Khi “chúa sơn lâm” bên bờ vực tuyệt chủng

Trong khi đang không ít người lùng tìm xương hổ về để nấu cao; trong lúc cả thế giới lên tiếng bảo vệ cho loài vật được coi là “oai linh rừng thẳm” này; trong lúc các nhà nghiên cứu, bảo vệ động vật hoang dã ngày đêm lo tìm cách cứu loài hổ khỏi sự tuyệt chủng, thì ở tỉnh Bình Dương, đã tồn tại câu chuyện về hổ đẻ. Loài hổ nhà, có thể phát triển, không hiểu sao lại nằm ngoài những dự án bảo tồn!?

Hổ - con đường diệt vong Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết, cách đây 10 năm, theo số liệu khảo sát của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên (WWF), số hổ ngoài tự nhiên ở Việt Nam là 100 con. Thế nhưng, theo ông Nguyên, hiện nay, số lượng hổ hoang dã chắc chắn không còn đủ 100 con. Từ thập niên 60 của thế kỷ XX trở về trước, hổ phân bố ở khắp các vùng rừng núi, thậm chí cả ở vùng trung du và hải đảo. Những nơi nổi tiếng nhiều hổ như Ba Chẽ (Quảng Ninh), Quản Bạ (Hà Giang), Dốc Cun (Hòa Bình), Mường Nhé (Lai Châu), Ba Rền, U Bò, Trúc (Quảng Bình), Ba Tơ (Quảng Ngãi), Phú Yên, Khánh Hòa, K’Bang (Gia Lai), Sa Thầy (Kon Tum)... Còn theo Tiến sĩ (TS) Nguyễn Mạnh Hà, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và đa dạng sinh học Đại học Quốc gia Hà Nội, số liệu của các cơ quan chức năng đưa ra số lượng hổ trong tự nhiên ở Việt Nam khoảng 50-150 con. Tuy nhiên, ước đoán của ông Hà, con số có tính hiện thực cao hơn là không quá 50 con, thậm chí không quá 20 con. Những thông tin hiện nay về hổ ngoài tự nhiên ở Việt Nam là rất mơ hồ. Hình ảnh gần đây nhất ghi nhận về sự tồn tại của một con hổ hoang dã trong tự nhiên chính là bức ảnh do bẫy ảnh chụp được tại Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An) vào năm 1998. Cũng vào năm này, một người dân ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) bẫy được một "chú" hổ con, cá thể hổ này đã được kiểm lâm thu giữ, sau chuyển về nuôi tại Vườn thú Hà Nội, được đặt tên là Lâm Nhi. Người ta cho rằng, hổ chỉ còn tồn tại ở vùng rừng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, dải Trường Sơn, Pù Mát. Ngay cả vùng núi phía Bắc, nơi trước đây có rất nhiều hổ sinh sống đã bị mất tên trên bản đồ phân vùng có hổ. Như ở Đắk Lắk, trước đây loài hổ phân bố nhiều tại các khu rừng rậm thuộc các địa bàn rừng Yok Đôn, vùng biên giới buôn Đôn, Ea Súp, sống trên rừng núi Cư Yang Sin (huyện Krông Bông); trong khu rừng rậm Nam Kar (Đắk Lắk), buôn Za Wầm (Cư M'ga), Ea Sô (Ea Kar) và các khu rừng bên trảng cỏ các huyện M'Đrắk, Krông Năng, Ea H'leo vẫn thường gặp hổ. Cách đây 20-25 năm, trong khu rừng rậm Nam Kar là khu bảo tồn thiên nhiên có nhiều cá thể hổ sinh sống cùng với nhiều loài động vật hoang dã tại đây, nhưng nay hổ ở đây đã hoàn toàn biến mất. Các khu rừng rậm nguyên sinh thuộc các huyện Cư M'Gar, Krông Năng, Ea H'leo, vùng biên giới buôn Đôn, Ea Súp trước đây có khá nhiều động vật hoang dã và nhiều cá thể hổ, nhưng nay không ai còn nghe thấy những tiếng gầm oai dũng của chúng nữa. Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, cách đây hơn chục năm các nhà khoa học vẫn thấy dấu vết hổ sinh sống. Nạn săn trộm và sự tàn phá rừng, các loại động vật quý hiếm của khu đa dạng sinh học này như bò tót, bò rừng đang chỉ tồn tại rất ít, loài hổ và hươu đầm lầy là động vật rất quý ở đây nay cũng không còn. Theo các nhà khoa học, hiện nay chỉ còn một số cá thể hổ đang sống trong rừng Vườn Quốc gia Yok Đôn và Cư Yang Sin. Tuy vậy, số cá thể hổ ít ỏi này không biết còn tồn tại được bao lâu... Trên thế giới, số phận của hổ cũng đang rất nguy cấp. 3 trong số 9 loài hổ chính của thế giới: Hổ Bali, hổ Caspian và hổ Java hiện đã bị xóa sổ, chỉ còn lại hổ Bengal, Amur, Indochinese, Sumatran và hổ Malayan còn tồn tại nhưng số lượng rất hạn chế. Một số tài liệu thống kê, hiện nay, trên toàn thế giới chỉ còn khoảng 3.200 con hổ còn sống sót và sự tồn tại của chúng đang bị đe dọa bởi nạn săn bắn, môi trường sống bị phá hủy và biến đổi khí hậu. Theo ước tính, Bangladesh còn khoảng 200 cá thể, đặc biệt là ở khu vực Sunderbans, Ấn Độ là 1.400 con, ở Nepal là 120 con, Nga còn khoảng 400 con, Malaysia 500 con. Số lượng hổ ở Trung Quốc có thể không vượt quá 30 con. Hổ bị săn lùng trên khắp thế giới để lấy da, móng vuốt vì da hổ và móng vuốt hổ vẫn được coi là mặt hàng xa xỉ ở một số nước, không ít quốc gia châu Á người ta giết hổ để lấy xương, vì xương hổ được xem là một vị thuốc quý có thể trị bách bệnh (dù chưa có một chứng minh khoa học nào về tác dụng của cao hổ với sức khỏe con người). Ngày 10/2/2010, WWF lần đầu tiên công bố bản đồ tương tác về hổ. Bản đồ - cung cấp thông tin về 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có hổ, một cái nhìn tổng thể về những mối đe dọa dành cho loài hổ hoang dã. Nó được công bố khi nhiều quốc gia tại châu Á và trên thế giới chuẩn bị chào đón năm Canh Dần từ ngày 14/2/2010. Ông Mike Baltzer, Trưởng nhóm sáng kiến về hổ của WWF, phát biểu: "Hổ đang bị ngược đãi ở những nơi chúng cư trú. Chúng bị đầu độc, săn bắt, đánh bẫy, lùng bắn và bị đẩy ra khỏi nơi sinh sống". Những mối đe dọa khác đối với loài hổ hoang dã cũng được đánh dấu trên bản đồ, bao gồm: Các công ty bột giấy, giấy, dầu cọ và cao su đang làm cạn kiệt các khu rừng ở Indonesia và Malaysia - nơi đang còn cá thể hổ hoang dã sinh sống. Hàng trăm công trình và dự án xây dựng đập và đường mới trong khu vực tiểu sông Mekong sẽ triệt tiêu khu sinh sống của hổ. Tình trạng buôn bán trái phép xương, da và thịt hổ vẫn tiếp diễn ở khu vực Đông, Đông Nam Á và những nơi khác. Sau một nghiên cứu tại Việt Nam, 1 trong 13 nước còn trên bản đồ hổ, WWF đã đưa ra nhận định: Hổ ở Việt Nam vẫn đang đứng trước nguy cơ diệt vong cao, do khả năng thích nghi thấp với các sinh cảnh manh mún, quần thể nhỏ. Theo các nhà bảo vệ loài vật này thì với tình trạng săn bắn hổ ngày càng gia tăng, nếu không có chính sách quản lý, bảo vệ và bảo tồn hổ thỏa đáng, số lượng hổ ít ỏi còn lại ở một số khu rừng sẽ bị tiêu diệt trong một ngày không xa. WWF cũng nhấn mạnh, chính nhu cầu ngày càng tăng trong việc sử dụng các bộ phận của hổ trong các bài thuốc cổ truyền đã trở thành nguyên nhân chính đẩy loài hổ tại khu vực Đông Dương đến bờ tuyệt chủng.

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/phongsu/2010/3/71704.cand