Khéo dùng người, doanh nghiệp vượt khó

VOV.VN -Nhiều doanh nghiệp đang phải trả giá do “tham lam” đầu tư đa ngành là bài học tốt cho những doanh nghiệp đang muốn vượt khó

Theo các chuyên gia, một trong những việc cần làm ngay là cơ cấu lại nguồn nhân lực một cách khôn ngoan sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững và phát triển. Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn đang rất khó khăn, với tỷ lệ tồn kho cao, nợ xấu chưa được giải quyết hiệu quả, dòng tiền mặt không có. Nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản hoặc hoạt động cầm chừng.

Theo thống kê của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 7/2013, cả nước có thêm 852 doanh nghiệp giải thể và 4.652 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Tính chung 7 tháng năm 2013 cả nước có 34.259 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp khó khăn khiến công việc làm cho người lao động bị giảm. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần phải cơ cấu lại nguồn nhân lực. Tuy nhiên, cơ cấu lại nguồn nhân lực như thế nào cho hiệu quả thì nhiều doanh nghiệp còn đang lúng túng.

Nhân lực không thoát ly chiến lược và vốn

Ông Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm CLB Các nhà kinh tế, đồng thời là Ủy viên ban chấp hành Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam mách nước: “Tái cơ cấu nguồn nhân lực phải gắn kết với tái cấu trúc doanh nghiệp”. Điều này có nghĩa doanh nghiệp cần định vị lại chiến lược kinh doanh, trong đó xác định tập trung vào ngành nghề cốt lõi.

Trên thực tế những năm qua, rất nhiều doanh nghiệp đã lao vào kinh doanh đa ngành nghề, vượt xa nguồn vốn tự có. Nhảy vào kinh doanh những ngành nghề mới, thiếu chuyên nghiệp, lại chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng với lãi suất “trên trời” , đã dẫn doanh nghiệp đến phá sản, ngừng hoạt động là tất yếu.

Vì vậy theo ông Đặng Đức Thành, doanh nghiệp cần được định hướng lại để trở thành chuyên nghiệp trong ngành nghề sản xuất, kinh doanh của mình.

Ông Thành khuyên, tái cơ cấu nguồn nhân lực cũng cần gắn kết với cơ cấu lại nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp nên xác định sử dụng vốn vay ngân hàng tối đa gấp hai lần vốn tự có của đơn vị. Trong trường hợp, đơn vị có khả năng phát triển được nhiều nguồn vốn khác như phát hành trái phiếu doanh nghiệp hay mời gọi cổ đông chiến lược… thì “tùy theo quy mô vốn lớn sẽ định hình cán bộ chủ chốt có trình độ năng lực phù hợp”, ông Đặng Đức Thành nói.

Ông Thành cho rằng: “Tái cơ cấu nguồn nhân lực phải mạnh tay giảm người, đổi người phù hợp với nhiệm vụ công việc, hơn là giảm lương”. Tuy nhiên, ông Thành cũng lưu ý: “Trả lương cho cán bộ chủ chốt gắn kết với hiệu quả kinh doanh. Phải xuất phát từ nhu cầu công việc mà bố trí người có năng lực phù hợp, không vì anh em họ hàng, vì tình cảm, mà bố trí công việc”.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tái cơ cấu theo hướng này thành công và đứng vững trước khó khăn. Hồi đầu năm 2008, Công ty Dream house có 14 sàn giao dịch bất động sản và 90 nhân viên, nhưng sau khi thị trường bất động sản đóng băng kéo dài, đến cuối năm 2008, công ty đã quyết định giảm còn bốn sàn giao dịch bất động sản và giữ lại 15 nhân viên chuyên nghiệp và giỏi năng lực chuyên môn. Cùng với định vị lại chiến lược kinh doanh là xây dựng công ty theo hướng chuyên ngành quản lý và cho thuê tài sản, tổ chức dạy và cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh và môi giới bất động sản, Dream house đã thoát cảnh phá sản.

Khó khăn là cơ hội

Ông Đặng Đức Thành cũng lưu ý thêm, nhiều đơn vị thời gian qua do công tác nghiên cứu thị trường chuẩn bị không kỹ lưỡng đã dẫn đến hàng tồn kho tăng cao. Sản xuất hàng không đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhiều đơn vị kinh doanh bất động sản mắc phải sai lầm này.

Trong khi nhu cầu thị trường cần phân khúc căn hộ bình dân, giá rẻ thì nhiều đơn vị lại đầu tư hàng loạt chung cư cao cấp dẫn đến tồn đọng rất lớn. Kết quả là không có “thanh khoản” dẫn đến đơn vị rất khó khăn… Chính vì vậy theo ông Thành, doanh nghiệp cần đi sâu nghiên cứu thị trường, nâng cao tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng hạ giá thành sản phẩm thông qua đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ…

Ông Đặng Đức Thành nhấn mạnh, tái cơ cấu nguồn nhân lực là vấn đề có ý nghĩa quyết định nên cần “bố trí chọn người có năng lực phù hợp với công việc. Trên cơ sở định vị lại từng bộ phận, từng nhiệm vụ cụ thể; gắn kết với chiến lược kinh doanh của công ty; kiên quyết giảm người đồng thời tuyển thêm người mới có năng lực phù hợp cho từng vị trí”.

Năm 2011 và 2012 là giai đoạn có hàng trăm nghìn doanh nghiệp phải giải thể, các doanh nghiệp khác phải vật lộn với khó khăn để tồn tại. Tuy nhiên đối với ông Hà Nam thì đây lại là thời cơ nâng tầm tính chuyên nghiệp cho Công ty TNHH Kiến trúc - Nội thất Nam Anh của mình.

Ông Hà Nam cho rằng: “Đây chính là thời điểm để nâng tầm tính chuyên nghiệp cho công ty vì giá mọi thứ từ thuê văn phòng cho đến nhân công giỏi đều đang đang rẻ và sẵn”. Vì vậy ông Nam quyết định chuyển văn phòng từ một con ngõ nhỏ ở Hà Nội lên một tòa nhà hạng A, đầu tư mới toàn bộ nội thất theo phong cách mới, nhắm vào những khách hàng lớn. Ông Nam thuê tư vấn xây dựng văn hóa riêng và áp dụng chuẩn quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại và sáng tạo.

Đặc biệt, ông Nam rất coi trọng những cải cách về nguồn nhân lực để đáp ứng những mục tiêu mới của công ty. Ông Nam tổ chức thi tuyển lại các vị trí trong công ty, nhờ đó thu hút thêm nhiều “chất xám” phù hợp với yêu cầu mới. Ông Nam nói: “Nếu tính bài toán tổng thể thì số tiền bỏ ra cũng không hơn nhiều so với trước, nhưng cái được là rất lớn, nhưng quan trọng là công ty có được những nhân sự giỏi, đáp ứng mục đích nâng cao tính chuyên nghiệp cho công ty”./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep/kheo-dung-nguoi-doanh-nghiep-vuot-kho/276102.vov