Khi án giám đốc thẩm chưa thuyết phục

Trong hội nghị tổng kết ngành tòa án mới đây, TAND tỉnh Quảng Trị đã nêu một số ví dụ cho thấy có những quyết định giám đốc thẩm chưa thuyết phục, có trường hợp bị lợi dụng để né tránh trách nhiệm hình sự...

Theo TAND tỉnh Quảng Trị, thời gian qua đã có một số phán quyết giám đốc thẩm chưa thật sự thuyết phục với các tòa cấp dưới.

Khó kết tội, cứ cố buộc?

Chẳng hạn như vụ vợ chồng Phan Chí Lộc bị VKSND tỉnh Quảng Trị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ, sau khi đi thăm con du học tự túc tại Úc về, Lộc đã mở Công ty TNHH Lộc Hòa Việt Úc rồi quảng bá mình có khả năng đưa người khác ra nước ngoài du lịch, du học, lao động; phát tán các quảng cáo, thông báo có nội dung không đúng sự thật. Từ tháng 9-2006 đến tháng 5-2007, vợ chồng Lộc đã tiếp nhận hồ sơ, thu tiền của 30 gia đình, chiếm đoạt tổng cộng hơn 6,6 tỉ đồng.

Xử sơ thẩm lần đầu, TAND tỉnh Quảng Trị đã phạt vợ chồng Lộc từ bảy năm tù đến chín năm tù. Sau đó, bản án bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Đà Nẵng hủy, yêu cầu xác định lại số tiền và giám định một số tài liệu.

Xử sơ thẩm lần hai, TAND tỉnh Quảng Trị đã tuyên hai bị cáo vô tội. Theo tòa, hai bị cáo không có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản mà đã chuyển toàn bộ số tiền nhận từ các nạn nhân cho các cá nhân liên quan. Bản án này được Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Đà Nẵng đồng tình và y án. Tuy nhiên, sau đó cấp giám đốc thẩm đã hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm theo kháng nghị của VKSND Tối cao.

TAND tỉnh Quảng Trị không đồng tình. Theo tòa, đúng là vợ chồng Lộc đã đưa thông tin không đúng sự thật như cấp giám đốc thẩm nhận định nhưng vấn đề cốt lõi là họ cũng không biết đó là thông tin giả mà tin vào người liên quan có khả năng lo được việc xuất khẩu lao động. Cạnh đó, một lý do khác mà cấp giám đốc thẩm hủy án là chưa làm rõ số tiền hai bị cáo chiếm đoạt, trong khi nếu thực tế làm rõ được thì hai cấp sơ, phúc thẩm đã không tuyên vô tội...

Phớt lờ nguyên tắc “hình hoãn hộ”

Vụ khác, các nguyên đơn NTB, NĐP khởi kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng vốn, yêu cầu làm thủ tục phá sản với Công ty TNHH Thiết kế xây dựng và Thương mại H. Vụ kiện này do TAND tỉnh Quảng Trị thụ lý, giải quyết theo trình tự sơ thẩm. Thấy vụ án có dấu hiệu phạm tội trong việc chuyển vốn, tòa đã quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, chuyển tài liệu cho cơ quan điều tra vì đây là trường hợp ưu tiên áp dụng pháp luật tố tụng hình sự.

Quyết định này sau đó đã bị các bên kháng cáo. Tháng 5-2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Đà Nẵng đã hủy quyết định tạm đình chỉ, giao hồ sơ về cho tòa sơ thẩm giải quyết tiếp. Theo tòa phúc thẩm, dù tòa có phát hiện dấu hiệu phạm tội và cung cấp tài liệu cho VKS khởi tố nhưng công ty vẫn phải tiến hành thủ tục phá sản. Đây cũng không thuộc trường hợp cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan... nên việc tạm đình chỉ của tòa sơ thẩm là không có căn cứ.

Không đồng tình, TAND tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo gửi TAND Tối cao đề nghị xem xét lại phán quyết trên theo thủ tục giám đốc thẩm. Sau đó, Tòa Kinh tế TAND Tối cao trả lời rằng việc tòa phúc thẩm áp dụng Luật Phá sản để hủy quyết định là không đúng nhưng việc hủy là có căn cứ.

TAND tỉnh Quảng Trị không đồng tình với hai lý do sau:

Thứ nhất, thực tiễn xét xử, kết quả tập huấn và tài liệu trao đổi nghiệp vụ của TAND Tối cao đều thống nhất là khi có dấu hiệu phạm tội thì phải ưu tiên “hình” trước “dân” (hay còn gọi là nguyên tắc “hình hoãn hộ” - NV). Ở vụ án trên, do thời hạn chuẩn bị xét xử đã hết, nếu tòa sơ thẩm không ra một trong các quyết định theo Điều 179 BLTTDS thì sẽ vi phạm tố tụng. Vì vậy, việc tòa sơ thẩm ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án là đúng luật và đúng hướng dẫn của ngành.

Thứ hai, Tòa Kinh tế TAND Tối cao thừa nhận tòa phúc thẩm áp dụng luật sai để hủy nhưng vẫn giữ nguyên quyết định sai này và buộc tòa sơ thẩm tiếp tục giải quyết là thiếu thuyết phục.

HOÀNG YẾN

Cần công khai, minh bạch

Cần công khai các quy định luật về trình tự, thủ tục đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tại các tòa để đương sự biết và thực hiện. Và cũng cần hoàn thiện quy trình giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, có cơ chế rõ ràng trong việc tiếp nhận, xử lý, thụ lý và giải quyết.

Ban Thư ký TAND Tối cao

Nên thận trọng

Với các vụ án có sai sót về tố tụng nhưng không gây thiệt hại cho các bên, không ảnh hưỏng đến cộng đồng thì cấp giám đốc thẩm không nên hủy án. Trước khi kháng nghị giám đốc thẩm nên trao đổi với địa phương để xem xét có cần kháng nghị không.

Đại diện TAND tỉnh Quảng Ngãi

Nguồn PLO: http://plo.vn/tap-chi-phap-luat/khi-an-giam-doc-tham-chua-thuyet-phuc-451967.html