Khi phóng viên báo chí 'chạy' theo thể thao

Báo chí thể thao Việt Nam gắn liền với những câu chuyện tác nghiệp tại các đấu trường lớn như SEA Games, AFF Cup, Asiad, Olympic - những giải đấu có sự góp mặt của các đội tuyển và VĐV Việt Nam. Theo thời gian, xu hướng dần thay đổi, chuyển từ viết sâu đến viết nhanh, viết nhiều, để đáp ứng thị hiếu của bạn đọc thể thao nước nhà.

Các phóng viên tác nghiệp tại U20 World Cup. Ảnh: Đ.H

Không còn những “lá thư phương xa”...

Kết thúc VCK U20 World Cup mới diễn ra, nhà báo Đỗ Tuấn - Báo Bóng Đá chia sẻ trên trang facebook cá nhân của mình: “Ngày xưa, khoảng 7-8 năm trước, khi báo giấy vẫn còn thịnh, mỗi chuyến công tác nước ngoài, phóng viên vẫn luôn cấp tập với bài vở, nhưng cũng không đến nỗi quá vất vả như bây giờ, vì không phải chạy đua từng giờ từng phút với báo điện tử và lượng xem. Dẫu như thế, thông tin, bài vở vẫn sản xuất với khối lượng chóng mặt và chất lượng luôn phải đi kèm. Bởi luôn xác định khi các tuyển thủ thi đấu trên thao trường vì màu cờ sắc áo thì phóng viên cũng chiến đấu vì thương hiệu của tờ báo và uy tín của bản thân...

Những ngày qua, đọc các bài viết về U20 World Cup đang diễn ra tại Hàn Quốc với sự góp mặt lần đầu của bóng đá Việt Nam, chợt nhớ lắm những ngày tháng cũ. Thời điểm mà những bài nhật ký hoặc lá thư từ phương xa được xem như một đặc sản với rất nhiều câu chuyện, ghi chép bên lề thú vị và thấm đẫm cảm xúc...

Giờ đây, gần như chẳng còn một lá thư thuộc dạng ghi chép nào từ những phóng viên chiến trường. Có lẽ việc cuống cuồng chạy theo những thông tin tủn mủn đã khiến họ không còn thời gian và mất hết cảm xúc cho những bài ghi chép mang tính nhân văn?”.

Tôi may mắn có cơ hội ra nước ngoài tác nghiệp tại các giải đấu lớn như AFF Cup 2016 ở Myanmar và gần nhất là U20 World Cup 2017 trên đất Hàn Quốc. Hai giải đấu này phóng viên Việt Nam luôn chiếm số lượng áp đảo, chỉ thua kém nước chủ nhà. Lực lượng hùng hậu cũng cho thấy một cuộc chạy đua thông tin khốc liệt. Tất nhiên, phương châm được đặt ra là làm sao đưa tin nhanh nhất và truyền tải đầy đủ nhất những gì liên quan đến đội tuyển.

Còn những câu chuyện bên lề thì tùy vào quan điểm, thị hiếu bạn đọc của từng báo. Dĩ nhiên, đó không phải là những thông tin được các phóng viên đánh thứ tự quan trọng hàng đầu. Thế nên những “bức thư phương xa” là thể loại mà tôi cũng như những đồng nghiệp khác gần như bỏ qua. Phần vì mất thời gian đầu tư nhiều, phần vì lý do cảm xúc, và trên hết là vì độc giả bây giờ không còn chọn đọc dạng bài kiểu đó khi cảm xúc trong mỗi bức thư không còn.

Trong bối cảnh mà công nghệ phát triển, phóng viên có thể ngồi tại khách sạn hoặc trung tâm báo chí cũng hoàn toàn có thể “tác nghiệp” như ở hiện trường. Cũng không còn những thông tin riêng hay độc quyền, khi mọi phóng viên đều có thể tiếp cận nguồn tin một cách dễ dàng và nhanh nhạy không kém gì nhau. Vì thế, các phóng viên phải chạy đua về số lượng và tốc độ, như một giải pháp tức thời và trong tình thế bất đắc dĩ khi tác nghiệp một mình trên đất khách, thay vì chọn một vấn đề để làm sâu và có góc nhìn riêng.

Những từ khóa, chủ đề có thể thu hút nhiều lượt xem, nhiều bình luận nhất cũng như những nhân vật của công chúng luôn được ưu tiên lựa chọn và đưa lên tít. Chính vì thế, những “lá thư phương xa” sẽ chẳng bao giờ được đầu tư quá nhiều thời gian để rồi hiệu quả từ lượt xem mang lại không thể bằng các thông tin đơn thuần.

Viết những gì khán giả không thấy

Giữa lúc thông tin cuống cuồng chạy theo thể thao cũng với tốc độ không thua kém một VĐV, thì điều tạo sự khác biệt là làm sao phải là người kể chuyện và cố gắng khiến người khác phải lắng nghe câu chuyện ấy, bởi bạn đọc phải mất tiền để hy vọng vào một câu chuyện họ có thể nghe. Hay nói đúng hơn, là làm sao kể được nhiều hơn những câu chuyện phía sau trái bóng, kể được những góc khuất, chuyện hậu trường ngoài chuyên môn. Tất nhiên, để làm được điều này không phải dễ và không phải lúc nào cũng thành công.

Một nhà báo thể thao có tiếng từng chia sẻ về câu chuyện của mình khi mới bước vào làm báo thể thao. Đó là ở chung kết Tiger Cup 1998, khi còn một sinh viên mới ra trường, anh được tạo điều kiện xem và viết, cũng thấy rằng bài xứng đáng được đăng. Thế rồi, bài viết của anh bị tòa soạn trả lại với lý do: “Phóng viên viết những gì thấy và cả triệu người Việt Nam cũng thấy. Hãy viết những gì họ không thấy”.

Sau này anh tự đúc kết trong một chia sẻ: “Một bài học cơ bản trong giáo trình báo chí mà các giảng viên của tổ chức SIDA - Thụy Điển giảng dạy ở Việt Nam: Phương pháp Maestro. PV tóm tắt ý tưởng, nội dung bài viết trong vài câu.

Bấy giờ, BTV sẽ đóng vai một bạn đọc và nói: “Tôi bận lắm, tại sao tôi phải quan tâm tới đề tài này?”. Nếu phóng viên không trả lời được, hoặc không thuyết phục, ý tưởng ấy sẽ bị ném ngay vào sọt rác. Nếu ý tưởng đó hấp dẫn thì việc viết một bài báo mới bắt đầu... Ở các tòa soạn, nên có những thùng rác khổng lồ”.

Hoài Đan

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/khi-phong-vien-bao-chi-chay-theo-the-thao-675409.bld