Khi cháy lên ngọn lửa niềm tin

(HNMO) - Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo lại đông con, ngay từ nhỏ Đặng Công Thắng đã phải bươn trải kiếm sống khắp nơi. Năm 2003, với một chút vốn liếng trong tay, anh trở về quê thôn Cao Đình, xã Tri Phương (Tiên Du, Bắc Ninh) mở tổ hợp sản xuất, sau đó thành lập Công ty TNHH Lửa Việt sản xuất bếp than tổ ong kiểu mới hiệu Con Cò, mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Khởi nghiệp từ "tay trắng" Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo lại đông con ở một làng quê nghèo khó, ngay từ nhỏ Đặng Công Thắng đã phải bươn trải kiếm sống. Anh đã từng làm nhân viên tiếp thị, áp tải hàng tươi sống xuyên Việt, vừa làm thuê, vừa đi học quản trị kinh doanh. Chàng trai 37 tuổi, cao gầy, nước da rám nắng, nom rất năng nổ và thẳng thắn, luôn có ước vọng bứt phá trên con đường xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho bản thân và xã hội. Những lần trở về quê, Thắng chứng kiến cảnh gia đình và bà con mình phải đun nấu bằng bếp củi, rơm rạ, bếp mùn cưa, rồi vẫn mịt mù với bếp than tổ ong khói bụi, độc hại, nên anh đã suy nghĩ phải làm thế nào để giúp mọi người cải thiện điều kiện nấu nướng tốt hơn. Một lần có dịp sang Trung Quốc, anh thấy người ta sản xuất bếp than cháy như bếp gas, vừa nhẹ, bền, lại rất tiết kiệm nhiên liệu do giữa lớp vỏ và than có lớp xốp cách nhiệt. Anh quyết định bắt tay vào nghiên cứu, cải tiến và tìm ra bông thủy tinh cách nhiệt đưa vào bếp không độc hại với người sử dụng... và anh đã chế tạo loại bếp Con Cò thân thiện với môi trường với mức tiêu thụ than bằng một nửa, nhẹ bằng 1/3 loại bếp than làm bằng đất và than sỉ thông thường. Đặc biệt, cửa bếp không những có tác dụng điều chỉnh nhiệt độ trong lò, mà còn có tác dụng ủ than rất hiệu quả, không phải dùng nắp như các loại lò thông thường. Để làm ra một cái bếp than tổ ong cũng thật lắm công đoạn, từ việc làm cái cốt lò bằng vật liệu chịu lửa cho đến cái vỏ bằng tôn lá, cái kiềng, cái cửa bếp phải gò, phải đúc, rồi sơn đều được thao tác trên máy. Sau đó là đóng gói sản phẩm với bao bì kèm theo bản hướng dẫn sử dụng, tên tuổi, giá cả, đặc biệt là thương hiệu đăng ký chất lượng, sở hữu trí tuệ của nhà sản xuất. Chỉ bấy nhiêu thôi mà Đặng Công Thắng cũng phải mất bao năm trăn trở, cho đến bây giờ lại có thêm nhiều tiêu chí mới, đó là bếp cho những nhu cầu nấu nướng khác nhau, bếp nấu ít, bếp nấu nhiều, từ cái bếp dùng để đun nước pha trà cho đến cái bếp nấu ăn cho nhà hàng cũng phải được thiết kế khác nhau, trên bếp có dập nổi chữ Con Cò ở những vị trí mà mọi người đều có thể dễ dàng nhận thấy. Đặng Công Thắng cho biết, Công ty Lửa Việt tiền thân là HTX Lửa Việt cũng có nhiều năm làm bếp than tổ ong nhưng chất lượng không cao, không cạnh tranh nổi với nhiều cơ sở sản xuất khác tại địa phương, đến năm 2003 thì HTX gần như phá sản. Khi anh Thắng tiếp nhận cơ sở Lửa Việt chỉ là con số không, nhưng chỉ trong vòng vài năm tổ chức lại và cải tiến công nghệ, Công ty Lửa Việt đã đảm bảo việc làm cho hơn 100 lao động (vào lúc cao điểm có tới 200 người) với mức lương gần 2 triệu đồng/người/tháng. Bếp Con Cò đã có mặt trên thị trường với 12 loại với khá nhiều kiểu dáng, màu sắc khác nhau, giá bán từ 45.000 đồng trở lên, hợp với túi tiền người sử dụng. Công ty đã xây dựng được mạng lưới khách hàng rộng khắp trên địa bàn 42 tỉnh thành phố với hai chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và một văn phòng tại TP Đà Nẵng, với số lượng tiêu thụ từ vài trăm nghìn tới 1 triệu bếp/năm. Thương trường và cuộc cạnh tranh khốc liệt Công việc kinh doanh đang thuận lợi, bếp Con Cò của Lửa Việt không những đủ sức đứng vững trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường trong nước mà công nghệ này còn được áp dụng làm bếp sưởi ở một thị trường rất khó tính như Phần Lan. Thế rồi vào tháng 12-2008, có những tin đồn thất thiệt về bếp than Con Cò có chứa chất độc hại. Biết chắc mình là nạn nhân của cạnh tranh không lành mạnh trong thương trường, Đặng Công Thắng vẫn kiên trì từng bước lấy lại niềm tin của khách hàng. Anh đã nhờ các cơ quan chức năng để đánh giá một cách khách quan cho sản phẩm của mình. Từ kết quả phân tích của Viện Công nghệ môi trường, cuối tháng 12-2008, Chi cục bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường Bắc Ninh) đã kết luận: trong tổng số 12 chỉ tiêu kim loại nặng được phân tích từ mẫu bếp Con Cò của Công ty TNHH Lửa Việt đều có thông số nằm trong giới hạn chỉ tiêu môi trường cho phép và không vượt quá ngưỡng giới hạn chất thải nguy hại. Và kết quả giám định của Sở Khoa học-Công nghệ Bắc Ninh cho thấy: Loại vật liệu lớp bông cách nhiệt của mẫu bếp than tổ ong hiệu Con Cò không chứa thành phần a-mi-ăng. Lớp cách nhiệt của mẫu bếp được giám định chủ yếu là sợi bông thủy tinh (SiO2); ngoài ra, trong thành phần sợi còn có một số khoáng vật khác như: kaolinit, clorit, mullit. Tuy cơ quan chức năng đã có kết luận nhưng vụ việc trên đã gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho công ty, mà nguy hại hơn là niềm tin người tiêu dùng bị khủng hoảng. Nhớ lại chặng đường vừa qua, nét mặt anh Thắng chợt buồn, anh tâm sự: “Cạnh tranh không lành mạnh không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà cũng là một vấn đề làm tổn hại đến lợi ích người tiêu dùng. Nó làm suy giảm cái mà người tiêu dùng đáng được hưởng lợi từ sản phẩm mang lại”. Thắp sáng... niềm tin Cho đến nay, bếp Con Cò của Công ty Lửa Việt được coi là loại bếp than thân thiện với môi trường nhất trên thị trường, đã được UBND, Hội đồng Khoa học và Sở Khoa học tỉnh Bắc Ninh công nhận là sản phẩm có tính ứng dụng cao và được cấp 100 triệu khi thực hiện đề tài. Phần khí động học của bếp đã phát huy hết tính năng khí động, đốt cháy như bếp gas ở nhiệt độ cao từ 1.2000-1.3000 C nên rút ngắn được đáng kể thời gian nấu nướng. Bếp đã khắc phục được lượng nhiệt hao phí vô ích của các loại bếp trước đây đến hơn 35%; giảm đáng kể khí thải độc hại như CO, CO2, SO2, trên 60%. Bên cạnh đó, nếu so với bếp than thông thường bếp Con Cò tiết kiệm được khoảng 50% nguyên liệu. Sản phẩm đã được Tổ chức Môi trường và Cộng đồng của Chính phủ Đan Mạch lấy làm mô hình thí điểm tại nhiều phường trên địa bàn TP Hà Nội... Bà Lưu Thị Quy ở nhà số 13, ngõ 15, đường Hồng Hà, quận Ba Đình, Hà Nội đã dùng bếp Con Cò 5 năm nay cho biết: "Trước đây, gia đình tôi dùng bếp than kiểu cũ, bê ra, bê vào vừa nặng, lại vừa tốn than, hết 3 viên mỗi ngày. Nay, tôi dùng bếp Con Cò mỗi ngày chỉ hết hơn 1 viên mà cũng thấy ít mùi than hơn. Khi dùng bếp Con Cò, với số tiền tiết kiệm được 60.000 đồng/tháng so với bếp kiểu cũ thì chỉ 2 tháng là đủ tiền mua bếp Con Cò mới". Với việc tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng thuận tiện và giảm đáng kể lượng khí thải ra môi trường, bếp Con Cò đã được tặng thưởng Huy chương Vàng, doanh nghiệp được tặng thưởng Cup Vàng tại Hội chợ hàng Công nghiệp nông thôn lần thứ 2. Trò chuyện với chúng tôi, anh Thắng tâm sự: "Trong tương lai việc sản xuất bếp than tổ ong chỉ là một phần nhỏ của Công ty, dự kiến Lửa Việt sẽ được mở rộng quy mô gấp nhiều lần hiện nay và sẽ cho ra nhiều sản phẩm khác. Trước mắt đến năm 2015, bếp Con Cò vẫn là sản phẩm chủ lực của chúng tôi vì người dân sử dụng than để đun nấu còn nhiều. Về lâu dài, chúng tôi xác định sẽ đầu tư sản xuất sản phẩm sử dụng năng lượng sạch có từ thiên nhiên như năng lượng mặt trời". Để làm được điều ấy, Đặng Công Thắng đang chuẩn bị huy động nguồn vốn vài chục tỷ đồng và rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương tạo điều kiện về mặt bằng để sản xuất. Anh muốn đóng góp nhiều hơn vào ngân sách tỉnh. Đặng Công Thắng có nhiều ước vọng chính đáng như bao thanh niên trai tráng của vùng quê Kinh Bắc đã và đang vươn lên trong công cuộc xây dựng và đổi mới quê hương, đó là những người không chỉ còn nghĩ đến bản thân mình mà bắt đầu phải lo đến cơm áo, gạo tiền cho bao người khác. Nhân Tâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/42/223426/