Khi lớn lên tôi muốn làm gì?

Tôi suy ngẫm xem liệu mình có nên thành doanh nhân như mẹ của tôi không, hoặc trở thành lập trình viên giống như bố.

Tác giả Amber Rae
(Văn Hiến dịch)

“Khi lớn lên tôi muốn làm gì?” là một câu hỏi sai lầm

Bạn cảm thấy mắc kẹt trong sự nghiệp của mình và có cảm giác như mình đang chèo thuyền mà không có mái chèo? Điều này có thể là do bạn đang đặt cho mình những câu hỏi sai lầm. Vậy là chương sách “Khi lớn lên tôi muốn làm gì?” của tôi đã đến hồi kết.

Đây là quy trình mà tôi bắt đầu thực hiện từ năm lớp 1, khi tôi được mọi người lập trình để bắt đầu suy nghĩ về một con đường sự nghiệp duy nhất mà tôi phải theo đuổi trong suốt phần đời còn lại của mình. Bài tập của thầy tôi rất “đơn giản”: "Hãy viết điều mà em muốn làm trong tương lai và vẽ một bức tranh về nó".

Nhưng bài tập này chẳng hề đơn giản với tôi. Tôi quan sát bạn cùng lớp của mình viết ra những từ như “làm thầy giáo”, “lính cứu hỏa” và “bác sĩ”… Tôi nhìn các bạn mình vẽ những chiếc xe cứu hỏa, những cánh thuyền buồm, và những chiếc máy bay. Nhưng tờ giấy của tôi trống không. Tôi suy ngẫm xem liệu mình có nên trở thành một doanh nhân như mẹ của tôi hay không, hoặc trở thành một lập trình viên giống như bố của người trông trẻ cho ba mẹ tôi, hay làm một bác sĩ đi cứu người? Tôi ngồi thừ người ra, không thể quyết định được gì cả. Tôi chưa bao giờ hoàn thành bài tập ấy vào ngày hôm đó. Và trên thực tế, tôi phải mất đến 20 năm để thực hiện nó.

Khi tôi tốt nghiệp đại học, tôi bắt đầu chuyến hành trình khám phá điều mà tôi muốn làm trong cuộc đời mình. Con đường sự nghiệp độc đáo của tôi đưa tôi đến năm thành phố lớn cả trong lẫn ngoài nước. Công việc dài nhất tôi làm là 18 tháng, và ngắn nhất là 1 tháng. Tôi bán hết toàn bộ tài sản của mình và di chuyển khắp đất nước vì trực giác mách bảo tôi làm thế. Tôi làm việc với hơn 15 công ty khởi nghiệp trong 1 năm sống ở thành phố New York. Tôi lập một trang blog cá nhân để ghi lại chuyến hành trình của mình - cả những bài học lẫn những sai lầm. Tôi lập một trang web để ghi chép lại những câu chuyện về những con người đã can đảm theo đuổi công việc của đời mình. Tôi thất bại với hai công ty khởi nghiệp.

Tôi vô tình biến chứng mất ngủ thành một phong trào toàn cầu. Tôi gặp gỡ các nhà bói bài tarot, bàn chuyện chiến lược với các doanh nhân triệu phú, và giúp một tác giả có sách bán chạy mở một công ty xuất bản. Tất cả những việc này hòng để tôi trả lời được câu hỏi mà tôi đã tự hỏi mình từ năm lên 5: "Khi lớn lên tôi muốn làm gì?"

Chuyến hành trình này vừa đau đớn nhưng lại cho tôi sức mạnh. Vừa hỗn độn nhưng lại đầy những nhận thức mới mẻ. Tôi bị chỉ trích là quá bất thường và được khen ngợi là dám liều lĩnh. Đã có những thời điểm tôi sụp đổ hoàn toàn và trải nghiệm cảm giác được khai sáng. Và trên tất cả, tôi đã phát triển một quan điểm mới về sự nghiệp, tôi nhận ra rằng nó không liên quan gì đến cái tôi muốn làm trong cuộc đời mình; mà là tôi muốn trở thành một người như thế nào.

Khi tôi nhìn lại những trải nghiệm của mình trong những năm tháng qua, mỗi cơ hội trong đó đều cho tôi đúng chính xác những bài học tôi cần phải học tại thời điểm đó. Cứ mỗi trải nghiệm (và phải nói là tôi có rất nhiều trải nghiệm trong một khoảng thời gian ngắn), thì tôi lại thay đổi. Tôi tiến hóa. Tôi bị ép buộc phải vượt ra ngoài "vùng thoải mái" của mình. Tôi bị buộc phải đối diện với những nỗi sợ sâu thẳm nhất và cảm giác không an toàn.

Câu hỏi “Khi lớn lên tôi muốn làm gì?” dần dần chuyển sang “Tôi là ai?,” “Tôi muốn sống cuộc đời mình như thế nào?,” và “Tôi có thể trao tặng những gì cho thế giới này?”.

Và bạn đoán được chuyện gì xảy ra không? Tôi cuối cùng đã phát hiện ra công việc của đời mình. Thông qua sự chuyển đổi này, tôi nhận ra rằng điều truyền cảm hứng cho tôi và cộng hưởng sâu sắc với tôi đó là giúp người khác vượt qua được nỗi sợ và những trở ngại đang ngăn cản họ sống cuộc đời mà họ mong muốn. Tôi nhận ra rằng mỗi khi tôi giúp một người nào đó vượt qua một thử thách để tiến gần đến một cuộc sống đầy cảm hứng, mọi tế bào trong tôi như sáng bừng lên. Tôi nhận ra rằng, bằng cách chia sẻ cởi mở về chuyến hành trình của tôi, cả những lúc thành công cũng như khi thất bại, tôi đang giúp đỡ cho những người khác bước những bước đầu tiên và cả những bước nhảy can đảm vượt bậc.

Chính vì thế, chương sách “Khi lớn lên tôi muốn làm gì?” đã đến hồi kết. Và bây giờ sẽ là lúc mở ra chương sách “Tôi là ai trong cuộc đời này”.

Nguồn Ngôi Sao: http://ngoisao.net/tin-tuc/goc-doc-gia/choi-blog/khi-lon-len-toi-muon-lam-gi-2897232.html