Khỉ là nguyên nhân khiến người đi rừng bị sốt rét

Theo tạp chí Lancet Global Health, một loài ký sinh trùng sốt rét đã lây lan từ khỉ sang người ở Brazil đã được các nhà nghiên cứu xác định, gây lo ngại cho việc loại trừ bệnh ở nước này. Phát hiện này giải thích các trường hợp mắc bệnh sốt rét ở miền Nam Brazil đã diễn ra trong thập kỷ qua, nhưng lại gây ra lo ngại về các biện pháp tiếp theo để phòng bệnh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Người ta tin rằng ở miền Nam và Đông Nam Brazil, bệnh sốt rét đã bị đánh bại khoảng nửa thế kỷ trước. Tuy nhiên, từ năm 2006, đã có hơn 1.000 trường hợp mắc bệnh sốt rét mới được phát hiện trong khu vực này, bao gồm cả hai vụ bùng phát dịch vào năm 2015 và 2016.

Ban đầu, người ta cho rằng bệnh này là do ký sinh trùng sốt rét Plasmodium vivax gây ra và đến từ bên ngoài. Thật vậy, hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều là những du khách từ nơi khác đến. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây về ADN các ký sinh trùng sốt rét được phân lập từ máu người bệnh đã dẫn tới một phát hiện bất ngờ. Theo đó, một số trường hợp bệnh phát sinh là do Plasmodium simium, thường lây nhiễm cho khỉ. Nó được ghi nhận ở những con khỉ rú Trung Mỹ (Aloautta), trong đó có rú nâu (Alouatta Guariba) sống trên diện rộng ở phía nam của Brazil cũng như trong liên quan đến giống khỉ nhện (arachnoides Brachyteles).

Mầm bệnh ở khỉ đã được tìm thấy ở 33 trong số 49 mẫu thử trong các năm 2015-2016, chủ yếu là những người trung niên sống ở thành phố đi vào rừng trong các hoạt động du lịch, dã ngoại. Các nhà khoa học tin rằng đó chính là nguồn gốc gây ra nhiều ca bệnh trong những năm trước. Trước đây, các trường hợp truyền bệnh sốt rét từ khỉ sang người đã được biết đến nhưng chỉ xuất hiện ở Đông Nam Á.

Hơn nữa, các tác giả của nghiên cứu tin rằng loại tác nhân gây bệnh sốt rét này thường không thể truyền qua các vết muỗi đốt từ người sang người. Nguồn lây nhiễm luôn là khỉ. Điều này giải thích lý do tại sao không có các ca nhiễm bệnh ở thành phố lớn nhất trong vùng là Rio de Janeiro, cũng như trong các khu vực không có rừng che phủ. Tuy nhiên, sự tồn tại của một ổ thường trực mầm bệnh ở các quần thể khỉ sống trong các khu rừng Brazil, làm phức tạp đáng kể cuộc chiến chống bệnh sốt rét trên cả nước.

Các nhà khoa học cảnh báo rằng tuy không có bằng chứng cho thấy sốt rét có thể truyền bệnh từ người sang người qua muỗi, nhưng du khách khi vào rừng cần có biện pháp tránh muỗi đốt và ngành y cần có biện pháp kiểm soát sốt rét để không lây lan ra khắp lục địa và thế giới.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/khi-la-nguyen-nhan-khien-nguoi-di-rung-bi-sot-ret-71031.html