Khi nào Hamas buông súng?

Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột.

Minh họa/INT

Sau thời gian tạm lắng vì căng thẳng Israel-Iran, sự tàn khốc của cuộc xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza lại tiếp tục được phơi bày với những nấm mồ tập thể hàng trăm người được phát hiện.

Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, đang thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột. Phía Hamas cáo buộc quân đội Israel gây ra những cái chết này, trong khi quân đội Do Thái phủ nhận và cho biết họ đã kiểm tra các thi thể này để tìm kiếm người mất tích.

Đây cũng chỉ là con số nhỏ so với hơn 34 nghìn người thiệt mạng kể từ đầu cuộc xung đột khi Israel mở chiến dịch đáp trả Hamas tại Dải Gaza. Với tiềm lực quân sự hai bên, xung đột tại Gaza là cuộc chiến không cân sức và câu hỏi đặt ra hiện nay là đến khi nào các chiến binh Hamas mới chịu buông súng để từ bỏ đối đầu với quân đội Israel mạnh hơn nhiều lần.

Ngày 24/4, trong một lần hiếm hoi, đại diện Hamas đã đưa ra điều kiện để lực lượng này chấp nhận hạ vũ khí, qua đó chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 7 tháng qua. Quan chức chính trị hàng đầu của Hamas là ông Khalil al-Hayya tuyên bố, các chiến binh sẽ chỉ đồng ý buông súng và chuyển đổi thành một đảng chính trị như Fatah tại khu Bờ Tây nếu một nhà nước Palestine độc lập được ra đời.

Cụ thể Nhà nước Palestine mà Hamas sẽ chấp nhận phải có chủ quyền hoàn toàn ở khu Bờ Tây và Dải Gaza, đồng thời người tị nạn Palestine được trở lại hai vùng đất này theo các nghị quyết quốc tế.

Khi đó phe cánh quân sự Hamas sẽ giải tán và lực lượng này gia nhập Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) do phe Fatah đứng đầu để thành lập một chính phủ thống nhất của người Palestine ở cả Gaza và Bờ Tây.

Chính quyền Palestine đóng ở Bờ Tây, chính quyền tự trị được quốc tế trong đó có Israel công nhận chưa đưa ra phản hồi nào từ đề nghị của Hamas. Chính quyền này từ trước đến nay cũng chung nguyện vọng thành lập một nhà nước Palestine độc lập ở Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza vốn là những khu vực đã bị Israel kiểm soát sau cuộc chiến năm 1967.

Tuy nhiên, điều kiện để lực lượng Hamas buông súng vẫn tiếp tục đụng phải bức tường do quan điểm cứng rắn của chính phủ do Thủ tướng Benjamin Netanyahu dựng lên.

Chính phủ của ông tiếp tục bác bỏ giải pháp này dù được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, với lý do rằng nếu thuận theo điều kiện của Hamas chính là “một phần thưởng cho chủ nghĩa khủng bố”.

Hôm 21/4, Israel đã luật hóa quan điểm cứng rắn khi Quốc hội nước này (Kresset) bỏ phiếu thông qua quyết định phản đối các nỗ lực quốc tế đơn phương công nhận sự ra đời của Nhà nước Palestine độc lập.

Israel đang tiếp tục kiên định với mục tiêu quân sự là tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Hamas tại Dải Gaza để trừng phạt việc lực lượng này tấn công trong lãnh thổ Israel làm chết hơn 1.000 người và bắt hàng trăm người làm con tin, hồi tháng 10 năm ngoái.

Hamas bị tổn thất nặng nề trong những tháng xung đột vừa qua do tương quan lực lượng nhưng vẫn khẳng định rằng Israel chưa phá hủy đến 20% khả năng của họ. Trong khi đó, quân đội Israel tự tin sắp đạt đến mục tiêu quân sự cuối cùng và đang chuẩn bị mở chiến dịch tấn công mới ở phía Nam Dải Gaza, khu vực cuối cùng của dải đất còn chưa bị tàn phá gần hết.

Đức Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khi-nao-hamas-buong-sung-post680992.html