Khi đạo diễn phim và giới báo chí cãi nhau chan chát

Trong mối quan hệ giữa đạo diễn phim (hay nhà văn) với giới phê bình - dù ở Hollywood hay Việt Nam - vẫn thường bùng lên không ít xung đột gay gắt, thậm chí biến thành bút chiến.

Nếu một bộ phim nhận được đánh giá tích cực từ giới phê bình thì không có chuyện gì xảy ra. Nhưng khi một bộ phim bị đánh giá tiêu cực, không ít đạo diễn và nhà sản xuất lại quay ra đổ tội hoặc “tố” ngược giới phê bình “giết đứa con của họ từ trong trứng nước”.

Thậm chí cay cú hơn, một số nhà làm phim lớn tiếng tuyên bố nhà báo “không đủ tư cách, chuyên môn để phê bình phim họ”. Tệ hại hơn nữa là những màn đôi co, tranh cãi qua lại với câu chốt đầy tính ngụy biện là “có giỏi thì đi làm phim đi rồi hãy chê”.

Câu chuyện về cuộc chiến giữa đạo diễn phim và giới phê bình - báo chí dường như không có hồi kết, và không chỉ ở xứ ta mà còn ở xứ Tây, nơi mà hai trang web tập hợp những bài điểm phim của giới phê bình phim là Rotten TomatoesMetacritic ngày càng có sức ảnh hưởng và quyết định đến doanh thu của bộ phim.

Deuce Bigalow: Male Gigolo bị báo chí chê là thảm họa, khiến Rob Schneider cay cú. Ảnh: Cineplex.

Bút chiến Rob Schneider - Roger Ebert

Rob Schneider là một diễn viên hài khá nổi tiếng của Hollywood và thành công với những bộ phim “hài dơ” mà đôi lúc anh vừa là diễn viên chính, đạo diễn kiêm nhà sản xuất. Năm 1999, Schneider thủ vai chính trong bộ phim hài Deuce Bigalow: Male Gigolo (Điếm đực).

Bộ phim hài có kinh phí 17 triệu USD nhưng thu về gần 100 triệu USD tiền vé khắp toàn cầu, chưa kể tiền bán bản quyền DVD đắt như tôm tươi. Khoảng 6 năm sau, Rob Schneider tái diễn vai anh chàng điếm đực trong phần hai có tên Deuce Bigalow 2: European Gigolo với bối cảnh chính là thành phố Amsterdam nổi tiếng với “khu đèn đỏ”.

Sau thành công của phần một, Schneider bỏ tiền đầu tư cho phần hai cùng với hai người bạn “đồng chí hướng hài dơ” của mình là Adam Sandler và Jack Giarraputo. Bộ ba rất tự tin vào chiến thắng phòng vé. Khỏi phải nói về độ “dơ và nhảm” của phần tiếp theo này như thế nào, ngay từ khi mới ra mắt ở Mỹ, phim đã nhận được một trận “mưa bom” của giới phê bình.

Phim đạt số điểm vỏn vẹn 9% trên trang Rotten Tomatoes, trong đó có bài chỉ trích thâm thúy và chế giễu của nhà phê bình Patrick Goldstein trên tờ Los Angeles Times. Doanh thu tuần đầu tiên thấp hơn kỳ vọng rất nhiều khiến Schneider nổi xung.

Anh ta bỏ tiền ra mua hẳn hai trang quảng cáo nguyên trang trên hai tờ chuyên về điện ảnh nổi tiếng của Mỹ là Daily VarietyHollywood Reporter để... tấn công cá nhân Patrick Goldstein.

Trong bài viết của mình, Patrick Goldstein chỉ ra nguyên do các studio lớn của Mỹ ngày càng “biến chất” vì tập trung làm những bộ phim phần tiếp theo nhảm nhí, rẻ tiền và hài “hạng ba” kiểu Deuce Bigalow để kiếm tiền thay vì làm những bộ phim chất lượng.

“Phản công lại”, Rob Schneider, dù với ngôn từ khá nhã nhặn, vẫn không giấu được cơn thịnh nộ. “Vâng, thưa ông Goldstein, vì ông bình luận về tôi và những bộ phim của tôi không được đề cử Oscar, nên tôi quyết định tìm hiểu xem ông đã đoạt được những giải thưởng gì”, Schneider viết.

“Tôi đã lục lọi khắp nơi và phát hiện ra rằng ông không đoạt được bất cứ giải thưởng gì trong lĩnh vực báo chí. Thật đáng thất vọng, tôi vào phần dữ liệu của giải Pulitzer để tìm kiếm những người đã đoạt giải và đề cử rồi gõ tên ông. Thật buồn là quý ngài Patrick Goldstein không có tên trong bất cứ một hạng mục đề cử hay đoạt giải nào của Pulitzer”, diễn viên hài diễu cợt.

“Chẳng ai trên thế giới này biết đến sự tồn tại của ông. Và thật ngạc nhiên khi tờ LA Times lại thuê một người như ông cho một bài viết phê bình nguyên trang trên tờ của họ. Ông chỉ là một nhà báo hạng ba, kém hài hước, thùng rỗng kêu to mà thôi”, Schneider khẳng định.

Khôngai muốn làm phim dở, nhưng…

Cuộc tấn công sặc mùi chỉ trích cá nhân của Rob Schneider khá ầm ĩ trên báo chí và giới truyền thông vào cuộc. Một trong những bài đáp trả được giới phê bình và khán giả hả dạ nhất là của nhà phê bình danh tiếng Roger Ebert.

Roger Ebert là nhà phê bình điện ảnh đầu tiên đoạt giải Pulitzer. Ảnh: CNN.

Ông Ebert là nhà phê bình phim được yêu thích hàng đầu ở Mỹ và cũng là người đầu tiên đoạt giải Pulitzer cho hạng mục Phê bình phim. Ông chấm bộ phim Deuce Bigalow: European Gigolo 0/4 sao và viết đây là “một bộ phim dở thậm tệ, nếu không muốn nói là... xúc phạm người xem”.

Chưa hết, ông Ebert nhấn mạnh: “Thưa anh Rob Schneider, với tư cách là một người đoạt giải Pulitzer, tôi khẳng định rằng phim của anh dở tệ” (nguyên văn: “your movie sucks”). Cụm từ “Your Movie Sucks” nổi tiếng đến mức sau đó được Ebert lấy để làm nhan đề cho một cuốn sách tập hợp những bài bình các bộ phim dở nhất của điện ảnh Mỹ.

Deuce Bigalow của Rob Schneider được xếp đầu tiên trong số đó, và nó cũng trở thành cụm từ phổ biến của khán giả đại chúng khi muốn nói đến một bộ phim nào đó quá dở.

Schneider tất nhiên... tắt đài, nhất là khi bộ phim ngậm quả đắng tại phòng vé (tất nhiên không đến mức thua lỗ vì độ hài dơ và cuộc bút chiến ồn ào vẫn thu hút được một lượng khán giả tò mò).

Mùa giải năm đó, riêng Schneider một mình ôm... năm đề cử Mâm xôi vàng cho phim dở nhất, phim phần tiếp theo dở nhất, kịch bản dở nhất, màn hợp tác tồi nhất và nam diễn viên chính dở nhất. May mắn cho Schneider là anh “thắng” giải nam diễn viên chính tồi nhất.

“Mối thù” của Rob Schneider và Roger Ebert cuối cùng lại kết thúc trong hòa bình. Tám năm sau, trong giai đoạn ông Ebert điều trị căn bệnh ung thư tuyến giáp, Schneider lại là người chủ động đến dàn hòa, chúc ông mau khỏi bệnh.

Ông Ebert đáp lại rằng: “Rob Schneider có thể (theo thiển ý của tôi) làm ra một bộ phim tồi, nhưng anh ấy không phải là một người xấu”. Năm 2013, khi Ebert qua đời, Schneider tiếp tục viết một lá thư cho vợ của ông là Chaz Ebert.

Lá thư được bà công bố trên trang web phê bình điện ảnh RogerEbert.com như một di sản mà ông để lại. Trong lá thư đó, Schneider thừa nhận sự nóng nảy của mình và đề cao sự phân tích có tình có lý của ông Ebert.

“Như Ebert nói, không ai muốn làm ra một bộ phim dở, nhưng chuyện đó vẫn luôn xảy ra…Ngay cả khi ông ấy ghét bộ phim của tôi, tôi vẫn thấy vui vẻ vì ông ấy phân tích những sai sót của nó, khác với những bài tấn công và miệt thị cá nhân của những cây bút khác”.

Chồng đau, vợ xót

Câu chuyện thứ hai này không đến mức biến thành một cuộc bút chiến trên báo chí vì không ai nỡ... đánh lại phụ nữ, dù chỉ là một cành hoa, huống gì là những lời lẽ cay đắng. Chuyện bắt đầu từ khi bộ phim lãng mạn The Light Between the Oceans (chiếu tại Việt Nam với tên Ánh đèn giữa hai đại dương) của đạo diễn Derek Cianfrance.

Phim trắng tay tại LHP Venice năm 2016 và thất bại thê thảm tại phòng vé dù được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng và có sự góp mặt của hai ngôi sao sáng giá Michael Fassbender và Alicia Vikander.

The Light Between the Oceans được kỳ vọng nhưng cuối cùng bị giới phê bình ghẻ lạnh. Ảnh: Screen Rant.

Bản thân đạo diễn Cianfrance cũng là một tài năng đang lên được giới phê bình ủng hộ (hai bộ phim trước đó của anh là Blue ValentineThe Place Beyond the Pines đều thành công và được khá nhiều giải thưởng).

Nhưng bộ phim lãng mạn đầy tham vọng được đề cử Oscar 2017 này bị dội một gáo nước lạnh của giới phê bình phim với những ngôn từ khá nặng nề như “sến súa, chảy nước, lỗi thời”.

Những bài bình luận tiêu cực được công bố trước khi bộ phim ra mắt chính thức tại LHP Venice và ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của nó tại thị trường Bắc Mỹ sau đó. Với kinh phí 20 triệu USD, phim chỉ thu được 4,8 triệu USD trong tuần mở màn và nguội dần rất nhanh, cuối cùng kết thúc ở mức 11 triệu USD.

Đạo diễn Cianfrance thất vọng đến mức mất ngủ và trầm cảm. Vợ của anh - vốn cũng là một nhà làm phim và một cây bút sắc sảo - lập tức đăng đàn với một bài tiểu luận, chỉ trích nặng nề giới phê bình phim đã làm ảnh hưởng đến doanh thu của bộ phim “ít nhất là vài triệu USD trong tuần đầu tiên”.

Trong bài viết của mình, Shannon Plumb - vợ của đạo diễn - cho rằng các nhà phê bình chơi xấu khi tung những bài điểm phim tiêu cực vài ngày trước thời điểm bộ phim ra mắt chính thức.

“Có một luật bất thành văn trong phê bình điện ảnh là không ai đăng bài bình luận của họ trước khi bộ phim ra mắt chính thức. Nhưng đã có năm bài bình luận đã được đăng trước hai ngày bộ phim của chồng tôi ra mắt tại Venice”, bà viết.

“Những nhà phê bình phá vỡ luật bất thành văn này. Họ thử nghiệm ngôn từ của họ như Bắc Triều Tiên thử nghiệm bom nguyên tử hạt nhân. Hãy xem tôi có thể làm gì, dường như họ muốn nói vậy”, bà kể tội.

“Các nhà phê bình không phải là tiếng nói của khán giả, nhưng họ có thể ảnh hưởng đến danh tiếng và sự thành công của bộ phim. Bằng các bài bình luận tiêu cực đăng sớm để chống lại The Light Between the Oceans, họ đã làm giảm ít nhất vài triệu USD trong tuần đầu tiên ra mắt, tuần quyết định sự sống còn của bộ phim”.

Ai dám từ chối những bài phê bình?

Bài viết của vợ đạo diễn Cianfrance bị đánh giá là cực đoan và ít nhiều nặng nề, chụp mũ giới phê bình. Bà không nhắc gì đến những bài bình luận tích cực của giới phê bình dành cho hai bộ phim trước đó của chồng bà.

Tuy nhiên, nó tạo ra một tiếng vang nhất định và cho thấy sức ảnh hưởng của những bài phê bình phim đến sự thành công hay thất bại của một bộ phim, đặc biệt là những bộ phim nghệ thuật vốn chịu rất nhiều thiệt thòi trong việc chinh phục khán giả nếu nhận phê bình tiêu cực.

Một trong những đạo diễn ủng hộ bài viết này là Xavier Dolan, nhà làm phim nghệ thuật mới 28 tuổi nhưng giành được khá nhiều giải thưởng tại LHP Cannes. Bộ phim gần đây nhất của anh là It’s Only the End of the World nhận được những phê bình tiêu cực của nhà báo khi ra mắt.

Những trang web tổng hợp bài phê bình điện ảnh như Rotten Tomatoes đang trở thành thế lực tại Hollywood.

Nhưng sau đó phim đoạt Giải thưởng Lớn tại Cannes, khiến báo giới la ó trong đêm trao giải. Sự kiện này đã mở rộng chủ đề về cuộc chiến giữa giới phê bình và đạo diễn phim.

Anh nói rằng đó là lý do tại sao anh không gửi bộ phim mới nhất của mình là The Death and Life of John F. Donovan (có dàn sao nổi tiếng gồm Natalie Portman, Jessica Chastain, Kit Harrington, Adele...) đến LHP Cannes năm sau. Bởi anh “không muốn đứa con tinh thần của mình bị hiếp đáp, bắt nạt hay căm ghét bởi những nhà phê bình điện ảnh” trước khi nó có đời sống riêng tại các rạp chiếu.

Nhưng có đạo diễn nào có đủ can đảm từ chối những bài phê bình hay điểm phim của giới phê bình điện ảnh hay báo chí như Xavier Dolan? Bởi những bài phê bình hay điểm phim thực ra cũng là một dạng PR và marketing không mất tiền dành cho các bộ phim.

Và điều tồi tệ nhất với những đạo diễn hay các bộ phim, không phải là chuyện được khen hay hoặc bị chê dở, mà không được giới phê bình hay báo chí ngó ngàng gì tới.

Lê Hồng Lâm

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khi-dao-dien-phim-va-gioi-bao-chi-cai-nhau-chan-chat-post771301.html