Khám phá vẻ đẹp của Huế

Nhắc đến Huế, nhiều người chỉ nói hai chữ mộng mơ. Bên dòng sông Hương nước lững lờ trôi, không gian trầm mặc của đền đài, cung điện tạo một nét trầm, gây bao cảm xúc đối với du khách...

Huế như một nàng con gái khuê các. Càng khám phá, người ta càng thấy thích thú và bị hấp dẫn bởi nét cổ kính, trầm mặc. Khi tiết trời có sương mù, Huế bị che phủ sau làn sương mong manh gợi bao cảm xúc cho các thi -nhạc sĩ. Vì vậy, những bài hát, câu thơ về Huế đều bàng bạc nét buồn nhưng tình tứ. Huế không ồn ào, vội vã nên giữ chân được bao người khi một lần đặt chân đến đây. Với nhiều người, du lịch đến đất Thần Kinh là để trải nghiệm “sống chậm”, đi giữa những con đường thơ. Vẫn đền đài cung điện của hàng trăm năm nay có phần hoang tàn, nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp khó tả... Quần thể di tích Huế là một tài sản vô giá của Việt Nam, được sánh ngang với các công trình, kiến trúc cổ vĩ đại của thế giới. Theo ghi nhận, quần thể này có đến 1.200 công trình, nay chỉ còn 480 công trình. Vào kinh thành Huế, không gian của trăm năm trước vẫn hiện hữu. Công trình này được xây dựng trong thời gian gần 3 thập kỷ (1803-1832), tạo nên một kiến trúc độc đáo, đậm nét Đông phương. Theo các tài liệu của BQL di tích, thành lũy bao quanh Đại nội cao 6,6m, dày 21m, với chu vi gần 9.000m. Trên mặt thành ngày xưa có tới 24 pháo đài. Bên ngoài, dọc theo bờ thành có hào sâu bảo vệ. Kinh thành liên lạc với bên ngoài qua 8 cửa trổ theo 8 hướng: Chính Đông, Chính Tây, Chính Nam, Chính Bắc, Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc, Đông Nam. Triết lý âm dương và ngũ hành phương Đông thể hiện rất rõ tại đây. Nhìn tổng thể, dãy núi Ngự là tiền án, che chở cho toàn kinh thành. Dòng sông Hương trước mặt được xem là Minh Đường. Trên sông này, có 2 cồn cát được xem là “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ” chầu phục vương triều. Hệ thống hào lớn và sâu bao quanh xuyên suốt kinh thành được xem là Hộ thành. Chính vị thế này, các triều đại phong kiến giữ vững ngai vàng và trị vì đất nước trong suốt gần 400 năm, từ năm 1558-1945. Đi trong không gian của kinh thành, khách như bị mê hoặc bởi nét cổ kính và lối kiến trúc độc đáo với những hoa văn tinh xảo. Trong lòng kinh thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành được gọi chung là Đại Nội. Hoàng Thành dùng để bảo vệ khu vực các cơ quan lễ nghi, chính trị quan trọng nhất của triều đình và các điện thờ. Tử Cấm Thành bảo vệ nơi làm việc, ăn ở và sinh hoạt hàng ngày của nhà vua và gia đình... Đại Nội chia thành nhiều khu vực khác nhau: Từ Ngọ Môn đến Điện Thái Hòa làm nơi cử hành các lễ lớn của triều đình; Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu và Điện Phụng Tiên... là nơi thờ các vua chúa nhà Nguyễn; Cung Diên Thọ và Cung Trường Sanh là nơi ở của Hoàng Thái Hậu và Thái Hoàng Thái Hậu; Phủ Nội Vụ là nhà kho tàng trữ đồ quý, xưởng chế tạo đồ dùng hoàng gia, vườn Cơ Hạ và Điện Khâm Văn là nơi các Hoàng tử học tập và chơi đùa... Du lịch đến Huế, khách tham quan kinh thành chỉ trong vài giờ nhưng có những người dành thời gian 1-2 ngày để vừa tham quan vừa tìm hiểu cặn kẽ cho thỏa chí. Đó là chưa kể đến hệ thống các lăng tẩm của các vị vua Triều Nguyễn. Mỗi lăng tẩm được xây dựng theo lối kiến trúc riêng, mang dấu ấn về lối sống, tư duy của từng vị. Lăng Gia Long mộc mạc nhưng hoành tráng, bao quanh là núi rừng. Lăng Minh Mạng uy nghi với thiết kế không gian cân đối thể hiện sự hùng tâm đại trí của một viên chính trạng thao lược tài giỏi. Trong khi đó, lăng Thiệu Trị lại thâm nghiêm, lăng Tự Đức lại thơ mộng... Riêng lăng Khải Định là sự pha trộn cầu kỳ giữa Đông và Tây, Kim và Cổ gắn với tư duy của một vị vua giữa lúc giao thời và ảnh hưởng của thời cuộc khi người Pháp đặt chân đến Việt Nam... Đến đây vào tháng 6, khách có dịp sống trong không gian lễ hội gắn với văn hóa của trăm năm trước. Festival Huế sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 13/6 là lễ hội được nhiều người chờ đợi. Ban tổ chức cho biết: nét mới của Festival Huế 2010 là sự góp mặt đoàn nghệ thuật của hơn 40 nhóm nghệ sĩ và đoàn nghệ thuật của hơn 30 quốc gia tham dự, như: Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Italia, Nga, Trung Quốc... Bên cạnh các chương trình nghệ thuật đặc sắc của nước chủ nhà và các quốc gia, Đêm Hoàng Cung được xem là sản phẩm du lịch hấp dẫn khi tái hiện được văn hóa, lối sống của vương triều để giới thiệu đến du khách. Trong số các festival được tổ chức trong cả nước, Festival Huế được đánh giá cao vì đã để lại nhiều ấn tượng cho bạn bè quốc tế với những chương trình phong phú, hấp dẫn.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=40&itemid=10306