Khi "tân binh" tăng trần

Không thể phủ nhận thực lực của các cổ phiếu mới, nhưng có vẻ như thị trường đã lạc quan quá mức khi đánh giá các “tân binh”.

Chỉ từ tháng 8 trở lại đây thị trường chứng khoán đã đón nhận hơn 30 cổ phiếu mới. Các cổ phiếu này, ngay khi lên sàn, đã lập tức được chú ý. Sức nóng “tân binh” Nổi bật nhất trong nhóm các "tân binh" phải kể đến VPH (Công ty Vạn Phát Hưng). Bất chấp thị trường có lúc điều chỉnh, VPH (niêm yết ngày 9/9) vẫn tăng trần liên tục suốt 28 phiên. Hiện tại, giá của VPH đã là 124.000 đồng/cổ phiếu (16/10), tăng hơn 300% so với giá chào sàn. CSM (Công ty Cao su Miền Nam), RDP (Công ty Nhựa Rạng Đông), DIG (Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng), VNI (Công ty Bất động sản Việt Nam) cũng đều là những cổ phiếu có mức tăng cao. Đã có lúc, giá của các cổ phiếu này đã tăng hơn 100% so với giá chào sàn. Sức nóng của nhóm cổ phiếu "tân binh" còn biểu hiện qua hiện tượng “không chịu bán”. Trong ngày giao dịch đầu tiên (7/10), chỉ có 20 cổ phiếu của Công ty Cao su Sao Vàng (SRC) được bán ra trong khi dư mua lại lên đến 13,8 triệu cổ phiếu. Ông Lê Thanh Đức, Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán An Bình, lý giải, các cổ phiếu lên sàn lần này có sức tăng cao là vì đa phần đều thuộc những ngành nghề hấp dẫn. Chẳng hạn, ATA (Công ty NTACO), AAM (Công ty Thủy sản Mekong) đều là những doanh nghiệp thuộc ngành thủy sản. Một khi kinh tế thế giới phục hồi, cơ hội xuất khẩu mặt hàng này là rất lớn. Theo Bộ Thủy sinh kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2010 sẽ là 5 tỉ USD so với mức ước tính 3 tỉ USD hiện nay. Trong khi đó, sức nóng của thị trường bất động sản vẫn tiếp tục lan tỏa, đẩy cao giá cổ phiếu ngành này như D2D, DIG, VNI, VPH. Cổ phiếu ngành cao su, vỏ ruột xe như PHR (Công ty Cao su Phước Hòa), CSM, SRC cũng hứa hẹn tiềm năng tăng trưởng. Bởi lẽ, kinh tế thế giới đang dần hồi phục sẽ kéo theo sự khởi sắc của ngành ôtô, từ đó tác động tích cực đến thị trường cao su. Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc CTCP Truyền thông Tài chính Stoxplus, thì nhận định: “Chính doanh nghiệp niêm yết cũng đã tạo được sức hút”. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2009, lợi nhuận của AAM, CSM, DIG... đều vượt kế hoạch cả năm. Cụ thể, AAM đạt 183,5% kế hoạch năm, CSM đạt 482,3% và DIG 117,5%. Hơn nữa, CSM, VPH, DIG đều là những tên tuổi đầu ngành. CSM được biết đến như doanh nghiệp sản xuất vỏ ruột xe số 1 tại thị trường nội địa, chiếm đến 35% thị phần, với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm 25%. Còn VPH nổi tiếng với nhiều dự án lớn như khu dân cư Phú Thuận, Tân Kiêng, Phú Mỹ, Phú Xuân. Ngoài ra, VPH còn sở hữu 95 ha đất tại các vị trí đắc địa như quận 2, quận 7, quận 9, Nhà Bè. DIG lại gây sự chú ý với tốc độ tăng trưởng ROE (hệ số thu nhập trên vốn cổ phần) lên tới 39,3% trong năm 2008. Trong thời gian tới, các dự án Đại Phước - Đồng Nai, Chí Linh - Vũng Tàu, Seaview sẽ tiếp tục đóng góp vào lợi nhuận của DIG. Mức giá chào sàn khá khiêm tốn cũng khiến các cổ phiếu “tân binh” trở nên hấp dẫn. Công ty Chứng khoán Rồng Việt định giá cổ phiếu CSM tại thời điểm niêm yết là 58.400 đồng/cổ phiếu, nhưng CSM vẫn niêm yết với giá 42.000 đồng/cổ phiếu. DIG, VPH, SRC cũng đều đưa ra mức giá khởi điểm khá thấp so với các cổ phiếu cùng ngành. Giá chào sàn của DIG là 55.000 đồng/cổ phiếu, VPH 30.000 đồng, SRC 42.000 đồng. Kết quả là giá các cổ phiếu này đã tăng mạnh ngay sau đó. Ông Phạm Linh, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Quốc tế nhận xét: “Yếu tố thị trường cũng hỗ trợ cho sức tăng của cổ phiếu mới”. Với việc chỉ số liên tục tăng điểm và nguồn vốn tăng (trung bình 5.000 tỉ đồng/phiên), nhà đầu tư càng phấn chấn và mạnh dạn đầu tư vào cổ phiếu mới. Cảnh giác Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đã có sự lạc quan quá mức trong việc đánh giá cổ phiếu mới. Chẳng hạn, giá của VNI và RDP đã tăng trên 100% sau chưa đầy 1 tháng. Trong khi đó theo phân tích của Công ty Chứng khoán Tân Việt, VNI và RDP khó đạt được kết quả này. VNI ra đời vào năm 2007. Một năm sau suy giảm kinh tế khiến thị trường bất động sản bị đóng băng. Do vậy năm 2008, lợi nhuận trước thuế của VNI chỉ đạt khoảng 1,1 tỉ đồng. Tính ra, ROE năm 2008 của VNI chỉ đạt 0,74%, ROA (hệ số thu nhập trên tài sản) là 0,62%, thấp nhất trong số các cổ phiếu cùng ngành. Sang năm 2009, tình hình của VNI vẫn ì ạch khi lợi nhuận trước thuế 5 tháng đầu năm của VNI chỉ đạt 183,5 triệu đồng. Do đó, EPS (hệ số thu nhập mỗi cổ phiếu) 6 tháng đầu năm của VNI đã giảm còn 140 đồng/cổ phiếu so với mức 780 đồng/cổ phiếu cuối năm 2008. Nhà đầu tư dường như đã bị thuyết phục khi nhìn vào hai dự án Vinaland Tower và Sai gon South Center mà VNI là chủ đầu tư. Tuy nhiên, cho đến nay hai dự án trên vẫn ở giai đoạn đền bù. Phải vài năm tới, khi 2 dự án đi vào hoạt động, tình hình kinh doanh của VNI mới hy vọng có sự đột phá. Do đó, mức giá vượt 50.000 đồng/cổ phiếu được xem là khá cao so với thực lực của VNI. Đối với RDP, Công ty Chứng khoán Tân Việt cho rằng, giá hợp lý của cổ phiếu này vào khoảng 16.000 đồng/cổ phiếu. Trong dài hạn, giá có thể kỳ vọng lên khoảng 25.000 đồng. Vì thế, khi RDP tăng vọt trên 30.000 đồng/ cổ phiếu chỉ trong thời gian ngắn, Tân Việt đã khuyến nghị nên thận trọng đối với cổ phiếu này. Rõ ràng, diễn biến tăng của nhóm cổ phiếu mới thời gian qua không thể loại trừ yếu tố làm giá. Điều này càng dễ xảy ra đối với các cổ phiếu mà cổ đông lớn của công ty nắm giữ hầu hết. Vì thế, nhà đầu tư nên cân nhắc trước khi quyết định mua vào. Ngọc Thủy Theo NCĐT

Nguồn StoxPlus: http://stox.vn/stox/view_news_detail/39557/1/179/khi-tan-binh-tang-tran.stox