Khẩn trương ứng cứu người dân vùng lũ

Trong hai ngày 17 và 18-12, trong lúc mưa lũ còn diễn biến hết sức phức tạp, gây ngập lụt, sạt lở ở nhiều nơi, các lực lượng ứng cứu đã tiếp cận ứng cứu đồng bào.

Bộ đội ra sức giúp dân

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp trên địa bàn các tỉnh miền Trung những ngày qua, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã thành lập 2 sở chỉ huy tiền phương tại vùng trọng điểm lũ. Sở chỉ huy khu vực Bắc Quân khu (đóng tại Quảng Nam) do Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu chỉ huy, chỉ đạo công tác ứng cứu thiên tai từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi; Sở chỉ huy Nam Quân khu (đóng tại Bình Định) do Thiếu tướng Đoàn Kiểu, Phó Tư lệnh Quân khu chỉ huy, chỉ đạo hoạt động cứu hộ, khắc phục mưa lũ từ Bình Định đến Khánh Hòa.

Tại Bình Định, mưa lớn liên tục, kéo dài, lũ rút chậm, khiến nhà cửa, hoa màu của nhân dân ngập sâu trong nước. Bộ CHQS tỉnh Bình Định đã huy động 1.041 cán bộ, chiến sĩ chia thành 5 hướng, triển khai ngay các phương án sơ tán người và tài sản của nhân dân. Lữ đoàn Pháo binh 572 cử 150 cán bộ, chiến sĩ cùng 6 xuồng, ca nô, 8 xe tải đến các địa phương trong tỉnh khẩn trương di dời người dân ra khỏi vùng bị lũ cô lập. Thực hiện mệnh lệnh của Tư lệnh Quân khu 5, Lữ đoàn Phòng không 573 đã tạm dừng huấn luyện, công tác, huy động 110 quân nhân và 3 ca nô, 2 xuồng nhôm, 5 xuồng composit chia thành 2 hướng là P. Bình Định và P. Nhơn Hòa, TX An Nhơn, tỉnh Bình Định để tham gia di dời 300 hộ/700 nhân khẩu, chủ yếu là người già và trẻ em.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Phòng không 573 di dời người dân P. Bình Định, thị xã An Nhơn,
tỉnh Bình Định đến nơi an toàn. Ảnh: Lê An

Tại Quảng Ngãi, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị dừng huấn luyện, học tập, tập trung sử dụng lực lượng, phương tiện ứng cứu lũ lụt. Tại TP Đà Nẵng, Bộ CHQS đã tổ chức lực lượng di dời 33 hộ/165 nhân khẩu vùng ngập nước khu vực P. Hòa Quý và Hòa Xuân. Tại Khánh Hòa, LLVT di dời 36 hộ/180 nhân khẩu và tài sản của nhân dân ra khỏi vùng ngập lụt. Tỉnh Phú Yên, cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân huyện Tuy An nạo vét kênh mương, khai thông cống rãnh, quét dọn trụ sở UBND, trạm y tế, dọn 3 nhà dân sau mưa lũ...

Theo Trung tá Huỳnh Ngọc Thái- Phó trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn Quân khu 5, chỉ riêng trong 2 ngày 15 và 16-12, LLVT Quân khu 5 đã huy động 3.096 đồng chí (806 bộ đội, 2.290 dân quân) với 50 xuồng, ca nô, 49 xe ô-tô các loại khẩn trương ứng cứu, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Những việc làm kịp thời, có hiệu quả của cán bộ, chiến sĩ đã tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp “Vì nhân dân quên mình” của Bộ đội cụ Hồ trong lòng nhân dân.

LLVT tỉnh Quảng Ngãi ứng cứu nhân dân ở thị trấn Sông Vệ, H. Tư Nghĩa. Ảnh: Thành Hân

Chiều 17-12, 12 tấn lương khô do Bộ Quốc phòng cấp cho các địa phương đang bị ngập lụt nặng của 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã về đến sân bay Đà Nẵng. Cục Hậu cần Quân khu 5 tổ chức lực lượng gồm 4 xe tải tiếp nhận hàng tại sân bay và hành quân ngay trong đêm mang lương khô đến 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Giữa lúc ngặt nghèo, món quà thắm đượm nghĩa tình quân dân của bộ đội đã giúp bà con vùng bị thiên tai vơi bớt nhọc nhằn, sớm ổn định cuộc sống. Bà Hồ Thị Núp, thôn 6, xã Đức Nhuận, H. Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi xúc động bày tỏ: “Mấy ngày qua nhà tôi nước dâng rất cao, có thời điểm đến trên thắt lưng. Bây giờ thì nước đã rút nhưng trong nhà ngoài ngõ ngập bùn, nấu ăn rất khó khăn. May có món quà của bộ đội, cám ơn các anh nhiều lắm. Đúng là “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Cứu đói cho người dân

2 ngày nay, hàng ngàn hộ dân vùng lũ của tỉnh Quảng Ngãi lại phải gồng mình chống chọi với lũ dữ. Đến ngày 18-12, nước lũ vẫn đang phong tỏa. Dân vùng lũ Quảng Ngãi thiếu thốn cả lương thực và nước uống. Trong cơn khốn khó đó, lực lượng xung kích của các địa phương vùng lũ trong tỉnh Quảng Ngãi đã tìm đủ cách để tiếp cận người dân bị cô lập, tiếp tế mì tôm, nước uống giúp họ tạm vượt qua thời điểm khó khăn này. Ghe vận chuyển mì tôm, nước uống được lực lượng xung kích tức tốc đưa vào vùng cô lập tiếp tế cho dân. Trong ngày 18-12, hàng trăm thùng mì tôm, nước uống đã được các địa phương vùng lũ của tỉnh Quảng Ngãi cứu trợ cho dân. Công tác cứu trợ vẫn đang được tiến hành khẩn trương. “Hiện nay huyện đã chỉ đạo lực lượng tập trung xuống hết các xã bị chia cắt, các hộ dân bị ngập nước và các đồng chí đứng cánh ở các xã thì đi về các xã. Công tác tiếp tế thì chủ yếu là mì tôm và nước ngọt để hỗ trợ người dân vùng bị chia cắt có cái ăn tạm thời trong một hai ngày trước mắt”, ông Đỗ Ngọc Tây – Chánh văn phòng UBND H. Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định như vậy. Hiện nay vẫn còn nhiều khu vực do nước lũ chảy xiết nên lực lượng hỗ trợ dân vùng lũ của tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa thể tiếp cận tiếp tế lương thực, nước uống cho người dân. Việc tiếp tế sẽ tiếp tục được H. Tư Nghĩa triển khai trong ngày 19-12, quyết tâm không để hộ dân nào bị đói, bị khát trong lũ.

Hơn 10.000 thùng mì tôm ăn liền đã được các lực lượng tiếp tế cho người dân
vùng bị ngập trong lũ.

Trung Thành

Quảng Nam: Ít nhất 8 người chết do mưa lũ

Sáng 18-12, lực lượng tìm kiếm và người dân phát hiện thi thể nạn nhân Dương Hiển Nhân (1992, trú xã Điện Phong, TX Điện Bàn, Quảng Nam) trên một cánh đồng ở xã Điện Trung (TX Điện Bàn). Trước đó, ngày 16-12, anh Dương Hiển Nhân lên nhà người quen ở xã Điện Trung. Thời điểm này nước lũ đang ngập sâu và chảy xiết. Sau đó gia đình không thấy anh Nhân trở về nên tổ chức tìm kiếm. Cũng tại TX Điện Bàn, trưa 17-12, thi thể anh Đỗ Hoàng Vũ (25 tuổi, trú P. Điện An) được tìm thấy. Trước đó sáng 16-12, vợ anh Hà Phước Hưng (bạn Vũ) chuyển dạ nên gọi điện thoại nhờ Vũ chèo ghe qua nhà đưa vợ chồng Hưng xuống đường lộ để đi viện. Đến tối cùng ngày, vợ anh Hưng sinh xong thì Hưng gọi Vũ nhờ chèo ghe đưa mình về nhà lấy thêm một số đồ đạc. Trên ghe lúc này còn có hai người bạn khác là Tuấn và Toàn, khi ghe đi được 500 mét thì bỗng dưng chao lắc mạnh rồi ngập nước. Do Tuấn không biết bơi nên Vũ đã nhường chiếc áo phao duy nhất cho Tuấn. Sau đó Tuấn bị trôi ra xa nhưng có áo phao nên cứu được, còn Vũ thì bị trôi mất tích...

Khánh Ly cùng nhiều nghệ sỹ ủng hộ đồng bào vùng lũ

Vào lúc 19 giờ 30 ngày 19-12-2016, Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Hội An (Quảng Nam) tổ chức đêm ca nhạc từ thiện với tên gọi "Như cánh vạc bay". Chương trình có sự góp mặt của danh ca Khánh Ly cùng với các ca sĩ Quang Dũng, Kiều Lệ, Tương Phùng..., được tổ chức tại Nhà hát Hội An, với sự tài trợ của Cty Inox Sài Gòn, Cty quản lý khách sạn Đông Dương, Hội An Express, khách sạn Grand Eastearn Sài Gòn và đoàn bay 919- Vietnam Airlines. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Hội An, đêm nhạc này có ý nghĩa như một nhịp cầu nhân ái, nhằm gây quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo và cứu trợ đồng bào bị thiệt hại trong trận lũ lụt vừa qua.

Phương Dung

Nhằm chung tay chia sẻ những khó khăn với người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, chiều 18-12, Văn phòng đại diện Báo Công an TP Đà Nẵng tại Quảng Nam phối hợp với nhà thơ Nguyễn Anh Chiêu (TP Hồ Chí Minh) cùng nhóm Thiện nguyện Đà Nẵng chung một tấm lòng tổ chức trao 1.000 ký gạo, 100 thùng mì tôm cho 100 hộ dân xã Điện Phong (TX Điện Bàn)- một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề do 2 trận lũ lụt vừa qua. Tại buổi hỗ trợ, ông Dương Hiển Công - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phong cho biết, 2 đợt mưa lũ vừa qua khiến hơn 200ha rau màu các loại bị hư hỏng hoàn toàn, 351m kênh mương thủy lợi bị xói lở, một người chết do bị lũ cuốn trôi. Thông qua buổi hỗ trợ, đại diện lãnh đạo xã Điện Phong đã gửi lời cảm ơn đến đại diện Báo cũng như các cá nhân, tổ chức đã có những hành động thiết thực chung tay giúp người dân khắc phục hậu quả do các đợt mưa lũ vừa qua gây nên.

Đến ngày 18-12, nước lũ ở các vùng bị ngập đã rút, hậu quả của đợt mưa lũ đang được người dân khắc phục. Đợt mưa lũ ở Quảng Nam đã khiến 8 người chết. Ngoài ra, đợt lũ đã làm 15.231 nhà ở hạ du bị ngập. Nước lũ khiến 531ha lúa hư hỏng, 3.77ha hoa màu thiệt hại. Mưa lũ cũng khiến 13 ngôi nhà ở các huyện miền núi Quảng Nam sạt lở, sập. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường miền núi như đường mòn Hồ Chí Minh (qua địa phận H. Phước Sơn), QL40B qua địa phận hai huyện Nam và Bắc Trà My, QL14E qua địa phận H. Hiệp Đức và nhiều tuyến đường liên huyện khác bị sạt lở nặng. Hàng nghìn khối đất đá đổ xuống đường gây khó khăn cho việc đi lại. Đặc biệt, trưa 17-12, một quả đồi với hàng trăm khối đất đã đổ ập xuống đường Hồ Chí Minh (đoạn qua TT Thạnh Mỹ, H. Phước Sơn) gây ách tắc. Vụ sạt lở trên đã khiến một cơ sở kinh doanh bị ngã đổ, rất may không ảnh hưởng đến người.

Sạt lở ở các huyện miền núi Quảng Nam gây khó khăn cho việc đi lại. Ảnh: Trần Tân

P.V Báo Công an TP Đà Nẵng cùng đại diện các nhà hảo tâm tặng quà
cho các hộ dân chiều 18-12.

Người dân không nên chủ quan

Đến ngày 18-12, nước lũ ở một số vùng trên địa bàn TT-Huế đã hạ dần. Ngay sau khi nước lũ trên các tuyến tỉnh lộ rút dần, chính quyền địa phương đã huy động người dân, lực lượng ĐVTN dọn bùn đảm bảo giao thông đi lại. Tính đến chiều cùng ngày, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 1.000 hộ dân bị ngập, tập trung ở các xã: Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành (H.Quảng Điền) và một số nơi ở TX Hương Trà. Riêng, tuyến đường duy nhất đi cầu ngói Thanh Toàn về xã Thủy Thanh (TX Hương Thủy) vẫn còn cô lập. Người dân ở trong vùng đi làm, đi học, bán buôn ngoài xã đều phải di chuyển bằng thuyền.

Đường về cầu ngói Thanh Toàn sáng 18-12 vẫn còn ngập sâu trong lũ. Ảnh: Hải Lan

Ngày 18-12, gia đình đang lo hậu sự cho ông Nguyễn Long Bình (48 tuổi, trú P. Hương An, TX Hương Trà). Ngày 17-12, khi thấy nước lũ về, ông Bình đem lưới ra đánh bắt cá tại bàu Bồn Trì thuộc P.Hương An. Do trời mưa nên ông Bình sẩy chân dẫn đến đuối nước. Phát hiện sự việc, người dân đến cứu nhưng không kịp và sau đó, thi thể nạn nhân được tìm thấy cách đó không xa. Anh Nguyễn Văn Bình (22 tuổi, trú TT Phú Đa, H.Phú Vang) bị lật ghe trong lúc đi đánh cá cũng đã được người dân tìm thấy thi thể gần bờ. Như vậy, trong đợt lũ này, từ ngày 14 đến 17-12; trên địa bàn tỉnh có 4 người chết. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy PCLB & TKCN khuyến cáo người dân không nên chủ quan đi đánh bắt cá hoặc đi vớt củi, cây ở những nơi nước lũ chảy xiết. Phụ huynh nhắc nhở, không cho con em lội ra vùng ngập lụt để nghịch lũ. Hiện, lưu lượng các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục xả về hạ du.

Lũ rút, nông dân xã Hòa Phong nhọc nhằn vệ sinh từng luống rau. Ảnh: Vy Hậu

Mưa lũ nhiều ngày qua cũng khiến nhiều đoạn đường, cầu cống ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới bị hư hỏng. Cầu Khe Trai trên tuyến đường nối xã Đông Sơn với xã Hương Lâm (H.A Lưới) dẫn ra đường Hồ Chí Minh tiếp tục sạt lở mạnh tại phần mố cầu. Cũng trên tuyến đường này, cây cầu A Sáp tiếp tục bị nước lũ đe dọa. Trong trận lũ trước đó, nước sông dâng cao đã cuốn sập móng, gây ra sụt lún và gãy một nhịp cầu. Chính quyền xã Đông Sơn đã huy động bà con nhân dân làm cầu tạm bằng gỗ để lưu thông. Tuy nhiên, cây cầu tạm khá yếu và bề rộng hẹp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi đi lại trong đêm tối hoặc khi trời có mưa. Tuy nhiên, những tuyến này nằm trên đường độc đạo nên người dân không có lựa chọn nào khác mà vẫn phải đi lại trong nguy hiểm.

Nhóm PV-CTV

Cập nhật, ứng cứu nhân dân vùng lũ thông qua facebook

Trong đợt mưa lũ đang diễn ra, các cấp Đoàn và đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đã làm rất tốt công tác thông tin, tuyên truyền trên trang mạng xã hội facebook. Từ việc cập nhật tình hình thời tiết, đến việc thông báo các đợt xả lũ. Chính điều này đã giúp bà con nhân dân có sự chủ động trong ứng phó, nhất là an tâm hơn mỗi khi có đợt xả lũ. Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc Mai Anh Sơn nói: “Tôi cập nhật hàng giờ các thông báo xả lũ và yêu cầu các cơ sở Đoàn nắm bắt nhanh tình hình để thông tin đến bà con. Vì hiện nay mạng xã hội đã được dùng phổ biến đến hầu hết ĐVTN. Chỉ cần các bạn bỏ ra vài phút là nắm bắt ngay và đầy đủ được tình hình mưa lũ”. Anh Sơn nói thêm, ở những nơi rốn lũ như Đại Cường, Đại Minh, các bạn ĐVTN cũng đã kịp thời, tận tình giúp bà con nhân dân, từ việc lo khuân đồ, của cải đến nơi cao ráo, dắt trâu bò lên gò cao tránh lũ, cho đến giúp người già, trẻ em chạy lũ.

Tại Nam Giang, mưa lũ gây sạt lở nghiêm trọng tại thị trấn Thạnh Mỹ, làm tắc đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn huyện, ĐVTN cùng các lực lượng chức năng đã tham gia khắc phục sự cố, đồng thời di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Tại Nông Sơn, ngay sau nước lũ rút, hàng trăm bạn trẻ đã đồng loạt xuống tận các thôn có nhiều nhà bị ngập để giúp bà con dọn dẹp nhà của, bùn đất, làm vệ sinh nước giếng, các đồ dùng sinh hoạt và ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường. Các bạn ĐVTN cũng đã tham gia giúp các trường học trên địa bàn dọn dẹp vệ sinh và nạo vét bùn đất trong các phòng học và ngoài sân trường, giúp các em học sinh có thể sớm đến trường.

Ngay trong sáng 18-12, các bạn trẻ Hội Từ thiện Từ Tâm TP Tam Kỳ đã trao tận tay 70 suất quà gồm mì tôm, nước mắm, bánh mì cho bà con nhân dân thôn Tân Phú, xã Tam Phú và khối phố Hương Trà Đông, P. Hòa Hương - hai địa bàn vẫn còn ngập trong nước.

Tuổi trẻ Quảng Nam trao quà tận tay giúp bà con vùng lũ tại Hòa Hương, TP Tam Kỳ.

Bạn Trần Vũ Minh Trang (đại diện Ban quản trị hội) cho biết chỉ qua hai ngày kêu gọi trên facebook, hội đã nhận được rất nhiều tấm lòng ủng hộ. Chủ quán trà sữa Bà Beo tài trợ chính với mì tôm và nước mắm, chị gái có nick name Dung Tran (chủ tiệm bánh mì Sông Thu) ủng hộ 50 bịch bánh mì sandwich và nhiều nhà hảo tâm xin giấu tên. Trong khi đó, anh Nguyễn Thành Giang (28 tuổi, hiện ở tổ 6, khối phố 2, P.Trường Xuân, TP Tam Kỳ) cũng thông qua facebook của mình đã kêu gọi được gần 50 triệu đồng để trao quà cho bà con trong vài ngày tới.

Thiên Ngân

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_159325_kha-n-truong-u-ng-cu-u-nguo-i-dan-vu-ng-lu-.aspx