Khi nào thì xe máy bị kết luận là “hết đát”?

Mặc dù Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg do Chính phủ ban hành đã có hiệu lực được hơn 1 năm đề cập đến mốc thời điểm ngày 1-1-2018 chính thức thu hồi, xử lý các phương tiện giao thông hết hạn sử dụng, bao gồm xe mô tô, xe gắn máy và xe ô tô các loại. Thế nhưng cho đến thời điểm này, ngoài sự băn khoăn của người dân thì rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cũng cho rằng cần phải có sự tính toán kĩ và lộ trình rõ ràng trong việc thu hồi xe mô tô, xe gắn máy, vì đây là chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Tuổi đời cao tỷ lệ với mất an toàn

Theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg, các nhà sản xuất phải tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam và thiết lập điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ. Thông tin từ Cục đăng kiểm Việt Nam, cả nước có khoảng 40 triệu xe máy, đây là lượng xe lớn, trong số này có những xe đi vào hoạt động từ những năm 80, 90 của thế kỉ trước nhưng giờ vẫn tham gia giao thông trên đường..

GS, TS Bùi Xuân Cậy, giảng viên ĐH Giao thông vận tải cho rằng ở nước ta có rất nhiều xe máy cũ, thiếu an toàn nhưng vẫn lưu hành. Xe máy cũ nát phải thu hồi là điều cần thiết để giảm ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông. Tuy nhiên, cho dù là cùng thời gian sử dụng, chất lượng xe sẽ khác nhau, có xe đi nhiều, có xe đi ít, có xe được chủ chăm chút kĩ lưỡng, duy trì bảo dưỡng thường xuyên. Thậm chí có xe không trong thời gian phải thu hồi nhưng do bảo dưỡng kém thì vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông, ô nhiễm môi trường… Như vậy, phải căn cứ vào chất lượng xe, độ an toàn chứ không đơn thuần dựa vào niên hạn sử dụng.

Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã từng đề xuất quy định niên hạn sử dụng đối với xe máy là 8 năm hoặc 100.000 km. Tuy nhiên, khi đưa ra lấy ý kiến thì gặp nhiều phản đối, cho rằng như vậy sẽ tác động đến đa số người nghèo. Nước ta có tỉ lệ người nghèo cao, thường đi xe cũ và không ít gia đình sử dụng xe máy như phương tiện kiếm sống hàng ngày. Đa số các ý kiến cho rằng muốn thu hồi các phương tiện như xe máy, ôtô con thì cần phải xây dựng cơ sở pháp lý có tính khả thi để thực hiện. Cụ thể, phải quy định về niên hạn sử dụng. Căn cứ vào đó, những xe hết hạn sẽ bị thu hồi, loại bỏ. Hiện mới chỉ có xe tải, xe bán tải, xe chở người từ 10 chỗ trở lên là có quy định về niên hạn sử dụng.

Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg đề cập tới việc người tiêu dùng được lựa chọn các hình thức như: Tự chuyển hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thu gom để vận chuyển đến các điểm thu hồi và được hưởng quyền lợi theo chính sách của nhà sản xuất. Người tiêu dùng có quyền yêu cầu nhà sản xuất tiếp nhận các sản phẩm thải bỏ do họ đưa ra thị trường. Anh Hoàng Mạnh Hùng, làm nghề kinh doanh vật liệu xây dựng tại quận Hoàng Mai, Hà Nội không khỏi băn khoăn và cho rằng các phương án trên không khả thi. Vì chiếc xe, ngoài là tài sản riêng nhiều khi còn là vật kỷ niệm của mình nên không ít người dân muốn đem xe đi nộp hoặc chờ đơn vị khác đến nhà thu xe. Mặt khác, với những chiếc xe quá cũ, không thể đi lại được nếu không có cơ chế hỗ trợ giá hợp lý thì chủ xe sẵn sàng bán xe cho các cửa hàng thu mua phế liệu nhằm kiếm chút lợi nhuận.

Chưa thể tịch thu vì đến giờ vẫn chưa có một văn bản nào quy định niên hạn sử dụng đối với xe mô tô, xe gắn máy.

Ảnh minh họa

Vẫn chưa thể thu hồi

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, hiện không có cơ sở nào để biết xe có niên hạn sử dụng. Với số lượng lên đến hàng trục triệu xe máy thì lực lượng nào kiểm định? Xe máy mua đi bán lại nhiều lần, không chính chủ từ tỉnh này sang tỉnh khác…vậy làm thế nào để kiểm định. Nếu thu hồi không đúng luật sẽ không nhận được sự ủng hộ của người dân, thêm vào đó việc bố trí kho bãi chứa xe bị thu hồi cũng là bài toán không hề đơn giản. Như vậy, theo quản điểm của mình, ông Liên ủng hộ việc hạn chế xe gây ô nhiễm môi trường, không an toàn khi tham gia giao thông, đe dọa đến tính mạng chủ xe và cộng đồng nhưng song song với đó cần phải lấy ý kiến người dân thì mới áp dụng được vào thực tế.

Trả lời báo chí, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết đang có những cách hiểu chưa đúng xung quanh Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg. Không có chuyện sản phẩm điện tử, xe máy hết hạn sử dụng là bắt buộc phải thu hồi ngay. Nếu như những chiếc xe máy dù đã cũ lắm rồi nhưng vẫn hoạt động tốt thì người dân vẫn có quyền sử dụng, đi lại bình thường, không ai bắt buộc họ phải giao nộp lại sản phẩm đó. Cũng không có cơ quan Nhà nước nào đi thu hồi sản phẩm đó cả. Tinh thần của Quyết định 16 là khuyến khích các doanh nghiệp, nhà sản xuất chịu trách nhiệm tới cùng đối với sản phẩm của mình. Đó thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội trong việc bảo vệ môi trường.

Để giảm tai nạn giao thông, đại diện các chuyên gia nghiên cứu về thực trạng an toàn giao thông và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho rằng, cần thiết phải ban hành quy định về kiểm định kỹ thuật phương tiện xe máy để có căn cứ quy định về niên hạn sử dụng xe máy. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng thống nhất với xe có thời gian sử dụng trên 15 năm cần có quy định chặt chẽ hơn về quy định niên hạn đồng thời phải có những nghiên cứu khoa học, tham khảo lấy ý kiến của những người đang sử dụng xe máy để quy định ban hành mang lại giao thông an toàn.

Là đơn vị thành viên VAMM, ông Tseng Kuo Lung, Phó tổng giám đốc SYM cho rằng, nếu không có quy định về niên hạn, cơ quan Nhà nước cần có những quy định cụ thể đối với các xe máy cũ bởi đây là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ TNGT. “Trong trường hợp quy định niên hạn xe máy và thu hồi xe máy cũ được thực thi, SYM sẽ có định hướng riêng cho sản phẩm của mình cũng như cung cấp các chính sách hỗ trợ cần thiết để người dân chuyển đổi sang xe máy mới,” ông Tseng Kuo Lung cho biết.

Cần nghiên cứu, lấy ý kiến người dân

Liên quan đến vấn đề kiểm soát niên hạn xe máy, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc ban hành các quy định liên quan đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện cơ giới đường bộ là cần thiết. Tuy nhiên, với những quy định làm phát sinh chi phí đối với đại đa số người dân, trong đó chủ yếu là người thu nhập trung bình và thấp, cần nghiên cứu kỹ trước khi đặt vấn đề chính thức. “Những quy định ảnh hưởng đến chi phí của người dân phải rất thận trọng và cần tiếp tục nghiên cứu sâu, đầy đủ hơn, cần phải có lộ trình, giải pháp thực hiện để người dân cảm thấy có lợi cho bản thân khi chuyển đổi”, ông Hùng khẳng định.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giao-thong-do-thi/khi-nao-thi-xe-may-bi-ket-luan-la-het-dat-117783