Khi gameshow nói không với nhà tài trợ

Thời gian gần đây, Gương mặt thân quen là một trong số ít những gameshow không còn bóng dáng của nhãn hàng tài trợ...

Gameshow “Gương mặt thân quen” sau 4 mùa lên sóng đã không có nhà tài trợ nhưng vẫn hút người xem - Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Gameshow “Gương mặt thân quen” sau 4 mùa lên sóng đã không có nhà tài trợ nhưng vẫn hút người xem - Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Nhà sản xuất từ chối nhà tài trợ

Bước sang mùa thứ 5, Gương mặt thân quen không còn ồn ào và nhận được sự quan tâm như những mùa trước. Vẫn format cũ, vẫn giàn giám khảo cũ, MC cũ nhưng năm nay đã không còn sự xuất hiện của nhà tài trợ. Không ít người cho rằng, chương trình đã quá nhạt và không còn sức hấp dẫn nên các các nhà tài trợ cũng rút lui. Tuy nhiên, bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty Sóng Vàng Production phủ nhận điều này. Bà cho biết, nếu lượng người xem giảm và không có tài trợ thì nhà sản xuất đã không dám thực hiện chương trình. Theo bà Liên, sở dĩ năm nay Gương mặt thân quen không có nhà tài trợ do nhà sản xuất muốn thỏa sức sáng tạo mà không bị ảnh hưởng bởi ràng buộc của nhãn hàng tài trợ.

Lời lý giải này có phần hợp lý nếu xét ở khía cạnh nội dung mà nhà sản xuất muốn nhắm tới. Bởi lẽ không phải đến Gương mặt thân quen, đã có nhiều gameshow trước đó không có bóng dáng của nhãn hàng, nhà tài trợ nào như Đường tới danh ca vọng cổ, Sao nối ngôi, Hãy nghe tôi hát, Tiếu lâm tứ trụ… Đây đều là những chương trình thu hút sự chú ý khi tập trung vào chất lượng thay vì các chiêu trò. Minh chứng là, Sao nối ngôi đã giành giải “Chương trình được yêu thích nhất” trong lễ trao giải Mai vàng 2016, Tiếu lâm tứ trụ cũng được khán giả khen ngợi khi nói không với hài nhảm.

Ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Jet Studio cho biết, mỗi nhà sản xuất chương trình đều có một tiêu chí riêng khi sản xuất chương trình và mời tài trợ. Đơn vị của ông không muốn bị can thiệp vào nội dung, làm ảnh hưởng tới chương trình, cũng như muốn chương trình sạch hơn nên hạn chế nhà tài trợ. Đồng thời, chỉ nhà tài trợ nào đáp ứng được các yêu cầu mà nhà sản xuất đặt ra như không can thiệp vào nội dung, không để sản phẩm xuất hiện lung tung trên sân khấu… mới nhận.

Có thể nói, nhà tài trợ luôn có quyền lực trong gameshow, họ có quyền can thiệp nội dung, kết quả của một chương trình. Thế nên, khi một nhà sản xuất từ chối nhãn hàng, nhà tài trợ, thì sức chi phối và quyền lực của các nhà tài trợ bước đầu có giới hạn.

Nội dung tốt, quảng cáo tới là sống được

Dễ dàng nhận thấy, không có nhà tài trợ thì số lượng spot quảng cáo được phát chính là sự sống còn của mỗi chương trình khi lên sóng. Thế nên, khi các gameshow giải trí trở nên bão hòa, cạnh tranh về quảng cáo càng gắt gao, khiến nhà sản xuất buộc phải thay đổi nội dung đến chiến lược truyền thông. Ông Phú thừa nhận là có khó khăn nếu không có nhà tài trợ, nhưng sẽ không ảnh hưởng tới vấn đề sản xuất. Nên chương trình có định hướng, nội dung hấp dẫn, lượng rating cao thì sẽ có thêm chi phí sản xuất nhờ spot quảng cáo.

“Khán giả để ý chương trình có sạch, có lồng ghép hay không để xem. Phía chúng tôi có chương trình Sao nối ngôi rating khá cao. Gần cuối chương trình có nhiều nhà tài trợ đàm phán, chúng tôi không nhận bởi thấy không cần thiết”, giám đốc Jet Studio bộc bạch.

Theo bà Bích Liên, việc tìm kiếm nhà tài trợ hiện tại rất khó khăn. Không phải do nhiều chương trình giải trí, mà bản thân các nhà tài trợ cũng gặp nhiều khó khăn. Vậy nên, muốn có thêm kinh phí để sản xuất, nhà sản xuất buộc phải chấp nhận sự can thiệp bất kỳ của nhà tài trợ vào chương trình. Và họ buộc phải cân đong đo đếm số tiền nhận về có xứng với số kinh phí, công sức của ê-kíp chương trình bỏ ra hay không? Hay chỉ nên tập trung vào nội dung, chấp nhận lãi ít nhờ quảng cáo.

Bà Liên thừa nhận: “Gameshow của chúng tôi hiện tại vẫn luôn đầy quảng cáo như mong muốn trong suốt 10-15 phút quy định của Nhà nước, thế là yên tâm rồi”.

Hoàng Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/khi-gameshow-noi-khong-voi-nha-tai-tro-d210147.html