Khánh Hòa: Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc tại Lễ hội Tháp Bà Ponagar

Lễ hội Tháp Bà Ponagar - lễ hội tín ngưỡng thờ Mẫu tiêu biểu được tổ chức định kỳ hằng năm tại thành phố Nha Trang - là dịp để tưởng nhớ công ơn Bà Thiên Y Ana (Nữ thần Yang Pô Inư Nagar).

Bên ngoài Tháp Bà Ponnagar. (Ảnh TTXVN phát)

Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2024 do Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức khai mạc ngày 29/4 tại đồi Cù Lao, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Văn Nhuận cho biết đây là lễ hội tín ngưỡng thờ Mẫu tiêu biểu được tổ chức định kỳ hằng năm tại thành phố Nha Trang, là dịp để tưởng nhớ công ơn Bà Thiên Y Ana (Nữ thần Yang Pô Inư Nagar) - người Mẹ Xứ sở ở vùng đất Nam Trung Bộ.

Lễ hội Tháp Bà Ponagar thu hút rất đông du khách và để lại nhiều ấn tượng đẹp.

Mỗi năm, có hàng triệu lượt du khách đến Tháp Bà Ponagar tham quan, dâng hương hành lễ. Chỉ tính riêng trong dịp Lễ hội Tháp Bà Ponagar 2023, lễ hội đã thu hút trên 80.000 lượt khách.

Tháp Bà Ponagar là quần thể kiến trúc đền tháp Chăm được xây dựng từ giữa thế kỷ thứ 8. Do có vị trí quan trọng trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng nên Tháp Bà Ponagar được triều đình quan tâm xây dựng trong nhiều thế kỷ.

Quần thể Di tích Kiến trúc Tháp Bà Ponagar có tổng diện tích 57.000m2, kéo dài theo hướng Đông-Tây, cách bờ biển khoảng 200m. Cụm di tích này có giá trị tiêu biểu về nhiều mặt, như: lịch sử, kiến trúc, điêu khắc, bia ký, tôn giáo…

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật tiêu biểu, từ năm 1979, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng Tháp Bà Ponagar là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia.

Năm 2012, lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2024 diễn ra từ ngày 28/4 đến 1/5. Ngoài các nghi lễ chính, lễ hội còn có các hoạt động văn hóa đặc sắc như: Lễ thay y Mẫu; lễ thả hoa đăng trên sông Cái; nghi thức rước kiệu từ Tháp Bà đi qua các tuyến đường trong khu dân cư; lễ cầu quốc thái dân an; lễ cúng Ngọ; lễ dâng hương Mẫu; lễ tế cổ truyền; lễ khai diên và lễ tôn vương.

Đồng thời, lễ hội còn có có tiết mục hát văn, múa bóng, biểu diễn hát bội, các trò chơi dân gian, trình diễn kỹ thuật dệt vải, làm gốm của đồng bào Chăm…

Từ ngày 16/4 đến nay, mỗi ngày có hơn 100 đoàn khách đăng ký tham gia lễ hội, trong đó có nhiều đoàn khách đồng bào dân tộc Chăm đến từ Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/khanh-hoa-nhieu-hoat-dong-van-hoa-dac-sac-tai-le-hoi-thap-ba-ponagar-post942780.vnp