Khâu mắt chim để nhử đồng loại: Ám ảnh một lời ru

Khi người mua chỉ muốn thưởng thức món ăn ngon, người bán lại chú trọng đến lợi nhuận, vậy ai sẽ quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái?

Những tưởng việc đồ vật có thể “dằn mặt” con người với lời đe dọa “Lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra” chỉ có trong truyện cổ tích Tấm Cám nhưng ở thời hiện đại, việc con người hành hạ động vật một cách kinh khủng như vậy lại đang là vấn nạn nhức nhối hơn bao giờ hết.

Giết khỉ nấu cao; bắn chết bò tót; giết mèo rừng; mổ bụng, cắt đầu cá heo… là những câu chuyện đã từng “dậy sóng dư luận” vì sự dã man của con người với động vật hoang dã và kết quả, những kẻ vi phạm pháp luật hầu hết đều bị trừng trị thích đáng. Tuy nhiên, có một vụ việc đáng lên án không kém, trở nên phổ biến và lặp đi lặp lại suốt một thời gian dài lại nhận được sự “bất lực” từ chính quyền địa phương.

Một chú chim sập bẫy. (Ảnh: Vnexpress)

Đó là vấn nạn tận diệt chim trời tại một số xã thuộc huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Nhiều người dân giăng lưới dày đặc trên cánh đồng, đường làng để bẫy chim, thậm chí những chú chim mồi lành lặn còn bị móc mắt, khâu mắt để các con chim khác dính bẫy.

Chưa kể đến hành động săn bắt chim tự nhiên có tác hại ra sao, chỉ riêng việc móc mắt hay dùng kim chỉ khâu mắt cò mồi, chim mồi đã là hành động không thể chấp nhận được, dù với bất kỳ mục đích gì.

Cò mồi thành cò... mù là sự "sáng tạo" một cách dã man của "thợ săn" nhằm bắt được chim trời bằng mọi giá. (Ảnh: Vietnamnet)

Lý giải cho hành động trên, người dân cho rằng bên cạnh việc tạo hình nộm chim giả trên cánh đồng và đặt những chiếc loa phát ra tiếng chim, những con chim mù sẽ phát ra tiếng kêu to hơn, lôi kéo được những con chim khác sập bẫy.

Những con chim đó có thể sẽ bị vặt lông hoặc để nguyên con mang ra chợ bán. Với mức giá 25.000 – 50.000 đồng/con khi bán ngoài chợ và khi lên bàn nhậu, con số này sẽ tăng gấp đôi, gấp ba bởi đặc sản chim trời luôn là món ăn “quý hiếm” trong nhà hàng. Những “thợ săn” nông dân cho biết, có ngày họ lãi được 1 triệu đồng từ việc bán chim trời.

Điều đáng nói, không chỉ riêng Hà Tĩnh mà các tỉnh từ miền Bắc đến miền Tây khi vào mùa lúa chín cũng diễn ra tình trạng săn bắt chim thiên nhiên trái quy định. Trao đổi với báo chí, Bí thư xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân) cho hay, đây là vấn nạn xảy ra nhiều năm nay, dù chính quyền đã tuyên truyền, vận động người dân nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn. Thậm chí ông còn coi đây là việc “nông nhàn” của người dân. Chưa hết, đại diện chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh còn cho rằng những loài chim hoang dã, tự nhiên không thuộc quyền quản lý của Chi cục.

Theo Chỉ thị số 359/TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về những biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã” thì việc săn bắt trái phép động vật hoang dã, quý hiếm, các loại chim cảnh bắt từ tự nhiên cần được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn. Mọi người dân cần có trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, các cơ quan chức năng chỉ quan tâm đến nạn săn bắt những loài thú lớn chứ chưa chú trọng đến nạn săn bắt chim, dù nó diễn ra phổ biến hơn.

Con người tự cho mình quyền được hành hạ, đối xử với động vật một cách dã man, không thương tiếc, theo bất cứ cách nào họ muốn, nhằm phục vụ mọi mục đích từ giải trí đến kinh doanh mà quên mất rằng chúng đâu phải đồ vật vô tri vô giác.

Người mua chỉ quan tâm đến món đặc sản chim trời thơm, ngon béo ngậy. Người nông dân lại chú trọng tới giá trị về mặt kinh tế. Vậy ai là người có trách nhiệm bảo vệ các loài chim tự nhiên?

Tuổi thơ của những đứa trẻ ngày xưa lớn lên bên cánh võng của bà và lời ru của mẹ: “Cánh cò bay lả bay la, bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng…”. Nhưng e rằng, khi tình thương yêu động vật của không ít người bị “tuyệt chủng” thì có trách nên trách những con cò vì đã “bay lả bay la” ra cánh đồng để tự rước họa vào thân.

Thảo Nguyên

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/khau-mat-chim-de-nhu-dong-loai-am-anh-mot-loi-ru-a325716.html