Khi phong tục lại trở thành… rào cản

Chạm đến những dấu mốc quan trọng nhất của đời người, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang dường như luôn là lĩnh vực vừa gần, vừa xa trong công tác quản lý Nhà nước. Bởi dù là câu chuyện của từng cá nhân, từng gia đình nhưng những diễn biến phức tạp của cuộc sống đôi khi vẫn tạo nên rào cản trước những tiêu chí văn minh, tiết kiệm...

Cưới, tang còn nhiều hủ tục

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, trong thời gian qua, tổ chức việc cưới, việc tang ở nhiều địa phương vẫn tồn tại không ít hủ tục, tiêu cực. Ðiển hình như những đám cưới tổ chức kéo dài, linh đình nhiều ngày, có yếu tố vụ lợi; những đám tang ăn uống dềnh dang, rải rắc nhiều vàng mã, tâm lý ganh đua, phô trương, lãng phí, gây phản cảm và bức xúc trong dư luận…

Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện nếp sống văn minh của cán bộ, công chức, viên chức trong việc cưới, việc tang do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) soạn thảo cũng nhằm mục đích chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế nói trên. Theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Ninh Thị Thu Hương, sở dĩ dự thảo Chỉ thị chỉ "khoanh vùng" đối tượng điều chỉnh là cán bộ, công chức, viên chức để khẳng định vai trò quan trọng của yếu tố nêu gương. Bởi trước hết, mỗi cán bộ, công chức, viên chức sẽ là những người trực tiếp đưa Chỉ thị vào cuộc sống. Ðương nhiên, sẽ có sức lan tỏa tích cực nếu vai trò nêu gương đó được thể hiện nổi bật.

Cũng theo dự thảo, công chức, viên chức có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, các quy định của cơ quan, đơn vị, tổ chức và của địa phương về thực hiện nếp sống văn minh việc cưới, việc tang. Phát huy vai trò gương mẫu, tuyên truyền, vận động người thân, gia đình và cộng đồng thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

Ðể thực hiện những nội dung này, Thứ trưởng VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ đẩy mạnh giải pháp cần thiết là tuyên truyền, vận động. Ðồng thời, đề xuất xây dựng các dự án, đề án nghiên cứu khoa học đưa ra các giải pháp khắc phục hủ tục trong việc cưới, việc tang; phát hiện, xây dựng và nhân rộng các mô hình cưới, tang văn minh phù hợp với xã hội hiện đại.

"Trên thực tế chúng ta chưa ghi nhận được nhiều mô hình cưới, tang được tổ chức theo nếp sống mới, gọn nhẹ, tiết kiệm. Cưới tiệc ngọt, cưới tập thể, những đám cưới không quá 300 khách; đám tang không kéo dài quá một ngày, không thuốc lá, ăn uống dềnh dang… dẫu đã tăng về số lượng nhưng vẫn chưa tạo thành những mô hình được nhân rộng, phổ biến trong xã hội. Ðây là một trong những nội dung mà Ban soạn thảo hy vọng sẽ tạo nên thay đổi sau khi Chỉ thị chính thức được ban hành", Thứ trưởng VHTTDL cho biết.

Những "kẽ hở" không dễ xử lý

Chỉ thị lần này thêm một lần nữa bổ sung vào hệ thống văn bản quản lý vốn đã rất dầy về nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang và lễ hội đã được các địa phương thực hiện trong nhiều năm qua. Chính vì vậy, tính khả thi của các quy định là điều những người soạn thảo và các nhà nghiên cứu băn khoăn, suy ngẫm, khi thực tế vẫn còn rất nhiều những khoảng trống rất dễ được che chắn bằng hai từ… phong tục.

Ông Hà Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cho rằng, nhiều khi "phép vua thua lệ làng", những người công tác xa, khi về nhà, về quê vẫn phải tuân theo những hương ước, quy ước của quê hương, làng xóm. Cho nên, nhiều khi những phong tục tập quán đó trở thành rào cản, đôi khi lại là cái cớ để cán bộ ngụy biện rằng "quê tôi như thế, không theo không được...", ông Hà Văn Tăng phân tích.

"Phải khẳng định rằng đây là một "cuộc chiến" khá gian nan mà từ trước đến nay, mỗi địa phương, gia đình và từng cá nhân đều đã thực hiện song kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Rõ ràng, yếu tố làm gương mà dự thảo Chỉ thị này nhấn mạnh là yếu tố vô cùng cần thiết…", ông Vũ Công Hội, Quyền Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Trước nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn có được một Chỉ thị không có kẽ hở, ông Vũ Công Hội cho rằng "đó là ảo tưởng". "Bởi bên cạnh sự chủ động và mong muốn chủ quan của mỗi cá nhân, gia đình thì còn đó nhiều yếu tố bị động khác như tác động của họ hàng, làng xóm, thói quen, phong tục nữa…", ông Hội nói.

Ðại diện Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ thì cho rằng, những mô hình dù gọn nhẹ nhưng nếu áp đặt thì sẽ không phù hợp với mọi vùng miền, rất có thể lại là kẽ hở để chính các gia đình, cá nhân "có việc nhà" lách luật. Chẳng hạn, với mô hình đám cưới 300 khách, để đáp ứng người ta có thể tách địa điểm tổ chức ở nhiều nơi: khách sạn, cơ quan, tổ dân phố, về quê…, tổng hợp lại con số lớn hơn gấp nhiều lần mô hình đó.

Cũng theo ông Hà Văn Tăng, nếu quy định về việc cưới đang vướng về quy mô thì ở việc tang lại lúng túng trước tục rải vàng mã: "Chúng ta muốn sử dụng ít đồ vàng mã, không muốn rải rắc dọc đường nhưng lại không có chế tài xử lý. Vả lại, vàng mã hiện vẫn là mặt hàng được phép sản xuất và tiêu thụ, rất khác với cấm pháo, khi cấm đốt pháo Chính phủ đồng thời cũng cấm luôn cả sản xuất".

Ở góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, nên cụ thể hóa và đưa những quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang vào các hương ước, quy ước của làng, xã. Ðó cũng là cách để đưa chỉ thị vào cuộc sống.

Việc cưới, việc tang không chỉ là việc của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ… Tác động và sức lan tỏa của những sự kiện này trong đời sống cộng đồng là không hề nhỏ. Chính vì vậy, việc chấn chỉnh, khắc phục những hủ tục, tiêu cực trong công tác tổ chức các hoạt động này vẫn sẽ là mối quan tâm lớn, và dài hạn của cơ quan chức năng.

MỘC AN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-van-hoa/item/34105402-khi-phong-tuc-lai-tro-thanh…-rao-can.html