Khẩn trương khắc phục sạt lở bờ sông Vàm Nao (An Giang)

Ngày 24-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có ý kiến chỉ đạo về việc khắc phục sạt lở bờ sông Vàm Nao thuộc khu vực ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Theo đó, yêu cầu UBND tỉnh An Giang tiếp tục tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng cảnh báo, hạn chế người, phương tiện qua lại khu vực sạt lở; tổ chức quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, chủ động di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, không để người dân thiếu đói, khó khăn; có phương án hỗ trợ tái định cư đối với các hộ dân đã bị mất nhà cửa hoặc phải di dời, bảo đảm ổn định đời sống. Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, UBND tỉnh An Giang và các cơ quan có liên quan khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân, đề ra các giải pháp thực hiện khắc phục sạt lở, bảo đảm an toàn và sớm ổn định đời sống nhân dân trong khu vực, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.

* Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, trong hai ngày 22 và 23-4, trên địa bàn các xã Sông Lũy, Sông Bình (huyện Bắc Bình), Đức Phú, Nghị Đức (huyện Tánh Linh), Mê Pu (huyện Đức Linh) và Đông Giang (huyện Hàm Thuận Bắc) có mưa to kèm theo lốc xoáy cục bộ, gió giật mạnh với cường độ lớn đã làm 115 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái, làm ngã đổ hàng chục cây cao-su đang cho thu hoạch và cây điều của nhân dân trong khu vực. Trước thiệt hại do thiên tai, UBND các huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp UBND các xã bị thiệt hại tiến hành kiểm tra, thống kê cụ thể mức độ thiệt hại để xem xét, hỗ trợ hộ dân có nhà bị hư hỏng do thiên tai.

* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đác Lắc cho biết, liên tục trong các buổi chiều và tối từ ngày 22 đến 24-4, một số nơi trên địa bàn tỉnh như huyện Krông Bông, Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp, đã có mưa nặng hạt kéo dài từ hai đến ba giờ đồng hồ. Mưa lớn đã giảm nguy cơ cháy rừng, tăng thêm nước tưới cho cà-phê, hồ tiêu và bổ sung một lượng nước dự trữ đáng kể cho các hồ, đập trên địa bàn.

* Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 40.300 ha cây trồng bị thiệt hại từ 30 đến 100% do mưa trái mùa. Trong đó, hai huyện Định Quán và Tân Phú chịu ảnh hưởng nặng nhất là 20 nghìn ha điều và 5.000 ha xoài bị giảm năng suất hơn 70%.

* Theo tin từ Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện ở các tỉnh, thành phố phía bắc, thời tiết thuận lợi để bệnh tiếp tục phát sinh gây hại tăng trên các trà lúa giai đoạn trỗ phơi màu, hại nặng trên những chân ruộng nhiễm đạo ôn lá nặng. Bệnh đạo ôn hại lá có xu hướng giảm. Rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh tăng trên các trà lúa giai đoạn trỗ đến chín sữa, tập trung chủ yếu tại một số tỉnh bắc Trung Bộ, hại nặng tại các chân ruộng úng nước, gây cháy nếu không chủ động phòng trừ kịp thời. Đối với các địa phương phía nam chưa xuống giống lúa hè thu 2017 (còn khoảng một triệu ha): Dựa vào theo dõi bẫy đèn ở địa phương; tình hình thủy văn để xác định thời điểm gieo sạ tập trung “né rầy” cho đợt cuối tháng 4-2017.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/32701102-khan-truong-khac-phuc-sat-lo-bo-song-vam-nao-an-giang.html