Khi bạn trẻ muốn bước ra khỏi 'vùng an toàn'

Nếu bị 'ném' đến một nơi hoàn toàn xa lạ liệu mình có thể tồn tại được hay không? Mình có sợ hãi, có đủ can đảm để thích nghi hay không? Nếu tồn tại được, thì có khả năng giúp đỡ ai không?

Trần Quốc Anh Tuấn với học trò của mình tại Malaysia

Đó là hàng loạt câu hỏi mà nhiều bạn trẻ đang tìm kiếm câu trả lời. Trong số đó, không ít người đã có thể xác nhận được bản thân, sau khi tham gia các chương trình tình nguyện viên quốc tế.

Nhận ra mình rất khác

Trần Quốc Anh Tuấn, sinh viên (SV) năm 3 ngành kinh tế đối ngoại, Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở 2) cho biết: vào mùa hè năm trước, một mùa hè “rảnh rỗi” cuối cùng của cuộc đời sinh viên (vì sang năm 3 thì hầu như không được nghỉ hè mà phải đi kiến tập), Tuấn cảm thấy rất muốn “thử đi đâu đó” ra khỏi lãnh thổ để thoát khỏi những ngày tháng đơn điệu, xoay vòng vòng với bài vở. “Trong số rất nhiều quốc gia của chương trình tình nguyện viên quốc tế do AIESEC Việt Nam tổ chức, mình quyết định chọn Malaysia, vì đây là quốc gia khá phát triển ở khu vực Đông Nam Á, có sự đa dạng về ngôn ngữ, tín ngưỡng, sắc tộc”, Tuấn cho biết.

Trước khi đi, Tuấn chuẩn bị khá kỹ những vật dụng cá nhân như quần áo, cờ, đồ lưu niệm và hình ảnh Việt Nam để giới thiệu cho bạn bè quốc tế. Với thời gian 6 tuần, Tuấn được tham gia các lớp học dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ, tổ chức các buổi hội thảo về kỹ năng tiếng Anh, tổ chức hội nghị cho các bạn học sinh với 2 chủ đề nhận thức tầm quan trọng của tiếng Anh và bảo vệ môi trường.

Ở một đất nước hoàn toàn xa lạ, Tuấn và các bạn tình nguyện viên gặp không ít khó khăn. Có lần không thể liên lạc với trường học để làm chương trình, và cả nhóm đã chủ động đi kiếm các tổ chức bên ngoài về giáo dục để xin vào dạy học, tự đi kiếm diễn giả cho các sự kiện của dự án… Tuấn nhận ra, chỉ hơn một tháng ở Malaysia, bản thân đã học được cách sống tự lập, cách làm việc với các bạn tình nguyện người châu Âu, biết làm sao để sinh tồn được ở một nơi hoàn toàn khác biệt...

Đỗ Thúy Vi, SV năm 2 Trường ĐH Mở TP.HCM, là một cô gái khá nhút nhát, ít giao lưu bạn bè, đặc biệt là hay tự ti và sợ hãi, lại muốn thử thách bản thân, muốn một lần bước ra khỏi "vùng an toàn" và làm những điều mà từ trước giờ mình chưa từng dám để mong trở nên can đảm hơn. Vi chọn làm tình nguyện viên tại Ấn Độ vì muốn tìm hiểu một nền văn hóa có phần còn xa lạ với bản thân. Công việc chủ yếu của Mi là dạy học tiếng Anh cho các bé từ 3-8 tuổi.

Những ngày đầu tiên vào lớp, Vi không biết sẽ phải thiết kế giáo án giảng dạy ra sao, và nói như thế nào để các bé tập trung. “Thời gian đầu, mỗi lần mình vào lớp các bé còn không thèm nhìn mình nữa kìa, mình có nói gì có giảng gì các bé cũng không quan tâm. Nhưng những điều khó khăn đó đã dạy cho mình cách suy nghĩ sáng tạo và linh hoạt hơn. Thay vì chỉ dạy những chữ cái có sẵn trên mặt giấy, những con số trên màn hình máy tính, mình bắt đầu tự mua nhiều giấy thủ công đủ màu sắc, hình dán sticker, và thiết kế bài giảng một cách sáng tạo nhất để các bé vừa chơi vừa học. Dần dần thì những tiết học của mình các bé càng hứng thú hơn, mỗi lần vào lớp đã thấy các bé ngồi khoanh tay ngoan ngoãn chờ mình đến lớp rồi”, Vi nhớ lại.

Đỗ Thúy Vi rất yêu quý cô học trò này

Vương Ngọc Sơn nhận ra mình phải chọn con đường khác phù hợp hơn, sau khi trở về từ Thái Lan - Ảnh do nhân vật cung cấp

“Không ai hiểu bạn hơn chính bạn”

Thế là từ một người tự ti, nhút nhát, hay sợ sệt mọi thứ, Vi đã hoàn toàn tự tin vào bản thân và can đảm trải nghiệm 6 tuần ở Ấn Độ. Sau chuyến đi, Vi nhận ra rằng “sẽ chẳng ai hiểu bạn hơn chính bạn, sẽ chẳng ai có thể quyết định tương lai cuộc sống của chính bạn ngoài bạn”. Một bài học lớn nhất Vi rút ra sau chuyến đi, đó là “Don't let the noise of others' opinions drown out your own inner voice”. Điều đó có nghĩa “Hãy cứ đi, khám phá và trải nghiệm, nếu bạn tin những trải nghiệm đó sẽ có ý nghĩa với chính bạn như thế nào. Đừng để xã hội và những định kiến cản trở bạn, nếu bạn tin mình làm được thì bạn sẽ làm được mà thôi”.

Sau 6 tuần làm “thầy giáo của trẻ con” ở Thái Lan, Vương Ngọc Sơn Duy, SV năm 4 Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, cho rằng trải nghiệm lớn nhất chính là cảm giác bước trên bục giảng, được làm một người giáo viên, và biết được bản thân thực sự có theo được con đường mình đã chọn hay không. Và cuối cùng thì, Sơn hiểu ra: “Thay đổi lớn nhất của mình là về suy nghĩ, thực sự sau chuyến đi mình biết mình không hợp với nghề nghiệp được chọn. Và mình dám đối mặt với nó, cũng như tìm ra cho mình một con đường khác phù hợp với bản thân hơn”.

Không chỉ xác định lại được bản thân, nhiều bạn trẻ còn được sống với những cảm xúc tuyệt vời bên những con người xa lạ nhưng trở nên gắn bó trong những ngày tháng xa nhà ngắn ngủi. Vi chia sẻ: “Kỉ niệm đáng nhớ nhất chắc là bữa cuối mình tới chào Mam, một người bạn lớn ở trường học nơi mình đến làm tình nguyện. Mam không chỉ giúp đỡ mình mà còn giúp đỡ một bạn tình nguyện viên Việt Nam khác trong những ngày đầu đặt chân tới Ấn Độ. Lúc mình hỏi sao Mam lại tốt với mình như vậy, Mam bảo rằng: So với những gì con đã làm cho Mam và mấy bé nhỏ ở đây, thì sự giúp đỡ này đâu là gì đâu con. Lúc mình nói lời tạm biệt, Mam ôm mình và nói cảm ơn. Mình nhớ lúc đó Mam đã khóc...”.

Mỹ Quyên

Mỹ Quyên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/khi-ban-tre-muon-buoc-ra-khoi-vung-an-toan-842866.html