Khi nào thí sinh nên điều chỉnh nguyện vọng?

GD&TĐ - Năm nay, thí sinh được một lần duy nhất để điều chỉnh nguyện vọng sau vào ĐH, CĐ sau khi biết điểm thi THPT quốc gia.

Đây là quyền lợi quan trọng, nhưng không phải thí sinh nào cũng nên điều chỉnh nguyện vọng. Với những thí sinh nhận thấy cần điều chỉnh để tăng cơ hội trúng tuyển cũng lưu ý cân nhắc thật kỹ để tận dụng tối đa quyền lợi này.

Những thí sinh không nên điều chỉnh nguyện vọng là khi đã đăng ký vào ngành phù hợp với sở trường, sở thích, khả năng, có mức điểm thi THPT quốc gia phù hợp với mức điểm trúng tuyển vào trường những năm trước.

Tuy nhiên, những trường hợp điểm thi thấp hơn hoặc cao hơn nhiều so với điểm dự kiến ban đầu thì nên điều chỉnh lại nguyện vọng.

Những căn cứ quan trọng khi điều chỉnh nguyện vọng

Theo lời khuyên của ông Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng phòng Đào tạo ĐH&SĐH, Trường ĐH Thủy Lợi - thí sinh nên tận dụng tối đa quy định của Bộ GD&ĐT trong việc cho đăng ký tối đa nguyện vọng. Điều này sẽ giúp các em tăng cơ hội trúng tuyển.

Khi thay đổi nguyện vọng, thí sinh nên căn cứ vào phổ điểm mà Bộ GD&ĐT đã công bố, cùng với đó là điểm chuẩn những năm trước của ngành/trường mình đăng ký; điểm thi THPT quốc gia năm 2017 và quan trọng nhất là khả năng, sở trường của mình.

Khi căn cứ vào điểm, có thể chọn ngành theo “phổ” như sau: Những ngành mà điểm chuẩn những năm trước cao hơn điểm của mình từ 0,5 đến tối đa 1 điểm (có không phải ngành nào năm nay điểm chuẩn cũng sẽ tăng so với năm trước); những ngành ngang điểm và những ngành thấp hơn điểm của mình từ 1 – 2 điểm.

Ông Nguyễn Tuấn Anh lưu ý: Nếu đã xác định rõ ngành mình yêu thích, thí sinh hãy đăng ký theo “ngành dọc”, ví dụ: Nếu quyết tâm học y, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Y Hà Nội, Y Thái Bình, Y Hải Phòng, Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Y dược Thái Nguyên... Hoặc với ngành Công nghệ thông tin, có thể đăng ký xét tuyển ngành này ở các trường có mức độ điểm chuẩn khác nhau như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghiệp, ĐH Thủy lợi, ĐH Mỏ - Địa chất…

Cũng cùng những lời khuyên tương tự, PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp – nhấn mạnh việc cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi điều chỉnh vì điểm mới trong công tác tuyển sinh năm nay là thí sinh chỉ được thay đổi nguyện vọng duy nhất một lần; nếu lựa chọn sai, các em sẽ không có cơ hội để điều chỉnh lại nữa.

“Có thể nói, năm nay Quy chế tuyển sinh đã tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. Các em cần cân nhắc thật ký theo khả năng, sở trường, sở thích để chọn một ngành học phù hợp trong bối cảnh hiện nay” - PGS.TS Nguyễn Văn Đệ cho biết.

Nên ưu tiên chọn ngành trước, chọn trường sau

Kinh nghiệm tuyển sinh từ một trường luôn có số lượng thí sinh đăng ký thuộc top đầu cả nước, ông Kiều Xuân Thực – Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội – khuyên thí sinh nên ưu tiên chọn ngành trước, chọn trường sau.

Thí sinh nên xác định chỉ 1-2 ngành phù hợp với sở thích và sở trường để đăng ký. Sau đó, căn cứ kết quả thi THPT lựa chọn trường có tuyển sinh ngành muốn đăng ký.

“Điểm chuẩn năm 2016 rất có giá trị để tham khảo khi chọn ngành chọn trường. So sánh kết quả thi 2017 với 2016, có thể dự đoán điểm chuẩn 2017 nói chung sẽ tăng so với 2016, đặc biệt các mã tuyển có tổ hợp xét tuyển A1 va D” – ông Kiều Xuân Thực chia sẻ.

TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ tuyển sinh, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cho rằng: khi điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh nên căn cứ vào phổ điểm đã công bố, căn cứ vào kết quả học lực của mình; vào chuẩn đầu vào của các trường; căn cứ vào sở trường, sở thích của mình; từ đó, đăng ký khoảng 6 - 7 nguyện vọng, đừng nên chọn “chụm” quá.

Thời điểm này, hầu hết các trường đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đăng ký xét tuyển vào trường. Liên quan đến điều này, theo TS Lê Viết Khuyến, các trường nên công bố “ngưỡng sàn” vào từng ngành, không nên chỉ công bố một ngưỡng chung vào trường; vì hầu hết các trường đều lấy điểm trúng tuyển theo ngành.

“Ví dụ, với trường y dược, điểm chuẩn ngành Y đa khoa bao giờ cũng cao hơn so với các ngành khác. Do vậy, cần công bố ngưỡng sàn theo ngành thí sinh mới có cơ sở lựa chọn chính xác hơn. Trường lấy “điểm sàn” chung cho các ngành nên công bố đó không thực chất. Có lẽ, các trường làm thế để thí sinh đăng ký vào trường không trúng tuyển ngành cao sẽ chuyển các em xuống ngành thấp điểm hơn. Như thế là các trường lo an toàn cho mình hơn là an toàn cho thí sinh” – TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/khi-nao-thi-sinh-nen-dieu-chinh-nguyen-vong-3542554-v.html