Khi đại gia ‘chết sặc’ vì… tiền

(ĐVO) Giàu lại tham, nhiều tỷ phú thế giới đã bị cuốn vào vòng xoáy tiền bạc… để rồi có kết cục thật bi thương.

Tù mọt gông vì… lừa đảo

Vào ngày 14/6, nhà tài phiệt có thế lực người Mỹ Allen Stanford đã bị tuyên án 110 năm tù vì tội lừa đảo các nhà đầu tư hơn 7 tỷ USD theo mô hình đa cấp Ponzi.

Thẩm phán Mỹ David Hittner tuyên bố vụ Stanford nằm trong số những vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử và các nhà đầu tư bị mất tiền vào tay tỷ phú lừa đảo này, đã lâm vào hoàn cảnh tồi tệ hơn cả các nạn nhân của siêu lừa Bernard Madoff - cha đẻ một mô hình Ponzi nổi tiếng khác.

Nhà tài phiệt có thế lực người Mỹ Allen Stanford đã bị tuyên án 110 năm tù.

Với bản án 110 năm tù, trùm lừa đảo 62 tuổi gần như chắc chắn sẽ không bao giờ được tự do trở lại. Và bản án này được cho là khiến nhiều người hài lòng nhưng vẫn khó mang lại tình hình tài chính khả quan cho khoảng 30.000 nhà đầu tư đến từ hơn 100 quốc gia, những người bị lừa gạt bởi các khoản đầu tư giả mạo tại Ngân hàng Quốc tế Stanford.

Đến nay, cơ quan điều tra vẫn không thể tìm ra 92% trong số 8 tỷ USD mà ngân hàng này tuyên bố sở hữu trong các nguồn dự trữ tiền mặt và bất động sản.

Vào tháng 3 vừa qua, một bồi thẩm đoàn đã kết án siêu lừa Stanford 13 tội danh, trong đó có tội danh lừa đảo, bán các giấy chứng nhận tài khoản ký gửi từ ngân hàng của ông ta ở đảo Antigua thuộc vùng Caribe cho hàng nghìn nhà đầu tư tại Mỹ và Nam Mỹ. Ông ta đã chi số tiền lừa đảo này để mua sắm du thuyền, tài trợ cho một giải đấu cricket và hưởng thụ cuộc sống xa hoa, trác táng. Tuy nhiên, Stanford bác bỏ các tội danh lừa đảo hay điều hành mô hình đa cấp Ponzi, đồng thời lên án Chính phủ Mỹ hủy hoại một doanh nghiệp mà theo ông ta có đủ tài sản để hoàn trả cho những người gửi tiền.

Trước đó, hồi tháng 5, Ngô Anh, 31 tuổi, nữ tỷ phú Trung Quốc phạm tội lừa đảo hàng chục triệu USD, vừa được tòa cho hoãn thi hành án tử hình hai năm. Nhật báo Trung Hoa cho biết, quyết định hoãn thi hành án đồng nghĩa với việc Ngô Anh có thể được giảm án xuống còn tù chung thân hoặc ít hơn. Tờ BBC cũng cho hay, về lý thuyết, Ngô vẫn phải đối mặt với án tử nhưng cô có thể được giảm án xuống tù chung thân nếu được đánh giá là cải tạo tốt.

Lớn lên ở vùng nông thôn nghèo khó của Chiết Giang, Ngô Anh mở một tiệm làm tóc hồi năm 1997, sau đó nới rộng dần mạng lưới kinh doanh, rồi sáng lập Tập đoàn Bense Holding, kinh doanh khách sạn, tổ chức tiệc cưới, các tiệm giặt là và nhiều danh mục đầu tư khác.

Nữ tỷ phú từng được xếp hạng là một trong những phụ nữ giàu nhất Trung Quốc năm 2006, với tổng tài sản lên tới 3,6 tỷ nhân dân tệ (tương đương 571,4 triệu USD). Cô được báo giới Trung Quốc ca ngợi như một hình mẫu cho giới doanh nhân trẻ. Danh sách tài sản của Ngô có hơn 100 bất động sản, 41 xe hơi với những chiếc BMW và Ferrari đắt tiền.

Bà chủ của Bense Holding bị bắt năm 2007 và bị tuyên án tử hình năm 2009, với tội danh lừa đảo 11 nhà đầu tư lấy 380 triệu nhân dân tệ (tương đương 60,2 triệu USD). Tuy nhiên, án tử hình dành cho nữ tỷ phú xinh đẹp vấp phải nhiều phản đối và đề nghị khoan hồng bởi cho rằng bản án này là quá nặng đối với một tội phạm kinh tế, lại là phụ nữ đi lên từ tay trắng. Đến tháng tư vừa qua, Tòa án Tối cao Nhân dân Trung Quốc tuyên bố trả hồ sơ cho tòa án tỉnh Chiết Giang xét xử lại.

Tự tử để… trốn nợ

Một doanh nhân bất động sản cỡ bự ở Trung Quốc, vừa treo cổ tự tử trong khách sạn vì mất khả năng trả nợ. Vụ việc được xem là một trong những “tác dụng phụ” từ những nỗ lực thắt chặt thị trường nhà đất của Bắc Kinh khiến giá nhà suy giảm.

Báo WantChina Times dẫn nguồn tin báo National Business Daily của Trung Quốc cho biết, vụ tự tử của “đại gia” địa ốc nói trên diễn ra hôm 6/6 vừa rồi. Người này là ông Wei Gang, Chủ tịch công ty bất động sản Shengda Real Estate Development, doanh nghiệp nhà đất lớn nhất ở Bao Đầu, Nội Mông, Trung Quốc. Ông Wei để lại khoản nợ 700 triệu Nhân dân tệ, tương đương 111 triệu USD, tương đương 2.231 tỷ đồng Nhân dân tệ. Thế nhưng, có một số nguồn tin cho rằng, số nợ của doanh nhân này lên tới 1 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 158 triệu USD.

Hai ngày sau cái chết của ông Wei, khoảng 300 người trước đó đã mua căn hộ trả góp của công ty Shengda nộp đơn đòi quyền sở hữu những căn nhà còn chưa được hoàn thiện, mà họ đã trả một phần tiền. Nguyên do là họ lo ngại căn hộ mình đã bỏ tiền mua, sẽ không được hoàn thiện sau cái chết của ông Wei, vì trước đó, việc xây dựng các dự án nhà ở của công ty Shengda gần như bị đình trệ. Một quản đốc của Shengda cho biết, 191 nhân viên trong công ty này chưa hề được trả lương suốt từ tháng 10 năm ngoái đến nay.

Shengda bắt đầu rơi vào cảnh kẹt tiền từ năm ngoái sau khi doanh số bán căn hộ suy giảm. Kể từ đó, công ty này không thể trả nổi tiền lãi vay. Để giải quyết khủng hoảng, ông Wei giảm giá bán nhà, thậm chí giảm giá thêm cho những người mua nhà thanh toán một lần. Tuy nhiên, những nỗ lực này không đủ để cứu vãn tình thế. Ông We chuyển sang vay tiền từ thị trường tín dụng “đen”, nơi lãi suất cho vay cao gấp 5 lần so với ở các ngân hàng… để rồi dẫn đến kết cục bi thảm trên.

Hiện, ông Wei là vị doanh nhân bất động sản lớn thứ hai tự vẫn vì nợ nần ở Trung Quốc trong mấy năm trở lại đây. Tháng 4 năm ngoái, một cựu tỷ phú địa ốc có tên Jin Libin đã tự thiêu mình, để lại số nợ 1,46 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 230,5 triệu USD.

Cũng trốn nợ và tự sát nhưng nữ tỷ phú Cố Xuân Phương đã không thể toại nguyện ước vọng. Vào tháng 3, sau một thời gian trốn chạy Singapore rồi lại quay về Thượng Hải, cảnh sát thành phố Thường Thục (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) đã bắt giữ Cố Xuân Phương tại Thượng Hải, đại diện pháp lý của công ty Khải Duy Long, vì nghi án huy động nguồn vốn bất hợp pháp với tổng số tiền lên đến 600 triệu Nhân dân tệ (95 triệu USD).

Tờ Xinhua cho hay, khi bị bắt, nữ tỷ phú họ Cố có ý định tự sát và bị thương, tuy nhiên không nguy hiểm đến tính mạng và không ảnh hưởng đến quá trình điều tra.

Báo chí Trung Quốc cho biết, Cố Xuân Phương 40 tuổi, cao hơn 1m7, được mệnh danh là "nữ doanh nhân đẹp nhất tỉnh Giang Tô". Công ty của Cố chủ yếu kinh doanh trong ngành than, ngoài ra Cố còn có một công ty thương mại khác cùng với cửa hàng thời trang và salon làm đẹp cao cấp.

Với lý do thiếu vốn làm ăn và thủ đoạn vay nóng, hứa trả lãi suất cao, từ năm 2008 đến trước khi bỏ trốn, Cố đã vay được lượng lớn tiền của các cá nhân và của cả ngân hàng. Số tiền vay và lãi ngày một lớn, không thể trả được, Cố bỏ trốn.

Các chủ nợ cho biết họ nghi ngờ và cảnh giác với Cố từ tháng 2, sau vụ một thương gia khác là Chu Tư Dương, cũng ở Thường Thục, bỏ trốn với 230 triệu tệ (36 triệu USD). Các chủ nợ bắt đầu ráo riết đòi Cố trả tiền. Nhiều người thuê công ty đòi nợ và thám tử đeo bám Cố. Có thám tử còn theo Cố bay đến tận Bắc Kinh hoặc chầu chực trước cổng biệt thự của cô ta nhưng không đòi được…

Như vậy, chỉ vì tiền, một số tỷ phú đã "chết sặc, không kịp ngáp"!

Đang đọc nhiều:

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/Home/kinhte/Khi-dai-gia-chet-sac-vi-tien/20126/217206.datviet