Khi các ông chủ ngân hàng kêu khổ vì đòi nợ

Xử lý nợ xấu đang là điểm nóng trong các cuộc tranh luận tại Quốc hội thời gian gần đây. Theo TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - xử lý nợ xấu càng chậm, phí tổn cho cả nền kinh tế càng lớn.

Giao dịch tiền mặt tại ngân hàng. Ảnh: Thanh Vy

Lý giải cho nhận định trên, TS Võ Trí Thành cho biết: Thứ nhất, nợ xấu có thể dẫn đến mất ổn định kinh tế vĩ mô, thậm chí khủng hoảng tài chính, và cả khủng hoảng kinh tế. Thứ hai là càng để lâu, thì lòng tin vào một nền tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô càng yếu, tác động đến môi trường kinh doanh chung, làm giảm khả năng thúc đẩy đầu tư kinh doanh của xã hội, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài. Thứ ba, phí tổn của ngân hàng sẽ cao hơn khi phải tăng trích lập dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu, khiến hoạt động kinh doanh cũng như khả năng sinh lời của ngân hàng thấp, rất khó giảm hoặc giảm sâu lãi suất như mong muốn. Thứ tư, cả nền kinh tế thiếu nền tảng một hệ thống tài chính - ngân hàng lành mạnh, và do vậy khả năng chống đỡ các cú sốc bên trong cũng như từ bên ngoài yếu. Đây là điều cũng cần đặc biệt lưu ý trong bối cảnh kinh tế thế giới chứa đựng nhiều bất định, rủi ro.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank - nếu nợ xấu xử lý nhanh, khoảng 10% dư nợ sẽ được cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo ra GDP. “Chính phủ liên tục chỉ đạo giảm lãi suất, nhưng hiện tại các ngân hàng đã khai thác hết yếu tố có thể rồi, nếu xử lý nguồn nợ động này thì mới hy vọng có thêm nguồn lực giảm lãi suất. Nợ xấu nếu không thu hồi được sẽ làm chi phí ngân hàng tăng lên, lãi suất đầu ra cũng bị ảnh hưởng”.

Thực tế hiện nay quyền xử lý tài sản bảo đảm bảo của tổ chức tín dụng bị hạn chế, thậm chí bị vi phạm dẫn đến việc xử lý tài sản gặp nhiều khó khăn. Ông Hà Sỹ Vịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và xử lý rủi ro của Agribank - cho biết trong quá trình tố tụng, thi hành án, bị đơn và người có liên quan cố tình tạo ra một tranh chấp mới mục đích kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm. Thực tế ở Agribank đã xảy ra nhiều trường hợp, đã có bản án, đang xử lý tài sản bảo đảm thi hành án 3, 4 năm, đã đưa tài sản bảo đảm ra đấu giá 12 lần, có người khởi kiện dân sự tranh chấp tài sản bảo đảm. Mặc dù giao dịch bảo đảm với ngân hàng hợp pháp hợp lệ, tòa án vẫn thụ lý hồ sơ, mặc dù không có bất kỳ ý kiến của tòa án nhưng Cơ quan thi hành án vẫn quyết định tạm hoãn thi hành án.

Tại Agribank có trường hợp đấu giá thi hành án lần đầu từ tháng 2.2011 với giá khởi điểm trên 73 tỉ đồng, sau 16 phiên đấu giá, tháng 10.2016 đấu giá thành công ngân hàng thu nợ được 12 tỉ đồng. Giá khởi điểm đấu giá quá cao, thời gian đấu giá kéo dài. Trong khi bên bảo đảm vẫn khai thác và hưởng lợi từ tài sản hàng tỉ đồng hằng tháng, trong khi đó giá trị tài sản bảo đảm suy giảm, chi phí vốn, chi phí xử lý tài sản tăng.

Không chỉ có Agribank mà nhiều ngân hàng cũng trong cảnh ngộ trong quá trình xử lý nợ xấu. Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank - cho biết thời gian qua ngân hàng này có 790 vụ chuyển qua tòa án, 98 vụ tòa đã thụ lý nhưng chưa xét xử. Trong khi tòa thực hiện các thủ tục xử lý tài sản đảm bảo thì tài sản đảm bảo xuống cấp, nguồn thu ngân hàng xuống cấp, hao mòn, mất đi, mức độ tổn thất ngân hàng ngày
càng lớn.

“Trong thời gian tiến hành tố tụng đã tạo sự ỷ lại, lợi dụng của một số khách hàng không tốt. Họ giữ tài sản đảm bảo để cho thuê lấy tiền, nhưng nguồn tiền đó không chuyển cho NH để thu hồi nợ. Cụ thể, tại Nha Trang có trường hợp khách hàng vay hơn 1.000 tỉ để xây khách sạn, nhưng không trả được nợ, quá hạn cũng không bàn giao tài sản cho ngân hàng. Qua tòa án, sau 18 tháng mới có phiên hòa giải đầu tiên, nhưng hiện tại con nợ vẫn giữ tài sản lại mỗi năm cho thuê từ 70-100 tỉ đồng, trây ỳ không trả nợ” - ông Nghiêm Xuân Thành chia sẻ.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, trong một vài năm tới, nhiều khoản nợ xấu từ VAMC lại được trả về cho các NHTM trong khi các ngân hàng này hiện tại đang chật vật để xử lý các khoản nợ xấu chưa bán cho VAMC thì những khó khăn về xử lý nợ xấu và tái cấu trúc của các ngân hàng này sẽ tăng lên gấp bội. Điều đó có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tài chính của cả hệ thống ngân hàng. Vì vậy, hơn lúc nào hết các cơ quan nhà nước cần phải có quyết tâm xây dựng nhanh một hành lang pháp lý riêng làm nền tảng cho các NHTM thực hiện thành công tiến trình xử lý nợ xấu.

Lan Hương

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/tien-te-va-dau-tu/khi-cac-ong-chu-ngan-hang-keu-kho-vi-doi-no-670234.bld