhỏ.

Năm 1950, Hòa thượng Thích Thiện Hòa, thuộc dòng thiền Lâm Tế được giao cho quyền quản lý chùa Ứng Quang để hoằng dương Phật pháp.Với tư cách là Viện chủ, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã cho xây dựng ngôi chánh điện theo kiểu chùa Từ Đàm ở Huế. Từ đó, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã hiến trọn tâm trí và công đức để tôn tạo ngôi chùa và thành lập trường Phật học để giáo dục và hoằng pháp.

Đầu năm 1951, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã vận động các trường Phật học Liên Hải, Mai Sơn, Sùng Đức và Ấn Quang hiệp nhất thành Phật học đường Nam Việt. Từ đây, chùa Ứng Quang được đổi tên thành chùa Ấn Quang và được chọn làm trụ sở của Phật học đường (Tổ đình Ấn Quang).
Chùa Ấn Quang còn là trụ sở của Giáo hội Tăng Già Nam Việt, thành lập cùng năm 1951.

Trong giai đoạn Hòa thượng Thích Thiện Hòa làm trụ trì, chùa Ấn Quang là nơi đào tạo hàng trăm giảng sư và hàng nghìn Tăng Ni sinh làm sứ giả của Như Lai đi bổ xứ trụ trì các chùa ở các tỉnh miền Nam.

Sau năm 1975, chùa Ấn Quang vẫn là một trung tâm tu học quan trọng của toàn miền Nam. Với vị trí của mình, chùa được chọn làm nơi đặt Văn phòng Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Về mặt kiến trúc, trong giai đoạn trước năm 1975, chùa Ấn Quang đã trải qua những đợt trùng tu lớn vào năm 1955, 1959, 1966 và 1967. Vào năm 1967 kiến trúc chùa được tái thiết theo đồ án của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện.

Về nội thất, nhiều tượng thờ và các chi tiết trang trí kiến trúc của chùa mang giá trị nghệ thuật cao, được thực hiện dưới bán tay của nghệ nhân Trương Văn Thanh (tức Đại đức Minh Tịnh) và Cư sĩ Trương Đình Ý, giáo sư trường Mỹ Nghệ Thực Hành ở Gia Định.

Đến năm 2006, chùa Ấn Quang đã xây dựng mới nhà Tổ, trai đường và Tăng xá. Năm 2009, Bảo tháp trong khuôn viên chùa được khởi công xây dựng nhằm tôn trí Đức Phật Di Đà, Đức Địa Tạng, Bồ tát Quán Thế Âm, ngọc Xá lợi.

Ngày nay, chùa Ấn Quang là một điểm đến thu hút nhiều Phật tử gần xa ở TP HCM, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết.

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/thien/kham-pha-chua-an-quang-noi-tieng-sai-gon-816644.html