Khi những bộ óc thiên tài “phượt” cùng nhau

Chuyến du lịch của Thomas Edison, Henry Ford cùng những người bạn trên chiếc Model T đã trở thành biểu tượng cho con đường của sự phát triển nước Mỹ.

“Phượt” cũng là cách sống của Mỹ, dù không phải lúc nào cũng vậy. Đầu thế kỷ XX, một số nhân vật nổi tiếng có truyền thống “biến mất” và lướt đi trên những con đường cao tốc dài miên man.

Khi Henry Ford ra mắt Model T năm 1908, không phải ai cũng đánh giá cao lời hứa hẹn của mẫu xe này. Nhà văn nổi tiếng John Burroughs lên án mẫu xe này là “con quỷ trên bánh xe” rồi đây sẽ “làm nhục những góc hẻo lánh nhất trên thế giới này bằng tiếng ồn và khói bụi”. Ford là người hâm mộ Burroughs. Ông tin rằng: Giá cả phải chăng của chiếc xe sẽ đưa các gia đình tiếp cận những vùng đất hoang dã của nước Mỹ. Ông đã gửi chiếc Model T mới cóng để “thần tượng” có thể tự “test hàng”.

Henry Ford “pose hình” cùng Thomas Edison ở Dearborn, Michigan

Một bước đi tinh tế. “Những chiếc xe đang cố gắng trở thành người bạn dễ chịu của con người. Nó chính là sản phẩm tuyệt vời”, ông viết trong cuốn hồi ký. Ford giới thiệu Burroughs với hai người khác có tiếng tăm trong làng công nghiệp là nhà phát minh Thomas Edison và nhà sản xuất lốp Harvey Firestone. Trong giai đoạn 1914-1924, những người có ảnh hưởng nhất trong ngành ô tô đã mang theo dụng cụ cắm trại và tiến hành nhiều chuyến đi lịch sử.

“Những kẻ lang thang” Thomas Edison, John Burroughs, Henry Ford và Harvey Firestone

trên guồng xoay nước cổ.

Chuyến đi được gọi tên Những kẻ lang thang đến vùng đất ẩm ướt Everglades, vùng núi Adirondacks, Catskills và Smoky. Họ ngồi trên du thuyền rì rì trên bờ biển lấp lánh của California, luồn qua cánh rừng phong của Vermont, say sưa chè chén tạm trút bỏ cái danh hiệu những tay bán hàng quyền lực quốc gia. Những chuyến đi khám phá như vậy thường kéo dài hai tuần hoặc lâu hơn.

Với vận tốc trung bình 30km/h, đoàn lữ hành Tin Lizzies (tên gọi khác của Model T) bình bình xuyên thấu nước Mỹ. Những con đường lát chỉn chu dần dần bị bỏ lại đằng sau. Họ tiến đến thế giới mà ngay cả xa lộ cũng không tồn tại. Bên đường là tấm biển cảnh báo “Nhanh sống chậm chết”.

Edison thường là người chọn tuyến đường. Ông ngồi ở phía trước như người đội trưởng, chỉ đường với la bàn và tập bản đồ trong tay. Nhà phát minh có máu phiêu lưu này thích né những con đường được “là” thẳng thớm, tránh xa các thị trấn. Chỉ có một lần ngoại lệ, ông muốn thử cảm giác trên xa lộ mới Lincoln, được giới thiệu là đường cao tốc xuyên quốc gia đầu tiên nối New York với San Francisco, nhưng lúc đó vẫn đang trong quá trình thi công.

Các nhà đổi mới (từ trái sang): Henry Ford, Thomas Edison và Harvey Firestone.

Bên vệ đường, cà phê, trạm dịch vụ và cơ sở hạ tầng phục vụ cho phượt bằng ô tô khi ấy chưa có. Nhưng với những người có máu đi lại, thì chuyện đó chẳng có gì đáng bận tâm. Ford từng là thợ cơ khí. Ông ấy hàn các mảnh vỡ bộ phận tản nhiệt, tổ chức thi trèo cây, chặt gỗ, bắn súng mỗi khi dừng xe. Firestone đảm nhận nhiệm vụ nấu nướng và làm thơ, tạo hứng cho đoàn. Người “cao tuổi” nhất Burroughs, với bộ râu trắng bác học và bộ óc đầy triết lý, trở thành “bộ từ điển sống” về thiên nhiên. Ông chỉ cho mọi người cách phân biệt các loài cây, tiếng hót của từng loài chim địa phương.

Burroughs ghi chép lại chuyến phiêu lưu trong cuốn sách được xuất bản sau khi ông mất: “A Strenuous Holiday” (Tạm dịch: Kỳ nghỉ bất tận). Trong đó, ông viết: “Chúng tôi vui vẻ trải nghiệm cảm giác ẩm ướt, cái lạnh, khói mịt mù, ruồi muỗi, côn trùng, những đêm không ngủ, một cuộc sống hoàn toàn “trần trụi”…”

Henry Ford, Thomas Edison, Tổng thống Warren Harding, Harvey Firestone và Giám mục Anderson đang thư giãn và đọc sách trên ghế. Phía sau họ là trợ lý Tổng thống George Christian.

“Cuộc sống trần trụi” vẫn còn là cách dùng từ đầy lịch sự. Đúng là Edison khuyến khích những người bạn sống như người tiền sử, không cạo râu gì cả. Nói cách khác, thiên nhiên hết mức có thể. Nhưng những người đàn ông này không dễ dàng tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc, đặc biệt khi họ còn lôi đám vợ trẻ, con thơ đi theo. Lại còn cả nhân viên phục vụ bếp đeo nơ luôn sẵn sàng phục vụ nữa chứ.

Đúng vậy, một đội chuyên gia ẩm thực. Những kẻ lang thang có lúc rồng rắn đến 50 phương tiện, bao gồm cả xe Ford cá nhân, xe vật tư, xe cho đội hỗ trợ, xe quay phim, xe tủ lạnh, xe khí đốt. Burroughs đã ví nhà bếp di động này là “Waldorf-Astoria trên những bánh xe” (Waldorf-Astoria là tên thương hiệu khách sạn nổi tiếng). Tại mỗi điểm dừng, đội hỗ trợ sẽ dựng bàn ăn, một bàn tròn bằng gỗ có thể xoay hiệu Lazy Susan. Mỗi người có một nhà lều rộng gần 1 mét vuông, có “biển” đàng hoàng với tên tuổi chủ nhân, bên trong trang bị đầy đủ giường, nệm. Hoàng hôn buông xuống, Edison thắp sáng khu trại với đèn và máy phát điện, các phát minh nổi tiếng của ông. Mà có chuyến đi nào lại không có âm nhạc! Có lúc họ còn mang theo cả piano. Burroughs hóm hỉnh: “Ít nhất với tôi, đó là chuyến thám hiểm sang chảnh, được trang bị tận răng để tìm kiếm cảm giác không thoải mái”.

Thomas Edison, Henry Ford và Harvey Firestone “phớt lờ” quy đinh phượt tự nhiên.

Họ cạo râu và giặt ủi. Sau này, họ có thêm người làm nghề Tổng thống trong đoàn.

Lắm lúc, các tay phượt sang chảnh này còn giúp nhặt táo cho chủ vườn, giúp nông dân thu hoạch hay quá giang trên đầu máy xe lửa bất chợt đi ngang qua. Họ dừng lại kiểm tra nhà máy và thám hiểm đường thủy. Ford than thở những dòng nước chảy không ngừng với sức mạnh cực lớn chưa được sử dụng là sự lãng phí không hề nhẹ. Edison thu thập những cây đầy nhựa trên đường đi với hy vọng giúp Firestone và công ty lốp xe của ông. Nếu bây giờ họ còn sống và tiếp tục thực hiện những chuyến đi như vậy, họ sẽ không bị liệt vào hàng “phượt thủ vô ý thức” như trên mạng hay rỉ tai nhau.

Đêm xuống, khi những vì sao lấp lánh trên bầu trời, họ buôn đủ thứ chuyện từ chính trị, thơ ca đến kinh tế và chiến tranh. Năm 1921, những kẻ lang thang chào đón người bạn lâu năm của Firestone gia nhập hội: Tổng thống Warren Harding. Tức thì, các khu vực xung quanh chuyến đi dày đặc mật vụ.

Những chuyến đi hàng năm của các nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn là cơ hội để họ thư giãn. Nhưng hơn hết là cơ hội quảng cáo tuyệt vời cho xe Ford và lốp Firestone. Báo chí Mỹ thi nhau giật bài “Kỳ nghỉ của những bộ óc triệu đô” hay “Những cái đầu thiên tài lấy trời làm màn”. Mọi người đổ xô vào rạp xem phim “câm” quảng bá về chuyến đi. Người Mỹ nhìn thấy điều kỳ diệu đằng sau các bánh xe. Nhưng giản dị hơn nhiều, họ biết xe Ford và lốp Firestone được các nhân vật tai to mặt lớn sử dụng.

Tổng thống Warren Harding dùng bữa trong lều với Thomas Edison và Henry Ford

Những kẻ lang thang đặt chân đến đâu, họ gây chú ý đến đây. Người dân đứng đầy đường khi đoàn xe đi qua. Nếu chỉ đứng ngắm rồi hò reo thì cũng chẳng sao, vậy nhưng vẫn có kẻ không nén được sự hiếu kỳ mà xâm nhập vào đoàn. Vậy là, đến năm 1924, chỉ ba năm sau khi có Tổng thống trong đoàn, chuyến đi phượt diệu kỳ đã kết thúc. Nhưng dẫu sao, họ đã đi đủ lâu để hằn in cái thú lái xe trong lòng người dân Mỹ.

Xem thêm:

Lục Kiếm

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/kinh-te-kinh-doanh/khi-nhung-bo-oc-thien-tai-%e2%80%9cphuot%e2%80%9d-cung-nhau