Khánh Hòa: Điểm nhấn phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”

GD&TĐ - Phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” là phong trào thi đua dành cho nữ cán bộ, nhà giáo và người lao động (CBNGNLĐ) ngành Giáo dục và Đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động từ năm 1989.

Đây là một phong trào mang tính giới, tính ngành nghề sâu sắc và được cụ thể hóa từ phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” (“Hai giỏi”) do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động.

Qua 25 năm phát động tổ chức thực hiện với 4 lần tổng kết và 5 lần sơ kết, phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” đã được đông đảo nữ CBNGNLĐ trong ngành hưởng ứng tích cực, được lãnh đạo Đảng, chính quyền, công đoàn các cấp quan tâm chỉ đạo và là một nội dung hoạt động không thể thiếu trong hoạt động nữ công ở các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục. 25 năm qua, phong trào đã được triển khai sâu rộng, hiệu quả và có sức lan tỏa trong toàn ngành.

Phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” được Công đoàn ngành (CĐN) Giáo dục - Đào tạo Khánh Hòa triển khai tổ chức thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị, của ngành, lồng ghép với việc thực hiện phong trào “Hai tốt”, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo và xây dựng gia đình hạnh phúc” và các cuộc vận động lớn của ngành.

Trong công tác chỉ đạo, CĐN đã quán triệt tinh thần Nghị quyết 6b/NQ-BCH của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa X về công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước và Chỉ thị 03/CT-TLĐ về phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”…

Trên cơ sở đó, CĐN đã xây dựng kế hoạch hoạt động nữ công hàng năm với các chương trình, giải pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu đề ra. Ban Nữ công các cấp được kiện toàn từ CĐN đến các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục.

Tổng số nữ CBNGNLĐ toàn ngành hiện nay là 15.400/20.572 người (chiếm tỷ lệ 74,9%), trong đó Khối trực thuộc có 1904 nữ/3101 người (chiếm tỷ lệ 61,4%).

Phần lớn đội ngũ nữ CBNGNLĐ chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghiêm túc thực hiện các quy định của ngành, của đơn vị.

Đa số chị em có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm và nghị lực vượt khó để vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc.

Trong 5 năm qua, nữ CBNGNLĐ trong ngành đã nỗ lực phấn đấu thi đua dạy tốt, công tác tốt. Hầu hết chị em đều tâm huyết, tận tụy với nghề, hết lòng chăm lo, thương yêu học sinh, đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác.

Nhiều chị em đã tích cực tham gia công tác quản lý, nhiệt tình trong công tác đoàn thể, nhất là hoạt động công đoàn, góp phần xây dựng nhà trường, đơn vị ngày càng vững mạnh.

Nhiều chị em phấn đấu đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua liên tục nhiều năm. Trong 5 năm qua đã có hơn 2500 lượt nữ cán bộ, nhà giáo đạt Chiến sĩ thi đua các cấp, nhiều chị đã được tặng thưởng Huân chương Lao động, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục - đào tạo, trong 5 năm qua, nữ cán bộ, nhà giáo trong ngành đã không ngừng học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý giáo dục, tin học, ngoại ngữ…

Đến nay, việc chuẩn hóa của đội ngũ nữ cán bộ, nhà giáo trong ngành đạt: Mầm non: 100% (trên chuẩn 75%); Tiểu học: 99,9% (trên chuẩn 81,5%); THCS và THPT: 100% (THCS trên chuẩn: 53%, THPT trên chuẩn 8%); TCCN đạt chuẩn 100% (trên chuẩn 70%).

Trong chuyên môn, chị em đã chủ động tham gia đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và giảng dạy.

Ở các trường học, 85% đến 90% nữ cán bộ, nhà giáo biết sử dụng thành thạo công nghệ thông tin áp dụng vào công tác soạn - giảng, tìm kiếm thông tin phục vụ công tác của mình.

Công tác nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm và đề tài NCKHSPUD được chị em hưởng ứng tham gia tích cực. Trong 5 năm đã có 4700 đề tài, SKKN của chị em được các cấp công nhận và ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy, công tác với giá trị làm lợi ước tính gần 1 tỷ đồng.

Trong các nhà trường, công đoàn đã phối hợp với chính quyền duy trì và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Hai tốt”. Phong trào phấn đấu trở thành giáo viên giỏi, CSTĐ các cấp được nữ cán bộ, nhà giáo hưởng ứng tích cực. Hàng năm, 100% các trường đều tổ chức Hội giảng, thao giảng.

Trong 5 năm qua, hàng ngàn lượt nữ nhà giáo đã tham gia thao giảng, dự giờ, tham gia thi giáo viên dạy giỏi các cấp, thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, tổng phụ trách giỏi và nhiều chị đã đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Hàng năm có hàng trăm lượt chị tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp đạt kết quả cao. Ngoài việc tham gia hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, chị em còn có ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và phấn đấu tốt để được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Trong 5 năm, các đơn vị đã giới thiệu được 1.300 nữ cán bộ, nhà giáo cho Đảng bồi dưỡng xem xét kết nạp, trong đó kết nạp được 1.125 chị, nâng tổng số nữ đảng viên lên 3744 người (chiếm tỷ lệ 71,4% số đảng viên trong toàn ngành).

Không chỉ động viên nữ CBNGNLĐ thực hiện tốt công tác chuyên môn, BCH Công đoàn và Ban Nữ công các cấp đã vận động chị em tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ giáo dục ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Trong 5 năm qua, CĐN đã vận động chị em tham gia xây dựng các loại quỹ như: quỹ Hỗ trợ khó khăn với số tiền hơn 1 tỷ đồng, quỹ "Mái ấm Công đoàn” gần 850 triệu đồng, quỹ “Bảo trợ trẻ em” hơn 700 triệu đồng.

Ngoài ra, chị em còn đóng góp ủng hộ Quỹ “Vì Trường Sa”, chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” với số tiền gần 800 triệu đồng; Quỹ “Mái ấm tình thương cho phụ nữ và trẻ em nghèo” với số tiền gần 200 triệu đồng.

Nhiều tập thể nữ còn chủ động xây dựng tại đơn vị các quỹ như: quỹ tương trợ, quỹ chung tay góp vốn, quỹ tiết kiệm… để hỗ trợ chị em khi gặp khó khăn hoặc giúp nhau làm kinh tế, mua sắm trang thiết bị trong gia đình.

Trong 5 năm qua đã có hơn 3500 lượt nữ CBNGNLĐ được Công đoàn giáo dục các cấp hỗ trợ khó khăn hoặc hỗ trợ vay vốn làm kinh tế phụ gia đình.

Phong trào "Trường giúp trường, ngành giúp ngành" trong nhiều năm qua đã trở thành việc làm thường xuyên của Công đoàn và Ban Nữ công các trường học.

Nhiều hiện vật như ti vi, đầu máy, máy vi tính, máy in, sách vở, truyện, sách tham khảo, quần áo, đồ dùng học sinh, dụng cụ đồ chơi trẻ em, gạo…do nữ CBNGNLĐ trong ngành đóng góp cũng như nhận từ các nguồn hỗ trợ khác đã được chuyển đến giúp đỡ các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong tỉnh với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Phong trào "Giỏi việc trường, đảm việc nhà" không chỉ khơi dậy tiềm năng to lớn của chị em trong các lĩnh vực công tác và hoạt động xã hội mà còn khẳng định vai trò quyết định của phụ nữ trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, chị em còn gánh vác một nhiệm vụ thiêng liêng nữa đó là thiên chức làm vợ, làm mẹ, làm dâu trong gia đình.

Các chị không chỉ “Giỏi việc trường” mà còn rất “Đảm việc nhà”: từ việc nuôi dạy con cái khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi, đến xây dựng tổ ấm hạnh phúc; chăm lo, quán xuyến phát triển kinh tế gia đình ngày càng ổn định, bền vững.

Chị em không chỉ thể hiện tài năng trong việc tổ chức, sắp xếp cuộc sống gia đình mà bằng tình yêu thương, sự chân thành, dịu dàng, khéo léo của mình, các chị đã cảm hóa được các thành viên trong gia đình chia sẻ và giúp đỡ để mình yên tâm lo việc trường, nhiều chị đã vận động được cả chồng con hỗ trợ làm đồ dùng dạy học, chuẩn bị phương tiện cho mỗi kỳ hội giảng.

Mặc dù bận rộn việc trường, vất vả việc nhà nhưng các chị đều dành thời gian quan tâm, chăm sóc, giáo dục, dạy bảo con cái. Đa số các cháu con nữ cán bộ, nhà giáo đều chăm ngoan, hiếu thảo, học khá, giỏi.

Đặc biệt những chị có chồng là bộ đội đóng quân xa nhà hoặc đang công tác ở đảo Trường Sa, con còn nhỏ nhưng các chị đã vượt lên khó khăn, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trường, vừa chăm sóc nuôi dạy con, quán xuyến công việc gia đình để chồng yên tâm công tác.

Như vậy, ngoài nhiệm vụ đối với xã hội, chị em phụ nữ còn phải làm tròn thiên chức làm mẹ, làm vợ, làm dâu trong gia đình. Xác định việc xây dựng gia đình hòa thuận, nuôi con khỏe, dạy con ngoan là những yếu tố cần thiết để đảm bảo hạnh phúc gia đình, BCH Công đoàn, Ban Nữ công các cấp đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, hái hoa dân chủ…giúp chị em trang bị thêm kiến thức và học tập, trao đổi lẫn nhau trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc, nuôi dạy con cái và chăm sóc chính bản thân mình.

Ngoài ra, hàng năm, các CĐCS tổ chức các hội thi về nữ công gia chánh như thi nấu ăn, thi cắm hoa, tỉa củ quả… giúp chị em có thêm kinh nghiệm tổ chức cuộc sống gia đình.

Trong 5 năm qua, hầu hết nữ CBNGNLĐ trong ngành đều gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền vận động gia đình thực hiện Pháp lệnh Dân số-KHHGĐ, xây dựng gia đình nhà giáo văn hóa. Các chị đã vận động gia đình thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các quy định của địa phương, xây dựng mối đoàn kết thân ái với bà con lối xóm.

Hàng năm, trong toàn ngành có từ 95% đến 100% gia đình nữ cán bộ, nhà giáo đạt “Gia đình văn hóa”, 80% đến 90% gia đình nữ cán bộ, nhà giáo có đời sống ổn định, 99,99% gia đình thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, không sinh con thứ 3 và cam kết gia đình không có bạo lực và tệ nạn xã hội.

Phong trào "Giỏi việc trường, đảm việc nhà” trong 5 năm qua của đội ngũ nữ CBNGNLĐ ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi và tự hào. Hàng năm có trên 95% nữ CBNGNLĐ đạt danh hiệu “Hai giỏi”.

Phong trào "Giỏi việc trường, đảm việc nhà” đã tác động trực tiếp đến đội ngũ nữ CBNGNLĐ, giúp chị em xác định đúng vai trò, vị trí của mình trong sự nghiệp giáo dục, trong xã hội và gia đình.

Từ đó, mỗi chị em có kế hoạch phấn đấu vươn lên để đạt được mục tiêu và nội dung của phong trào, làm cho phong trào ngày càng có sức lan tỏa và đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/ket-noi/khanh-hoa-diem-nhan-phong-trao-thi-dua-gioi-viec-truong-dam-viec-nha-2047570-c.html