Khan người hiến máu dịp Tết: Đến hẹn lại… lo

GD&TĐ - Theo lãnh đạo Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu máu điều trị lại tăng cao, song lượng người hiến máu tình nguyện lại giảm do đây là thời gian nghỉ dài.

Mong lắm nguồn máu tình nguyện

Theo thống kê của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, năm 2016 cả nước tiếp nhận được 1,2 triệu đơn vị máu từ nguồn hiến máu tình nguyện, đạt tỷ lệ khoảng 1,3% dân số. Trong khi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), muốn đảm bảo an toàn nguồn máu điều trị thì mỗi quốc gia phải đạt tỷ lệ dân số tham gia hiến máu tối thiểu là 2% trở lên.

Như vậy Việt Nam còn thiếu khoảng 600.000 đơn vị máu/năm. Đa phần người hiến máu chủ yếu vẫn chỉ là sinh viên nên vào thời điểm Tết Nguyên đán, nghỉ lễ, dịp hè, nguy cơ xảy ra khan hiếm máu ở các cơ sở điều trị thường rất cao. Vì vậy, về lâu dài, cần mở rộng thêm đối tượng tham gia để cân đối và hiệu quả hơn.

Đang điều trị bệnh tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, chị Nguyễn Thị Hòa, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc cho biết, tháng nào chị cũng phải đưa con xuống Viện Huyết học và Truyến máu Trung ương hai lần để truyền máu và thải sắt, song với những dịp Tết, lượng máu luôn khan hiếm nên có lúc con phải chờ đợi Viện huy động từ các nguồn khác chuyển về. “Nỗi sợ không có máu hiến với con chúng tôi rất khủng khiếp, do vậy tôi luôn mong mỏi nguồn máu dự trữ dồi dào để bệnh nhân như con tôi bớt nỗi bất an”, chị Hòa tâm sự.

Nói về tình trạng khan hiếm máu dịp Tết, ông Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết thiếu máu trong điều trị bệnh luôn là nỗi lo thấp thỏm của bệnh nhân và bác sĩ, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm, tình trạng khan hiếm máu càng diễn ra mạnh mẽ hơn.

Theo ông Phạm Tuấn Dương, tại thời điểm này, lượng máu đầu vào và đầu ra đã bắt đầu có sự chệnh lệch nhau rất lớn do không có người hiến máu. Trong khi đó nhu cầu máu của các bệnh viện, cơ sở y tế mỗi ngày một tăng trong dịp cận Tết. Do đó, nguy cơ thiếu máu điều trị trong dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ rất trầm trọng. “Dự kiến, tình trạng máu cung cấp cho bệnh nhân Tết Nguyên đán năm nay sẽ rất khó khăn, và tình trạng khan hiếm máu sẽ diễn ra trên diện rộng trong cả nước”, ông Dương lo lắng

Nên bắt buộc hiến máu?

Để khắc phục tình trạng khan hiếm máu, nhiều giải pháp đã được Sở Y tế thực hiện như cuộc vận động người dân hiến máu tình nguyện hướng tới giá trị nhân đạo sâu sắc với mục đích cung cấp những đơn vị máu quý giá để đáp ứng kịp thời tình trạng khan hiếm máu dịp cận Tết. Gần đây nhất là thông tin Bộ Y tế đề xuất người dân từ 18 tuổi trở lên phải thực hiện hiến máu tình nguyện. Đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Theo đại diện Bộ Y tế hai phương án về hiến máu mà Bộ Y tế trình bày trong báo cáo tác động chính sách với Dự án Luật máu và tế bào gốc Bộ Y tế gửi Bộ Tư pháp, một là bắt buộc hiến máu, một là duy trì hiến máu tình nguyện như hiện nay, Bộ Y tế vẫn nghiêng về phương án hiến máu tình nguyện chứ không có chủ trương bắt buộc hiến máu.

Giải thích rõ hơn về điều này, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, nếu quy định “hiến máu là nghĩa vụ của công dân” thì sẽ có nguồn máu đầy đủ, ổn định nhưng nếu thực hiện chính sách này thì hằng năm, Việt Nam sẽ tiêu tốn khoảng 4.180 tỷ đồng.

Trong đó, tiền do Quỹ BHYT tăng chi là 400 tỉ đồng, chủ lao động phải bỏ ra khoảng 3.200 tỉ đồng chi trả lương khi người lao động nghỉ việc đi hiến máu, người lao động cũng phải bỏ ra trên 580 tỉ đồng cho việc đi lại để hiến máu. Còn nếu coi việc hiến máu là tự nguyện và trong điều kiện lý tưởng là có 18,2 triệu người hiến máu tình nguyện trong một năm, số tiền sẽ giảm một nửa (khoảng 2.000 tỉ đồng).

Tuy nhiên theo ý kiến của một lãnh đạo bệnh viện tại TPHCM, ở các nước trên thế giới, vấn đề hiến máu đã đưa vào luật, được xem là nghĩa vụ của công dân đóng góp đối với sự phồn vinh đất nước. Đây là xu hướng tiến bộ của thế giới, không phải riêng gì nguồn máu, hồng cầu... mà ngay cả nguồn tạng, phục vụ công tác cứu người, chiến lược ổn định quốc gia. Tuy vậy, tùy thuộc điều kiện, tình trạng sức khỏe... mà mỗi công dân có thể không tham gia thực hiện.

Cũng theo vị này thời gian tới ngành Y tế cần có kế hoạch vĩ mô dài hơi, xây dựng cho được những kho dự trữ nguồn máu cấp quốc gia đủ năng lực trữ máu với cả số lượng và chất lượng dài lâu. Ở nước ngoài hiện nay đã xây dựng cả hệ thống trữ máu đông lạnh, có thể giữ được nguồn máu lớn trong thời gian lâu nhất có thể. Việc chuẩn bị lưu trữ một nguồn máu lớn là rất cần thiết vì ngoài phục vụ dân sinh, y học thì còn phải dự phòng phục vụ cho công tác cấp cứu, thảm họa lớn quốc gia.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/khan-nguoi-hien-mau-dip-tet-den-hen-lai-lo-2828034-l.html