Khẩn cấp đắp đập ngăn mặn, cứu lúa

– Trong ngày 25 và 26/3, tỉnh Bạc Liêu phải đắp gần 40 con đập để ngăn mặn. Con đập lớn nhất có bề rộng 27 m nhưng cũng chỉ mang tính tạm thời.

Chạy đua với triều cường Kỹ sư Lương Ngọc Lân - Phó giám đốc Sở NN&PTNT – Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo điều tiết nước tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện nay tình hình xâm nhập mặn vào vùng sản xuất lúa của tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp. Sở NN&PTNT tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương đắp các đập ngăn mặn. Tại huyện Phước Long, trong ngày hôm qua 25/3, đã huy động đông đảo bà con nông dân, dân quân tự vệ của các xã Hưng Phú và Vĩnh Phú Đông để đắp 10 con đập dọc theo kênh Cầu Sập- Ninh Quới. Con đập lớn nhất có chiều rộng hơn 27 m được làm cách đóng cừ tràm 2 bên sau đó chèn các tấm bạc rồi dùng cơ giới múc đất bỏ vào. Đây không phải là những con đập kiên cố mà chỉ mang tính chất tạm thời để ngăn nguồn nước mặn. Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phước Long cho biết, độ mặn đo được vào ngày 25/3 tại kênh Cầu Sập - Ninh Quới đoạn qua xã Hưng Phú là từ 1 đến 1,6%o. Trong ngày 26/3, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) cũng tiến hành đắp 24 con đập dọc theo tuyến kênh Cầu Sập - Ninh Quới để bảo vệ hơn 7.500 ha lúa Đông Xuân. Theo dự báo, từ nay đến khi mùa mưa bắt đầu sẽ còn từ 3 đến 4 đợt triều cường từ Biển Tây cho nên đắp các con đập này không chỉ bảo vệ cho hơn 20 ngàn ha lúa Đông Xuân còn lại của các huyện mà còn giữ cho vụ lúa Hè Thu sắp tới. Được biết, từ trước đến nay ở xã Hưng Phú chưa từng đắp đập để ngăn mặn ở đầu các trục kênh cấp 2, cấp 3 nối với kênh Cầu Sập - Ninh Quới. Chính vì vậy việc các con đập được đắp bất ngờ phần nào sẽ làm ảnh hưởng đến việc lưu thông bằng đường thủy của người dân ở đây. Người dân cũng lo ngại về vấn đề cung cấp nguồn nước ngọt cho hơn 20 ngàn ha lúa Đông Xuân còn lại ở các huyện. Lúa, tôm sẽ bị thiệt hại nặng Theo Ban chỉ đạo điều tiết nước tỉnh Bạc Liêu, mùa nắng năm 2009-2010 đến sớm hơn những năm trước khoảng 1 tháng, trong khi đó hơn 4 tháng qua lại không có mưa trái mùa cộng với nắng nóng đã làm cho mực nước trên các tuyến kênh nội đồng xuống rất thấp gây khó khăn cho bà con nông dân trong việc bơm nước vào đồng ruộng. Theo dự báo, có khoảng 12 ngàn ha lúa có khả năng giảm năng suất từ 30 đến 70%, khoảng 7.200 ha tôm bị thiệt hại từ 20 đến 40%. Hiện tại còn hơn 27 ngàn ha lúa Đông Xuân trên đồng. Dự kiến đến ngày 5/4 bà con nông dân thu hoạch còn 24 ngàn ha, đến ngày 15/4 còn 12 ngàn ha và đến cuối tháng tư mới thu hoạch dứt điểm trà lúa này. Từ nay đến cuối vụ, bà con nông dân còn bơm từ 2 đến 3 đợt nữa; trong khi đó mực nước ở các tuyến kênh đang rất thấp. Khó khăn hiện nay là vào ngày 25/4 tới đây sẽ có một đợt triều cường từ Biển Tây tràn vào nên không thể mở một số cống lớn dọc Quốc lộ 1A ở huyện Giá Rai đề cung cấp cho vùng nuôi trồng thủy sản. Nhiều thành viên trong Ban chỉ đạo điều tiết nước tỉnh có ý kiến rằng, không cho nước mặn theo kênh Quảng lộ Phụng Hiệp lên đến kênh Nàng Rền của huyện Ngã Năm, bởi đây là kênh đầu nguồn quan trọng cung cấp nước ngọt cho vùng sản xuất lúa ổn định của tỉnh Bạc Liêu. Muốn vậy phải điều tiết nước cho vùng nuôi trồng thủy sản thật hợp lý, bởi hiện nay người nuôi tôm ở huyện Giá Rai và một phần huyện Phước Long cũng đang cần nước để bơm lên ruộng. Trước mắt một số thành viên Ban chỉ đạo nhất trí cho mở cống Láng Trâm và Hộ Phòng 2 chiều và không mở cống Giá Rai. Nhưng việc mở cống chỉ thực hiện vào con nước kém. Qua đợt xâm nhập mặn và hạn hán vừa qua hệ thống thủy lợi của tỉnh Bạc Liêu được đánh giá còn nhiều hạn chế, các tuyến kênh cấp 2, cấp 3, cấp 3 vượt cấp và cả kênh nội đồng đều rất cạn nên khả năng trữ nước ít. Sắp tới tỉnh Bạc Liêu sẽ triển khai một số dự án công trình thủy lợi quan trọng để đảm bảo phần nào nguồn nước phục vụ cho sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản. Trung Liêu

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/xahoi/201003/Khan-cap-dap-dap-ngan-man-cuu-lua-900888/