Khi chữ 'hiếu' bằng giá... hai sào lạc

Ai nấy đều bảo “vụ án nhà cụ Rộng” là chuyện trần đời có một. Con trai, con dâu đã không nuôi dưỡng mẹ được ngày nào lại còn đẩy mẹ mình ra đứng trước vành móng ngựa.

Bà con làng xã bảo mẹ già có lú lẫn, ghê gớm thế nào đi nữa thì con cái cũng không được phép đối xử với mẹ như thế. Rồi cả làng, cả xã tự bỏ tiền túi thuê xe ôtô cùng nhau xuống tỉnh để kêu oan cho bà cụ; có phải đi tận Trung ương để kêu thì họ cũng sẵn sàng đi.

Mẹ chồng, nàng dâu chửi nhau suốt 3 tiếng đồng hồ

Những ngày này, việc con trai Chu Văn Hải và con dâu Vũ Thị Én kiện cụ Nguyễn Thị Rộng (cùng ở thôn Nghi Xuyên, xã Chí Tân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) ra tòa là chủ đề nóng trong khắp làng trên xóm dưới. Gần 90 tuổi, cụ Rộng có 7 người con: 5 gái, 2 trai. 6 người con lấy vợ, lấy chồng rồi làm ăn xa, duy nhất con trai trưởng là ông Hải sống gần mẹ. Tiếng là gần nhưng nhà hai mẹ con ở hai con ngõ khác nhau. Từ khi cụ ông Chu Văn Hảo mất đi, 25 năm qua, cụ Rộng sống một mình.

Gần 90 tuổi, cụ Rộng bị con trai, con dâu đẩy ra tòa chỉ vì 2 sào lạc.

Cụ Rộng có 2 sào ruộng, khoảng 10 năm nay sức yếu, cụ cho vợ chồng ông Hải, bà Én làm. Mỗi năm cụ bảo con trai, con dâu trả cho cụ 1 triệu đồng xem như là tiền thuê đất. Thế nhưng theo lời cụ Rộng thì họ trả tắc bụp, có năm 1 triệu, có năm chỉ 500 nghìn đồng (trong khi ông Hải, bà Én nói mỗi năm trả cụ Rộng 1,5 triệu đồng?). Năm 2015 là năm thứ 2 không thấy con trai, con dâu nói gì đến chuyện trả tiền thuê đất, cụ Rộng sang nhà, đứng ngoài sân đòi thì bà con dâu ở trong nhà chỏng lỏn: “Hết rồi. Không có tiền. Bao giờ bán nghệ non thì trả”. Cụ Rộng bảo bán nghệ non lỗ vốn thế thì thôi đừng làm nữa, trả lại ruộng để cho người khác thuê.

Đến vụ đông - xuân, thấy vợ chồng Hải - Én vẫn tra lạc trên thửa ruộng nhà mình, cụ Rộng cầm 1 triệu đồng sang nhà con trai, con dâu, cụ bảo trả tiền mua lạc giống, tiền phân tro để “vợ chồng anh chị trả lại ruộng cho tôi”. Bà Én không nhận, cũng không trả ruộng. Tức khí, cụ Rộng chửi con dâu. Thế nhưng cụ Rộng chửi một câu thì bà Én cũng chửi lại một câu. Mẹ chồng, con dâu cãi chửi nhau không khác gì các bà hàng tôm hàng cá chửi nhau ngoài chợ. Ông Lê Văn Khoản ở gần nhà ông bà Hải - Én chạy sang can: “Cụ ơi cụ đi về đi, kẻo nó đẩy cho một cái, cụ mà ngã là cụ nằm đấy, rồi khổ ra”.

Hôm sau, cụ Rộng mang con dao ra ruộng để cắt cây lạc. Cây lạc mới tra được nửa tháng, thân cao bằng ngón tay. Bà Bùi Thị Khá làm ruộng bên cạnh, thấy cụ già khóc lóc giữa trời rét mướt, bà Khá bảo: “Cụ làm thế thì đến bao giờ mới xong, rét thế này rồi ốm lăn ra mất”. Người con út Chu Văn Quý lấy vợ và lập nghiệp ở Thanh Hóa, về quê ăn Tết với cụ Rộng và đang ở quê, bà Khá nhờ người về gọi ông Quý ra đưa cụ Rộng về. Thấy con trai út ra, cụ Rộng bảo đi gọi máy lồng (máy đất) đến cho cụ. Ông Quý chở mẹ đến nhà ông Nguyễn Văn Tập, cụ Rộng bảo ông Tập: “Bác có ruộng cho vợ chồng Hải - Én thuê nhưng 2 năm nay không trả tiền bác, nó còn chửi bác, hiện nó vẫn đang trồng lạc, mày cứ ra bừa ruộng cho bác, tội đâu bác chịu”.

Không muốn hòa giải

Thấy ruộng lạc bị cụ Rộng thuê máy cày tung lên, vợ chồng ông bà Hải - Én ra xã trình báo. Cán bộ xã đến nhà hỏi, cụ Rộng trình bày và nhận luôn: “Tôi phá đấy, nó làm ruộng của tôi 2 năm không trả tiền nên tôi phá”. Cán bộ xã bảo, nhà Hải - Én mất tiền thiệt hại ở ruộng lạc, cụ Rộng 2 năm không nhận được tiền thì thôi hai bên xí xóa. Thế nhưng vợ chồng ông Hải - Én không nghe, họ làm đơn gửi công an. Sau khi điều tra và xét xử, cụ Rộng bị TAND huyện Khoái Châu xử 9 tháng tù; ông Chu Văn Quý 8 tháng tù, ông Nguyễn Văn Tập 6 tháng tù vì tội phá hoại tài sản, cả ba người đều cho hưởng án treo.

Bản án sơ thẩm ấy làm “dậy sóng” cả vùng, bà con xã Chí Tân phản đối, hơn 500 người dân trong xã đã ký thư minh oan cho cụ Rộng, ông Quý, ông Tập và gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị xem xét vụ án. Đầu tháng 9 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn cho TAND Tối cao xem xét và giải quyết. Thường trực tỉnh ủy Hưng Yên cũng có văn bản chuyển đơn kêu cứu của người dân cho TAND tỉnh Hưng Yên. Đến cuối tháng 9, một phiên tòa đặc biệt đã diễn ra tại TAND tỉnh Hưng Yên. Bà con xã Chí Tân, huyện Khoái Châu ngồi kín cả trong hội trường và ngoài hành lang.

Tại phiên tòa này, đại diện VKSND tỉnh Hưng Yên là ông Vũ Đức Thủy đã khẳng định “hồ sơ vụ án đã có nhiều thiếu sót nghiêm trọng” và TAND tỉnh cũng đã chỉ rõ những sai phạm này. Đáng nói nhất là việc xác định giá trị tài sản bị hủy hoại vì đó là yếu tố quyết định cấu thành tội phạm. Ở phiên sơ thẩm, thiệt hại 2 sào lạc được định giá lên đến 3 triệu đồng. Trong khi thực tế, tất cả người dân làm nông nghiệp ở Chí Tân đều khẳng định chi phí sản xuất cho toàn bộ diện tích đó chỉ mất khoảng 1 - 1,2 triệu đồng.

Thửa ruộng cụ Rộng cho vợ chồng con trai, con dâu thuê trong khoảng 10 năm.

Bản án lương tâm ngay tại phiên tòa

Hôm tòa xử phúc thẩm, cả cán bộ tòa án, cả người dân Chí Tân đều rơi nước mắt khi nhìn bà cụ gần 90 tuổi đầu, gầy gò trước vành móng ngựa. Tòa hỏi về việc cụ Rộng nói vợ chồng ông Hải đã 2 năm không trả tiền thuê ruộng thì ông Hải bảo trả thiếu có 300 nghìn. Ông Hải đứng trước gần hai trăm con người, cúi gằm mặt xuống đất. Thẩm phán Vũ Thị Thu Hà nói: “300 nghìn với vợ chồng ông không là gì, nhưng với bà cụ là bằng cả một tháng ăn đấy!... Ông Hải, ông cứ ngẩng mặt lên, nhìn thẳng tôi trả lời, ông có nuôi mẹ ngày nào không?”. Người đàn ông gần 60 tuổi ấy trả lời rằng không. Bà Hà nói tiếp: “Anh là con trai trưởng của bị cáo, là chủ gia đình, lẽ ra anh phải đứng ở giữa để xem xét. Không ai trả tiền rồi mà lại nói chưa trả. Còn nếu kể cả người già có lẫn, một triệu rưỡi nữa trả cũng không đáng gì, đừng làm việc gì trái luân thường đạo lý. Việc phải đưa vụ án ra xét xử như ngày hôm nay, HĐXX chúng tôi cũng cảm thấy rất đau lòng. Mình là con, mình không nuôi được mẹ, không giúp được mẹ thì để mẹ cho người khác thuê”. Bà Hà vừa dứt lời, tất cả những người có mặt ở phiên tòa hôm ấy đều đứng dậy vỗ tay.

Tôi hỏi: “Cụ có ghét bỏ gì vợ chồng ông Hải, bà Én không mà họ lại đối xử với cụ như thế?”. Bà Bùi Thị Khá (cùng thôn Nghi Xuyên) đang cắt nghệ nói xen vào: “Cụ ấy có ghét bỏ gì ai bao giờ đâu”. Tôi lại hỏi: “Thế bà con dâu cụ có bình thường không?”. Bà Khá: “Còn khôn ranh ấy chứ. Nhưng đúng là do tính người cả thôi”. Cụ Rộng thì: “Tôi bán cái vườn được 120 triệu cho thằng Quý làm nhà ở quê vợ, nó có đến 7 đứa con”. Tôi hỏi tiếp: “Nhà ông Hải ở cũng là đất cụ chia cho à?”. Cụ Rộng: “Không. Đất đấy là chị gái với anh rể nó bán rẻ cho. Người ta cứ bảo không nghĩ nữa, nhưng mình dứt ruột đẻ nó ra, giờ nó đối với mình vậy, mình không nghĩ thế nào được…”. Chưa dứt câu, cụ Rộng đã lủi thủi đứng dậy đi về. Những người hàng xóm nhìn cụ Rộng lẩn thẩn ngoài trời mưa mà thở dài: “Kể cả bà cụ có sai hay có thế nào đi nữa thì đạo làm con cũng không nên và không được phép đưa mẹ ra tòa, đẩy mẹ vào cảnh tù tội như thế”.

Tại phiên xử phúc thẩm, HĐXX đã quyết định hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Khoái Châu, chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại. Vì trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT Công an huyện Khoái Châu đã không sử dụng các biện pháp điều tra hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ để làm rõ những chứng cứ xác định giá trị tài sản bị hủy hoại của vụ án như: Không lấy lời khai của người bị hại và điều tra tại địa phương để làm rõ mô hình sản xuất của bị hại; Không xác minh tại Phòng Nông nghiệp huyện Khoái Châu cũng như HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện để làm rõ về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lạc trồng xen canh; Không tổ chức cho Hội đồng định giá tài sản xem tài sản hoặc mẫu tài sản và nghiên cứu các thông tin, tài liệu có liên quan đến tài sản cần định giá theo quy định tại Điều 14 Nghị định 26/2005 NĐ-CP; không điều tra, làm rõ các chi phí từ khi cày bừa, bón phân, gieo hạt... đến khi cây cao khoảng 10cm dẫn đến các khoản chi phí chưa được kiểm tra trên thực tế, chưa xem xét giá trị thực tế của tài sản cần định giá, thể hiện sự thiếu khách quan, vi phạm Điều 2 của Nghị định 26/2005 NĐ-CP...

Luật sư Trương Văn An - người bào chữa cho ông Chu Văn Quý chia sẻ: “Đây là vụ án hy hữu, con cái kiện mẹ, anh kiện em, đưa mẹ và em ra vành móng ngựa. Vẫn biết pháp luật rất sòng phẳng với những hành vi sai trái, song chúng ta cũng không cổ súy cho những hành vi mà tình mẫu tử bị tát cạn bởi đồng tiền như vụ án này. Không có gì đáng để người mẹ già 88 tuổi phải ra đứng trước vành móng ngựa...”.

Minh Quang

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/khi-chu-hieu-bang-gia-hai-sao-lac-n127301.html