Khi người lao động lên tiếng 'không làm thêm thì cạp đất mà ăn'

Bộ LĐTBXH đề xuất nâng giờ làm thêm nhưng Tổng liên đoàn lao động phản đối còn người lao động thì lên tiếng “không làm thêm thì cạp đất mà ăn à?”…

(Ảnh có tính chất minh họa)

Ngày 9.12, Bộ LĐTBXH đã có tờ trình Chính phủ Dự án Luật Lao động sửa đổi với nhiều nội dung quan trọng. Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý là việc nâng tổng số giờ làm thêm.

Về vấn đề này, các doanh nghiệp (DN) cho rằng, việc giới hạn giờ làm thêm đang làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giảm thu nhập của người lao động… Vì vậy, cần nâng giờ làm thêm để giải quyết những bất cập này.

Trong khi đó, đại diện cho quyền lợi của người sử dụng lao động (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam) lại cương quyết phản đối với lý do: Nâng giờ làm thêm sẽ “ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động”.

Về phía người lao động, họ cũng mong muốn được làm thêm, thậm chí là làm thêm nhiều hơn nữa với lý do “không làm thêm thì cạp đất mà ăn à?”.

Chị Phan Thị Thu Hà, thôn Nhuế, (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) lên tiếng: Tôi hoàn toàn tán đồng với đề suất nâng số giờ làm thêm lên gấp đôi (từ 300 giờ lên tối đa không quá 600 giờ/năm) của Bộ LĐTBXH.

“Hai vợ chồng nhà tôi làm công nhân, lao động cật lực, làm tăng ca, cộng các khoản phụ cấp mà lương cũng chỉ được 6-7 triệu đồng/tháng. Giờ nếu không cho làm thêm (không tăng ca) thì cạp đất mà ăn à?”, chị Hà bày tỏ.

Chị này nhẩm tính: “Nhà tôi có 3 đứa con, hai đứa học cấp 1, tiền ăn trưa, tiền học phí, học thêm mỗi tháng đã hết 2 triệu đồng. Con nhỏ thứ 3 mới được 9 tháng, tiền bỉm sữa, tiền ăn… cho riêng nó cũng hết ngót 3 triệu đồng. Chắt bóp, tiết kiệm thì một tháng cũng mất 3 triệu tiền ăn cho cả nhà (6 miệng ăn). Rồi còn tiền điện, tiền nước, tiền đình đám, ốm đau… đấy là còn may nhà mình vừa được ông bà hai bên giúp đỡ mua cho cái nhà nhỏ nên không phải mất tiền thuê nhà”.

Bởi lẽ đó, nếu không tăng ca thì mức lương chưa được 10 triệu đồng của hai vợ chồng chị không đủ để sinh hoạt và nuôi các con ăn học. “Sợ nhất là tháng nào không có việc không được tăng ca. Nếu tăng giờ làm thêm ngày lên 14-16 tiếng tôi vẫn nhận làm thêm. Không làm có mà chết đói cả nhà”, chị Hà nói.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ như chị Hà. Chị Nguyễn Tường Vân (Thanh Trì-Hà Nội) cho rằng, tôi cũng muốn làm thêm để có thêm tiền trang trải cuộc sống nhưng sức khỏe không cho phép nên chỉ làm đúng giờ để nhận đủ lương thôi.

Trước đó, trao đổi với báo chí ông Đặng Quang Điều – Trưởng Ban Chính sách-Pháp Luật (Tổng Liên Đoàn lao động Việt Nam) cho rằng, việc nâng số giờ làm thêm lên quá cao sẽ khiến cho người lao động mệt mỏi, không tái sản xuất được sức lao động. Điều này về lâu dài ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động, dễ gây tai nạn lao động, làm giảm chất lượng sống của gia đình người lao động.

“Bộ LĐTBXH cũng đang tiếp tục lắng nghe góp ý của các đơn vị. Bộ sẽ nghiên cứu số giờ làm thêm sao cho phù hợp để vừa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, khả năng cạnh tranh của DN nhưng cũng phải tính tới khả năng hồi phục sức khỏe của người lao động”, ông Huân nói.

Ông Phạm Minh Huân, thành viên ban soạn thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, chính vì còn nhiều ý kiến trái chiều, Ban soạn thảo Luật lao động sửa đổi đã để 2 phương án xin ý kiến Bộ ngành, người dân. Phương án 1: Đảm bảo số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong vòng 1 ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ. Tuy nhiên, tổng số giờ làm thêm của người lao động không được vượt quá 600 giờ trong một năm (trước đây là 300 giờ trong 1 năm).

Phương án 2: đề xuất tăng số giờ làm thêm tối đa theo hướng quy định 1 ngày làm việc thì người lao động làm việc bình thường và làm thêm giờ tối đa không quá 12 giờ/ngày và không được phép huy động người lao động làm thêm giờ liên tục quá 5 ngày làm việc cho mỗi đợt làm thêm giờ.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/khi-nguoi-lao-dong-len-tieng-khong-lam-them-thi-cap-dat-ma-an-730238.html