Khám phá không gian du lịch văn hóa đá độc đáo ở Phú Yên

Đến với Phú Yên, du khách không chỉ nao lòng trước những cảnh đẹp hoang sơ, kỳ thú mà còn được trải nghiệm một không gian văn hóa đá độc đáo.

Khám phá không gian du lịch văn hóa đá độc đáo ở Phú Yên. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Khám phá không gian du lịch văn hóa đá độc đáo ở Phú Yên. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Độc đáo không gian văn hóa đá

Từ lâu đá đã gắn liền với cuộc sống của người dân Phú Yên trong hầu hết mọi sinh hoạt thường ngày. Đá dùng để làm nhà, làm đường, làm vật dụng gia đình, rồi đá xây hệ thống mương nước, gờ ruộng, giếng đào… Thói quen xếp đá làm công trình kiến trúc của người dân nơi đây đã có từ rất lâu, truyền từ đời này sang đời khác.

Hiện nay, ở nhiều địa phương ở Phú Yên như An Thọ, An Lĩnh, An Ninh Đông, An Hiệp, An Thạch… vẫn còn nhiều con đường đá, giếng đá, hàng rào đá, mộ đá, nhà kho bằng đá.

Đến Phú Yên, du khách còn được trải nghiệm và khám phá một không gian văn hóa đá độc đáo ở những ngôi làng ven biển như Phú Hạnh, Phú Hội, Phú Lương và Phú Sơn, từ những ngôi nhà, những con đường, những chiếc cầu ao… cả đến chuồng bò cũng được xếp bằng đá.

Đặc biệt, ở Phú Yên có các di sản văn hóa gắn liền với vật liệu đá như gành Đá Đĩa, gành Xép, chùa Đá Trắng, núi Đá Bia, đàn đá, kèn đá Tuy An…

- Gành Đá Đĩa - một danh thắng quốc gia độc nhất vô nhị ở Việt Nam, trên thế giới cũng chỉ có một gành đá tương tự - gành Giant’s Causeway tại Ireland. Gành Đá Đĩa là một di sản đá tự nhiên được hình thành cách đây khoảng 200 triệu năm ở bên bờ biển xã An Ninh Đông, huyện Tuy An.

Tọa lạc tại nơi được xem là heo hút nhất của dải đất miền Trung, gành Đá Đĩa là một món quà độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho miền đất Phú Yên. Các nhà khoa học nhận định, gành Đá Đĩa được hình thành khi núi lửa phun trào nham thạch, dòng nham thạch gặp nước đông cứng lại, dưới tác động của sóng nước, nham thạch bị rạn nứt nhưng chúng lại xếp chồng lên nhau tạo nên những hình thù thật kỳ diệu.

Có người ví gành Đá Đĩa như một tổ ong khổng lồ, có người lại ví như hàng nghìn chiếc đĩa màu đen huyền bí, nửa chìm nửa nổi bên biển. Chỉ riêng những cảm nhận phong phú như thế đã thực sự làm sống động cho gành đá trầm mặc qua thời gian. Gành Đá Đĩa đã được công nhận là Di tích thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 1997.

Gành Đá Đĩa là một di sản đá tự nhiên được hình thành cách đây khoảng 200 triệu năm. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

- Gành Xép: vẻ đẹp tổng hòa của gành đá, bờ biển, đồng cỏ và những rừng phi lao

Xuất hiện đầy thơ mộng trong bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ, gành Xép - một tạo tác từ đá, cũng nằm trong không gian văn hóa đá độc đáo của Phú Yên. Không sở hữu những tầng đá ong xếp lớp lớp hùng vĩ, với những phiến đá nhiều hình dạng như gành Đá Đĩa, gành Xép có vẻ đẹp tổng hòa của gành đá, bờ biển, đồng cỏ và những rừng phi lao chạy dài tít tắp.

Đi dọc hết bãi biển, có thể bắt gặp vách đá sừng sững nhô ra phía biển với những tầng đá thoai thoải, hạ dần độ cao đến khi bị ăn mòn bởi sóng. Những cơn sóng tung bọt trắng xóa, vỗ vào bờ đá đen huyền tạo nên một khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ.

Trên những bậc đá, vạt cỏ khô xen lẫn vào đám cây xương rồng, dày đặc, theo tiếng gió và sóng tạo nên thứ âm thanh thi vị của biển cả. Không gian gành Xép như được thu vào tầm mắt, từ bãi biển chạy dài dưới chân vách núi, gành đá lóng lánh màu đen tuyền cho tới bờ biển xanh ngắt...

- Chùa Đá Trắng: ngôi cổ tự đặc sắc

Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Từ Quang (chùa Đá Trắng) cũng thuộc không gian văn hóa đá của vùng đất Phú Yên. Sở dĩ chùa Từ Quang còn có tên tục chùa Đá Trắng là bởi ngôi chùa tọa lạc trên ngọn núi có nhiều đá trắng (Bạch Thạch Sơn).

Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Từ Quang (chùa Đá Trắng). Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Ngoài kiến trúc đẹp, cổ kính, tôn nghiêm, xung quanh chùa có bờ thành xếp bằng những khối đá trắng phau, tạo một khuôn viên khép kín, tôn thêm vẻ lung linh, kỳ bí của ngôi chùa. Con đường từ quốc lộ 1 dài gần 500m dẫn lên chùa cũng là con đường lát bằng những phiến đá lớn và đây là con đường đá cổ còn nguyên vẹn nhất ở Phú Yên hiện nay.

Đường đá cổ này vừa có giá trị thẩm mỹ, góp phần tạo nên nét đặc sắc của một ngôi cổ tự, vừa là di sản văn hóa kết tinh bằng công sức của các tăng ni, phật tử gần xa.

- Núi Đá Bia: ngọn núi thiêng

Ngược vào phía Nam, núi Đá Bia cũng là biểu tượng của vùng đất trấn biên ngày xưa. Núi Đá Bia được xem là ngọn núi thiêng với tên gọi Lingaparvata (đấng đại sơn thần, hiện thân của thần Shiva trong tín ngưỡng của người Chăm).

Núi Đá Bia ở Phú Yên là cột mốc lịch sử gắn với nhiều sự tích, truyền thuyết trong lịch sử Việt Nam và lịch sử vùng đất Phú Yên. Nơi đây cũng là một thắng cảnh tuyệt đẹp, trên đỉnh mây thường xuyên che lấp khối đá Bia tạo nên cảnh quan hùng vĩ, ấn tượng. Năm 2008, núi Đá Bia được công nhận là thắng cảnh cấp quốc gia.

- Đàn đá và kèn đá: đỉnh cao về sự sáng tạo

Trong nền văn hóa đá của Phú Yên, đỉnh cao về sự sáng tạo của người xưa với đá chính là cặp đàn đá và kèn đá có niên đại khoảng 2.500 năm. Bộ đàn đá gồm 8 thanh đá có thang âm hoàn chỉnh nhất Việt Nam và bộ kèn đá gồm hai kèn chia làm “đực” - “cái” đã trở thành di sản văn hóa đá độc đáo của vùng đất Phú Yên.

Hai nhạc cụ cổ này được xem là độc nhất vô nhị bởi trên thế giới chưa phát hiện ra bộ nhạc cụ thứ hai nào bằng đá mà phát ra tiếng nhạc bằng cách thổi hơi. Hiện hai bộ nhạc cụ cổ và thô sơ này còn nguyên giá trị di sản tinh thần không thể phủ nhận và xứng đáng được tôn vinh là di sản văn hóa của nhân loại.

Hai di sản này là báu vật quốc gia, là nguồn tài nguyên đặc biệt không thể tái sinh, không thể thay thế, cần bảo tồn và phát huy giá trị đặc biệt để phát triển du lịch.

Phát triển du lịch văn hóa đá Phú Yên

Những di sản văn hóa đá không chỉ làm nên vẻ đẹp mà còn tạo nên sức mạnh tinh thần rất đặc trưng của Phú Yên. Vì vậy, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa đá đã đang được Phú Yên chú trọng đầu tư.

Để di sản văn hóa đá trở thành sản phẩm du lịch, Phú Yên cần chú trọng bảo tồn, tôn vinh và đầu tư phát triển. Những di sản văn hóa đá như gành Đá Đĩa, chùa Đá Trắng, kèn đá, đàn đá Tuy An… cần có sự đầu tư tương xứng cho công tác tôn tạo, giữ gìn và quảng bá.

Bên cạnh đó, để có được các tour du lịch văn hóa đá, với các điểm dừng chân, dịch vụ du lịch đi kèm, cùng với đó là sự hòa mình của du khách với văn hóa đá như tự tay được xếp, dỡ, dựng nhà từ đá. Sâu xa hơn là những lộ trình, đề án có tính dài hơi để phát huy tốt nhất giá trị văn hóa đá, vốn chỉ có ở Phú Yên./.

Đức Tâm (tổng hợp)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/kham-pha-khong-gian-du-lich-van-hoa-da-doc-dao-o-phu-yen/44167.html