Khánh Hòa: Lưu ý phân môn chính tả dạy theo mô hình VNEN

Trong văn bản số 2219/SGDĐT-GDTH của Sở GD&ĐT Khánh Hòa hướng dẫn bổ sung về chuyên môn trong mô hình Trường học mới cấp tiểu học có lưu ý cụ thể về phân môn chính tả.

Cụ thể, với phân môn này, Sở GD&ĐT lưu ý thực hiện theo quy trình như phương pháp dạy phân môn Chính tả hiện hành.

Khi thực hiện quy trình Chính tả nghe - viết, giáo viên cần lưu ý thêm một số nội dung sau:

Giáo viên đọc toàn bài chính tả vả nêu câu hỏi để học sinh nắm nội dung chính của bài viêt. Câu hỏi phải mang tính tổng hợp, khái quát được nội dung chính của bài chính tả (Bài này nói về điều gì? hoặc: Em hãy nêu nội dung chính của bài?...). Giáo viên không đưa ra câu hỏi mang tính tiểu tiết, dài dòng, không khái quát được nội dung chính của bài.

Giáo viên lưu ý hoặc cho học sinh nhắc lại (nếu học sinh đã học), nhận xét những hiện tượng chính tả trong bài.

Tìm hiểu từ khó viết: Học sinh làm việc trong nhóm, nhóm trưởng điều khiển cho các bạn thảo luận, tìm các từ khó viết trong bài.

Giáo viên tổ chức cho các nhóm báo cáo kết quả và ghi lên bảng các từ khó mà học sinh nêu ra. Giáo viên hướng dẫn học sinh (không làm thay cho học sinh) phân tích, ghi nhớ những điểm khó của các từ được nêu: khó nhớ, dễ viết sai ở tiếng nào, bộ phận nào của tiếng? (âm, vần hay dấu thanh). Đồng thời giáo viên hướng dẫn học sinh hiểu nghĩa của từ trong ngữ cảnh để nhớ cách viết từ cho đúng.

Giáo viên cho học sinh đọc đúng các từ khó viết.

Luyện viết từ khó: Giáo viên xóa từ khó đã ghi lên bảng và đọc lại các từ khó cho học sinh viết. Học sinh luyện viết từ khó vào bảng con hoặc vào vở nháp. Giáo viên giúp học sinh kiểm tra và sửa lỗi viết các từ khó.

Giáo viên cần kiểm soát việc luyện viết từ khó và hướng dẫn học sinh sửa lồi viết sai kịp thời để tránh những sai sót trong quá trình viết chính tả.

Giáo viên đọc bài cho học sinh viết chính tả:Trước khi đọc bài cho học sinh viết, giáo viên nhắc lại những hiện tượng chính tả, cách trình bày bài viết và tư thế ngồi đúng cho học sinh khi viết.

Giáo viên đọc cho học sinh viết: đối với câu ngắn, giáo viên đọc cả câu cho học sinh viết; đối với câu dài, giáo viên đọc hết cả câu cho học sinh nghe một lần, sau đó đọc từng cụm từ để học sinh viết cho đến hết câu.

Tùy theo trình độ của học sinh mà mỗi câu ngắn hoặc cụm từ giáo viên có thể đọc 2 - 3 lần cho học sinh viết theo tốc độ quy định đối với từng khối lớp để đảm bảo học sinh viết kịp bài.

Đối với học sinh khuyết tật có khó khăn về nghe - viết giáo viên có thể giảm nội dung viết hoặc thay thế bài nghe - viết bằng bài tập chép.

Soát lỗi chính tả: Sau khi đã viết xong bài chính tả, giáo viên đọc chậm lại toàn bài cho học sinh dùng bút mực để tự rà soát bài của mình. Nhóm trưởng tổ chức cho các bạn trong nhóm đổi vở và dùng bút chì để soát lỗi cho nhau.

Chữa lỗi chính tả: Giáo viên yêu cầu học sinh viết lại các từ mà học sinh đã viết sai trong bài chính tả, mỗi từ một dòng. Nếu không đủ thời gian giáo viên có thể cho học sinh viêt 1 - 2 từ trong dòng và phần còn lại các em sẽ viết vào thời gian thích hợp.

Khi học sinh viết sai tiếng trong từ có hai tiếng trở lên giáo viên yêu cầu học sinh phải viết lại cả từ đó, không chỉ viết tiếng đã sai.

Lưu ý: Tên bài và tên tác giả cũng được chấm lỗi chính tả. Giáo viên phải ghi tên bài viết chính tả lên bảng để học sinh thấy.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/khanh-hoa-luu-y-phan-mon-chinh-ta-day-theo-mo-hinh-vnen-2760897-v.html