Khẳng định vị thế trí tuệ và thương hiệu Việt

(NB&CL) - Trong bối cảnh thị trường viễn thông đang thay đổi, toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế đang diễn ra gay gắt, các doanh nghiệp viễn thông Việt phải sáng tạo vượt qua những thách thức khó khăn, để tăng tốc phát triển. Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là minh chứng sáng giá cho nỗ lực vươn lên trở thành Tập đoàn toàn cầu, khẳng định vị thế, trí tuệ và thương hiệu Việt Nam.

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội.

Cuộc chơi toàn cầu và khát vọng chiếm lĩnh

Bước chân vào thế giới của thương trường, “vạn sự khởi đầu nan” nhưng với những gì mà chặng đường 25 năm qua Viettel đã làm được, những trọng trách về quốc phòng – an ninh mà Viettel đang gánh vác, những khát vọng vươn ra biển lớn, có thể khẳng định vị thế, tầm vóc, trí tuệ của những người lính thời bình. Trong dịp Viettel đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mới đây, Đại tướng Phùng Quang Thanh- Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng- đã khẳng định: Từ kết quả sản xuất kinh doanh, Viettel vừa tạo ra tiềm lực kinh tế cho đất nước, đồng thời hoạt động của Viettel đã gắn liền với hoạt động an ninh quốc phòng và xã hội của đất nước. Các sản phẩm quân sự do Viettel chế tạo đã góp phần xây dựng Quân chủng Phòng không Không quân, Thông tin liên lạc, tác chiến điện tử tiến lên hiện đại, tăng cường khả năng phòng thủ đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay.

Trong khi nền kinh tế nước nhà gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản thì Viettel vẫn khẳng định được tầm vóc của người “anh cả” với những nỗ lực vượt bậc trong sản xuất kinh doanh và đứng đầu trong danh sách doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất năm 2013. Chiến lược kinh doanh đề cao sự sáng tạo, thậm chí mạo hiểm để từ yếu thành mạnh, từ nhỏ bé vươn lên thành to lớn chỉ trong một thời gian không dài chính là sức mạnh làm nên thành công của Tập đoàn Viễn thông Viettel. Nhắc đến Viettel là nhắc đến một doanh nghiệp tiên phong trong việc tìm hướng đi mới, mở thị trường nước ngoài với chiến lược “lấy ngoài nuôi trong”. Viettel đã không ngại ngần nêu cao khát vọng muốn trở thành một tập đoàn viễn thông tầm cỡ toàn cầu. Do vậy, tập đoàn đã đưa ra những triết lý phát triển khá thuyết phục, vạch ra những bước đi cụ thể trong từng giai đoạn. Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng- Tổng giám đốc Viettel- khẳng định: “Ở trong nước chúng tôi chỉ có 7 đối thủ về viễn thông, khi tham gia vào cuộc chơi toàn cầu, chúng tôi phải đương đầu với 10.000 đối thủ về viễn thông và công nghệ thông tin. Vì thế, Viettel luôn phải xuất sắc ở tất cả các quốc gia mà Viettel có mặt, xuất sắc ở tất cả những việc Viettel làm”.

Đến thời điểm hiện tại, có thể nói chiến lược đầu tư nước ngoài của Viettel đã có những thành công bước đầu và đây thực sự là hướng đi quan trọng làm nên một tập đoàn có tầm vóc. Những mạng di động được Viettel đầu tư như Metfone ở Campuchia, Unitel ở Lào đều hoạt động hiệu quả, được quốc tế đánh giá cao và đã trở thành mạng viễn thông lớn nhất tại quốc gia đó. Đặc biệt, mạng di động Movitel tại Mozambique cũng đã được cộng đồng Châu Phi đánh giá cao, trở thành Doanh nghiệp có giải pháp tốt nhất giúp cải thiện viễn thông khu vực nông thôn tại giải thưởng Africa Communication Award 2012. Viettel đã chính thức kinh doanh và cung cấp dịch vụ tại 4 thị trường Campuchia, Lào, Haiti và Mozambique. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel năm 2013 là khoảng 850 triệu USD, lợi nhuận là gần 150 triệu USD. Từ con số không, Viettel hiện nằm trong top 15 doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài lớn nhất.

Có một “kiến trúc sư trưởng” tại Viettel

Nhiều người trong ngành viễn thông trong nước cũng như quốc tế biết nhiều đến vị “thuyền trưởng” tài ba - Trung tướng Hoàng Anh Xuân, nguyên Tổng giám đốc Viettel, người chèo lái con thuyền Viettel suốt 25 năm qua từ khó khăn chồng chất cho đến thành công vang dội như ngày nay. Nhưng ít ai biết đến vị “kiến trúc sư trưởng” tại Viettel, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, tân Tổng giám đốc Viettel, người đã kiến tạo lên nhiều chiến lược kinh doanh sáng tạo và đầy táo bạo của Tập đoàn viễn thông này.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1962, tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử viễn thông ở Liên Xô (cũ), thạc sỹ viễn thông ở Australia, thạc sỹ quản trị kinh doanh ở Đại học Kinh tế Quốc dân. Người được giới truyền thông nhận định là “người đưa di động, Internet trở thành dịch vụ bình dân”. “Kiến trúc sư trưởng” của Viettel cũng là 1 trong 10 nhân vật ICT Việt Nam tiêu biểu với dấu ấn rõ nét nhất là kiến tạo và phát triển mạng di động 098 và các đầu số sau này, cùng với hướng đi phát triển kinh doanh táo bạo hiệu quả, phát huy trí tuệ bản địa khi vươn ra thị trường quốc tế. Hiện Viettel đã đầu tư ở 9 nước thuộc 3 châu lục, với tổng dân số 146 triệu người. Mục tiêu của Viettel là đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài để đến năm 2015 sẽ có thị trường lớn hơn trong nước với quy mô thị trường 400 - 500 triệu dân vào 2015 và sẽ đạt quy mô thị trường đạt 1 tỷ dân vào năm 2020. Xuyên suốt quá trình phát triển thần tốc và những định hướng tương lai đó có vai trò to lớn của ông Nguyễn Mạnh Hùng. Ông Hùng được các đối thủ nhìn nhận là người có tầm nhìn xa, có chiến lược tốt và có tài lãnh đạo.

Còn nhớ, năm 2004, với số vốn 10 triệu USD tiền lãi có được từ làm dịch vụ VOiP, Viettel đầu tư cho thông tin di động được khoảng 150 trạm BTS thì cạn tiền và cũng không thể vay ngân hàng. Trong một chuyến công tác Thái Lan, “kiến trúc sư trưởng” của mạng di động 098 đã gặp Tổng giám đốc của Tập đoàn Viễn thông AIS, bà Yingluck Shinawatra (hiện là Thủ tướng Tái Lan) chia sẻ về khó khăn tài chính khi đang muốn mở rộng đầu tư thông tin di động. Bà Yingluck ngay lúc đó đã đưa ra lời khuyên: Thế giới đang chuyển sang 3G, việc sản xuất thiết bị 2G đã khấu hao hết mà lại có hàng trăm công ty bán với rất ít người mua. Những nhà cung cấp giờ muốn đẩy đi không được nên nếu các anh đàm phán tốt có thể mua rẻ như cho, hoặc được trả chậm tới vài năm. Đó là cách để giải bài toán về vốn. Ngay sau đó, ông Hùng nghĩ ngay tới giải pháp mua trả chậm của một nhà cung cấp thiết bị và đề xuất với Tổng giám đốc Trần Anh Xuân phương án mua trả chậm với số trạm phát sóng lên tới 4.000 chiếc, con số chưa từng có trong lịch sử ngành viễn thông Việt Nam. Vào năm đó, người đề xuất ý tưởng mua trả chậm của một đối tác nước ngoài với số tiền hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ USD được cho là hoang đường. Tế nhưng, người được cho đã kiến tạo lên ý tưởng hoang đường ấy đã làm lên kỳ tích “tay không bắt giặc” chưa từng có trong lịch sử viễn thông Việt Nam cũng như thế giới. Quyết định “tay không bắt giặc” này cũng là nền tảng cho việc thực hiện chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị” mà Viettel thực hiện rất thành công sau này. Hiện Viettel có trên 50.000 trạm thu phát sóng, gần 180.000 km cáp quang, đã thực hiện quang hóa gần 100% số xã trong toàn quốc.

Sau 25 năm sát cánh bên thủ trưởng Hoàng Anh Xuân, cùng với tập thể CBCNV Viettel “kiến trúc sư trưởng” Nguyễn Mạnh Hùng đã và đang tiếp tục đưa Viettel vươn lên trở thành Tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam, đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài hiệu quả. Với tham vọng đến năm 2020 sẽ trở thành một trong 20 công ty viễn thông lớn nhất thế giới và là một trong 10 công ty đầu tư ra nước ngoài lớn nhất, Viettel luôn chủ động, tích cực và tham gia có hiệu quả vào nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, ngày càng khẳng định vị thế và uy tín của một doanh nghiệp Nhà nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế.

Hà Vân

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/tin-chi-tiet/128/47800/Khang-dinh-vi-the-tri-tue-va-thuong-hieu-Viet.html