Khi bóng ma phiến quân Hồi giáo cực đoan lảng vảng ở Đông Nam Á

Khu vực Đông Nam Á đang hứng chịu sự bất ổn gây ra bởi các nhóm hồi giáo cực đoan. Khi cuộc chiến giữa chính phủ Philippines và lực lượng hồi giáo Maute thân IS đang diễn ra tại Marawi chưa có dấu hiệu kết thúc, thì mới đây nhất tại Myanmar, phiến quân Hồi giáo Rohingya đã giao tranh ác liệt với quân chính phủ làm hàng trăm người thiệt mạng.

Thành phố Marawi ở miền Nam Philippines đang bị tàn phá khủng khiếp bởi các phần tử khủng bố hồi giáo cực đoan. Cảnh đường phố ngổn ngang, nhà cửa bị phá hủy ở ngay giữa nơi từng là khu thượng lưu ở đảo Mindanao này khiến người ta liên tưởng đến tình hình ở thành phố Aleppo (Syria) và các thành phố khác đang chìm trong giao tranh ở Trung Đông.

Trước khi xảy ra cuộc bao vây của các phần tử khủng bố, Marawi từng là một cộng đồng kiểu mẫu với sự chung sống hòa hợp giữa những người Hồi giáo và Cơ đốc giáo. Hiện tại, gần như toàn bộ 200.000 cư dân tại đây đã phải rời bỏ nhà cửa tránh các cuộc giao tranh.

Khu vực Đông Nam Á vốn tương đối yên bình thì nay lại xuất hiện bóng đen của chủ nghĩa hồi giáo cực đoan. Cuộc chiến tại Marawi chỉ là một trong những cuộc giao tranh giữa chính phủ các nước và lực lượng hồi giáo cực đoan. Phiến quân hồi giáo Maute hy vọng việc chiếm giữ thành phố Marawi sẽ kích động toàn bộ khu vực và truyền cảm hứng cho các nhóm thánh chiến khác tiến hành những vụ nổi dậy tương tự.

Giống như IS, nhóm phiến quân hồi giáo Maute tại Philippines đang cố gắng thuyết phục các phần tử cực đoan trong số các nhóm khác rằng, bạo lực - thay vì tìm kiếm giải pháp chính trị - là công cụ tốt hơn để đạt được mục tiêu mong muốn.

Có thể thấy rằng nhóm Maute sẽ cố gắng kéo dài cuộc bao vây càng lâu càng tốt để tận dụng hơn nữa nỗ lực tuyên truyền và cố gắng thu hút thêm nhiều thành viên. Trong khi đó lực lượng quân chính phủ Philippines lại đang rất chật vật để giành lại phần đất bị kiểm soát bởi các phần tử cực đoan này.

Theo báo Liên hợp buổi sáng của Singapore, tình hình khủng bố tại Philippines đang diễn biến hết sức nghiêm trọng, thậm chí còn đe dọa tới an ninh toàn bộ khu vực.

Các chuyên gia nhấn mạnh vấn đề của Philippines cũng là vấn đề của Đông Nam Á, đường đi của các phần tử Hồi giáo cực đoan tại khu vực này tới Trung Đông và gia nhập IS cho đến nay vẫn chưa bị chặt đứt. Miền Nam Philippines đang trở thành một chiến trường khác của các phần tử khủng bố từng được huấn luyện và có kinh nghiệm chế tạo bom cũng như thực chiến.

Thêm vào đó, IS hiện đã công khai mục tiêu thiết lập chi nhánh của chúng tại khu vực Đông Nam Á. Về tổng thể, lực lượng khủng bố tại Philippines, Indonesia và Malaysia có thể sẽ phát triển và hình thành thế “chân vạc” tại khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó tình hình ở Myanmar đang rất nguy hiểm với sự bùng phát giao tranh giữa quân đội chính phủ và nhóm phiến quân hồi giáo cực đoan Rohingya.

Hai bên đang xảy ra giao tranh tại bang Rakhine, phía tây bắc Myanmar làm ít nhất 400 người thiệt mạng, hàng chục nghìn người khác phải chạy trốn sang Bangladesh.

Trong một đoạn video được kênh truyền thông al-Malahem của al-Qaeda đăng tải, Khaled Batarfi – thủ lĩnh tổ chức khủng bố tại Yemen – kêu gọi người Hồi giáo tại Banglades, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia cùng đứng lên "hỗ trợ người anh em Rohingya chống lại kẻ thù của Thánh Allah."

Hình ảnh các binh sĩ quân đội Myanmar đang chiến đấu chống lại phiến quân hồi giáo cực đoan Rohingya.

Bạo lực bùng phát kể từ ngày 25/8 vừa qua, khi nhóm phiến quân Hồi giáo thuộc cộng đồng thiểu số Rohingya tấn công hàng chục trụ sở cảnh sát tại bang Rakhine.

Để đáp trả, quân đội chính phủ đã tiến hành các chiến dịch truy quét đẫm máu tại khu vực này.

Cuộc giao tranh đã khiến hàng ngàn dân thường Rohingya phải di tản. Số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc cho thấy, ít nhất 38.000 người Myanmar, chủ yếu là người dân tộc thiểu số Rohingya đã chạy sang Bangladesh.

Hiện tại, vẫn còn khoảng 20.000 người khác đang bị mắc kẹt tại biên giới giữa hai nước. Nhiều người trong số này đang bất chấp nguy hiểm bơi qua sông Naf, biên giới tự nhiên giữa 2 nước, để sang Bangladesh.

Chính phủ Myanmar buộc tội Quân Cứu rỗi Arkan Rohingya (ARSA) vì đốt 2.600 căn nhà tại Rohingya – tây bắc Myanmar. Tổ chức này cũng chịu trách nhiệm vì tấn công các đồn an ninh tuần trước, gây ra các cuộc giao tranh và phản công dữ dội.

Theo Washington Post, chính phủ Myanmar không thừa nhận quốc tịch của nhóm người Rohingya, cho rằng họ là những người nhập cư bất hợp pháp.

Bangladesh, nơi có hơn 400.000 người Rohingya sinh sống từ những năm 1990, cũng ngày càng có thái độ đối địch với nhóm người này.

Viễn cảnh bùng phát các cuộc xung đột với các nhóm hồi giáo cực đoan lan rộng tại Đông Nam Á hiện rõ hơn bao giờ hết.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/khi-bong-ma-phien-quan-hoi-giao-cuc-doan-lang-vang-o-dong-nam-a/740142.antd