Khi chồng mê game

PNO - Dè sẻn và tiết kiệm chi tiêu, vợ chồng tôi cũng đã dành dụm được khoản tiền nhỏ để phòng thân và lo cho việc học phí của cu Tí sau này. Biết thế nhưng phải thuyết phục mãi, vợ mới gật đầu đồng ý với chồng quyết định tậu 1 bộ computer với giá vừa phải.

Đang cao hứng và sẵn mùa khuyến mãi, chồng “lén” vợ đăng ký luôn Internet (ngoài phạm vi thỏa thuận) làm vợ trợn tròn cả mắt. Lý do chồng đưa ra thật bùi tai: “Có máy, có mạng nữa, anh sẽ ít đi ra ngoài, thông tin thời sự lại được cập nhập nhanh chóng, khỏi mắc công tốn tiền mua báo”. Để tăng thêm phần thuyết phục, chồng còn viện lý do hết sức dễ thương “Để vợ thỉnh thoảng viết bài cộng tác với báo, kiếm nhuận bút đãi chồng ăn bún”. Thời gian đầu, vợ phấn khởi ra mặt khi chồng không còn la cà sau giờ làm, ít tụ họp bạn bè mỗi thứ bảy, chủ nhật như thường lệ. Tối tối, vợ chồng con cái xúm xít bên máy xem phim, ca nhạc, đọc tin tức nóng hổi và thưởng cho nhóc con vài tiếng đồng hồ chơi game. Tuy nhiên không biết từ lúc nào chồng bắt đầu đăng ký tham gia các trò chơi online trên mạng. Tốc độ và thời gian truy cập tăng lên chóng mặt được liệt kê qua hóa đơn thanh toán hàng tháng. Vợ ráng bình tâm tìm lý do để biện hộ cho chồng: về mặt tích cực, game online giúp người chơi tương tác, trao đổi, giao lưu trực tiếp với nhau nên tính giải trí rất cao. Biết chồng vất vả và căng thẳng ở nơi làm việc, về đến nhà ngồi hàng giờ liền bên chiếc máy cho bõ những lúc “đói” giải trí, thông tin, giảm căng thẳng sau giờ làm việc, âu cũng là chuyện đáng thông cảm. Nhưng biểu hiện để trò chơi ảnh hưởng đến cuộc sống, can thiệp vào sinh hoạt hiện tại của gia đình là điều vợ không thể lưu ý. Đi làm thì thôi, về đến nhà là chồng lao ngay vào động “Kiếm thế”, hăng say “đồ sát”, tậu “vũ khí” để tăng “cấp độ” và tham gia cùng anh em trong “bang hội” chiến đấu giành “lãnh địa”, bỏ mặc vợ loay hoay với hàng tá công việc không tên trong nhà. Muốn cùng chồng đi đâu, phải thông báo trước để chồng sắp xếp, tránh đang “tham chiến” mà bỏ cuộc giữa chừng, còn không thì “thôi mai hả đi nhe em!”. Bữa cơm gia đình cũng vậy, chiều nào cũng chỉ có hai mẹ con ngán ngẩm nhìn mâm cơm tẻ nhạt, bởi chồng - mắt không rời khỏi màn hình, miệng trệu trạo nuốt vội tô cơm trên tay cho xong. Chồng đem tâm trạng vui vẻ hay cau có từ trò chơi ra mà đối xử với hai mẹ con. Hôm nào lỡ vuột mất “lệnh bài” hay thua đối phương trên game, là y như rằng gương mặt của chồng cũng “đằng đằng sát khí” theo. Nửa đêm thức giấc, vẫn thấy chồng cặm cụi bấm bấm, gõ gõ liên tục, thỉnh thoảng còn tủm tỉm cười một mình, làm vợ chạnh lòng nhìn khoảng trống trên giường bên cạnh mình. Thức đêm để chơi nên sáng chồng luôn dậy muộn, chỉ kịp vơ vội bộ đồ có sẵn trên ghế, lao ra xe có vợ con chờ sẵn rồi ào đi. Có khi cả tuần vợ chồng chỉ nói được với nhau vài câu vì đêm nào chồng cũng bận “đàm đạo với đồng môn” hết thời gian. Chẳng biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ? Vợ góp ý, giận dỗi thì chồng tuy chống chế yếu ớt và gật đầu, hứa sữa chữa nhưng chỉ được vài ngày là mọi thứ vẫn lặp đi lặp lại như cũ, riết rồi vợ cũng không buồn góp ý. Một điều làm vợ lo lắng hơn cả là cậu con trai 5 tuổi cũng bắt đầu có dấu hiệu mê game như ba vì tối tối là bé ngồi cạnh ba suốt, chẳng chịu chơi trò nào khác, kể cả những món đồ chơi yêu thích nhất trước đây, bé cũng không thèm quan tâm. Nghĩ đến viễn cảnh tương lại khi có hai ông “chiến binh game” trong nhà mà vợ …lắc đầu ngán ngẩm, thầm mong ngày nào đó mấy cái game online này có sự can thiệp của các cơ quan quản lý, còn bây giờ vợ chỉ hy vọng máy hư thôi, cũng tạm kéo chồng về với thực tế được… vài ngày! Hoa Trâm Ổi

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/honnhan-giadinh/2010/Pages/khi-chong-me-game.aspx